Trung Quốc gia tăng quân sự hóa biển Đông

Lợi dụng cộng đồng quốc tế bị sao nhãng bởi cuộc khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên, Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở quân sự mới tại những khu vực có tổng diện tích 29 ha trên các đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông từ đầu năm 2017 đến giờ.

Theo một báo cáo mới của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, trụ sở ở Mỹ), kết quả phân tích hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy những cơ sở mới được xây dựng gồm kho đạn, hệ thống radar, nhà chứa tên lửa… và có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Cụ thể, trong vài tháng gần đây, Trung Quốc đã ngang nhiên triển khai một vật thể được cho là hệ thống radar tần số cao mới trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong khi đó, tại đá Xu Bi, cũng thuộc Trường Sa, một hệ thống đường hầm dường như đã được hoàn tất và có thể được sử dụng để chứa đạn dược, bên cạnh sự hiện diện của một hệ thống ăng-ten radar và các vòm radar.

Những cơ sở phi pháp được xây trên đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa, gồm hầm ngầm lưu trữ đạn dược, nhà chứa máy bay, nhà chứa tên lửa và dàn radar. Bắc Kinh cũng ngang ngược tiến hành hoạt động xây dựng tại quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép), như đường băng lên thẳng, tua-bin gió trên đảo Cây và hai tháp radar lớn trên đảo Tri Tôn.

Ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên đá đá Xu Bi chụp hôm 6-7-2017 (trái) và 7-12-2017 Ảnh: AMTI.CSIS.ORG

Đáng chú ý, những hoạt động trên của Bắc Kinh vẫn ngang nhiên diễn ra bất chấp sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. "Việc quân sự hóa hơn nữa các tiền đồn sẽ chỉ làm tăng căng thẳng và sự không tin tưởng giữa các bên liên quan (đến vấn đề biển Đông)" - ông Christopher Logan, người phát ngôn Lầu Năm Góc, nói với tờ The Guardian.

Quân đội Mỹ đã tiến hành vài cuộc tuần tra ở biển Đông năm nay ngay cả khi Washington tìm kiếm sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong việc xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 12-12 đã lặp lại lời kêu gọi Trung Quốc ngưng xây đảo nhân tạo, trong lúc gọi hành vi quân sự hóa của nước này ở biển Đông là không thể chấp nhận. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chính quyền ông Donald Trump vẫn chưa có chiến lược chặt chẽ đối với điểm nóng này.

Úc cũng là quốc gia phản ứng mạnh những hành động khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông, thể hiện qua các chuyến bay giám sát cũng như ủng hộ Mỹ đưa tàu tuần tra gần các đảo nhân tạo nêu trên. Sách trắng ngoại giao gần đây của Úc đã bày tỏ quan ngại về "tốc độ và quy mô chưa từng thấy" của các hoạt động bồi đắp, xây dựng mà Trung Quốc tiến hành tại biển Đông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức phản ứng khi gọi những nội dung này là "vô trách nhiệm". Chưa hết, tại cuộc gặp Phó Đô đốc Úc Tim Barrett ở Bắc Kinh hôm 14-12, Tư lệnh hải quân Trung Quốc Thẩm Kim Long chỉ trích những hành động của Canberra ở biển Đông đi ngược lại xu hướng hòa bình và ổn định chung tại một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới.

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-gia-tang-quan-su-hoa-bien-dong-20171215220035161.htm