Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Trung Á

Giới chuyên gia nhận định, thời hậu COVID-19, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực Trung, Nam Á có thể được mở rộng đáng kể, giúp Bắc Kinh nhanh chóng tiến tới vị thế siêu cường.

”Cảng khô” Khorgos Gateway giữa vùng tuyết phủ. Ảnh: Forbes

”Cảng khô” Khorgos Gateway giữa vùng tuyết phủ. Ảnh: Forbes

Tại khu vực xa xôi nhất của Kazakhstan - vùng đất được những ngọn núi phủ đầy tuyết bao quanh và được xem là “sân sau” của sa mạc Taklimmakan, “cảng nội địa” Khorgos lớn nhất thế giới đã được mọc lên gần như chỉ sau một đêm. Đây là cảng vận tải hàng hóa nhộn nhịp được Trung Quốc tham gia xây dựng, gọi là “hòn ngọc giữa sa mạc”, nơi “Đông gặp Tây”. Nhiệm vụ chính của cảng Khorgos Gateway là xử lý hàng hóa trên bộ từ Trung Quốc đến châu Âu. Chỉ riêng các tuyến đường sắt hiện hữu tại đây đã chuyên chở hơn 16 triệu tấn hàng hóa mỗi năm và khi tuyến đường sắt mới đi vào hoạt động, lượng hàng hóa được xử lý dự kiến sẽ tăng gấp đôi.

Thật ra, “cảng khô” Khorgos chỉ là một trong số nhiều dự án cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đầu tư phát triển ở Kazakhstan. Năm 2013, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố sáng kiến “Vành đai, Con đường - BRI” nhằm kết nối Trung Quốc với châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu, Kazakhstan đã háo hức tham gia và tự xem mình là “trọng tâm” của BRI. Kể từ đó, Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng hoặc cải thiện cảng Aqtau của Kazakhstan, tuyến đường sắt hạng nhẹ Astana, đèo Alataw, tuyến cao tốc Tây Âu-Tây Trung Quốc và hơn 50 dự án cơ sở hạ tầng khác trên khắp nước này, với tổng vốn đầu tư lên tới 27,4 tỉ USD, giúp Bắc Kinh tô đậm ảnh hưởng không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà còn chi phối cả bộ máy điều hành Chính phủ Kazakhstan.

Nga luôn coi Kazakhstan là khu vực nằm trong “quỹ đạo” ảnh hưởng của họ, do đó sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc tại quốc gia này được giới quan sát nhận định không chỉ tạo ra những thay đổi lớn về các tuyến vận tải toàn cầu, mà còn là tác động đáng kể tới tình hình chính trị của Kazakhstan và khu vực.

Thế nhưng, Kazakhstan không phải là quốc gia Trung Á duy nhất mang đậm dấu ấn của Trung Quốc. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và cả Turkmenistan, nơi hiện xuất khẩu gần 80% tổng lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Quyền lực của Trung Quốc tại khu vực không chỉ dừng lại ở ảnh hưởng về kinh tế. Bắc Kinh cũng ngày càng gia tăng đảm bảo an ninh cho Trung Á, thậm chí thiết lập sự hiện diện quân sự ở nhiều nơi trong khu vực. Nếu như xuất khẩu vũ khí của Nga vào Trung Á chiếm 2/3 từ năm 2010, thì xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc vào đây cũng chiếm 18%.

Đáng chú ý, hồi trung tuần tháng 7, Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp trực tuyến cấp ngoại trưởng đầu tiên với 5 nước Trung Á gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan (gọi là cuộc họp C + C5) nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Động thái này được cho là nhằm tăng cường vị thế và ảnh hưởng của Trung Quốc tại Trung Á giữa lúc các nước khu vực đối mặt với khó khăn vì khủng hoảng dịch bệnh.

Trung Quốc và Pakistan tăng cường hợp tác xây dựng hạ tầng ở Kashmir, nơi cả hai đều có tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ. Theo tờ The Star, Islamabad hôm 5-8 đã thông qua dự án trị giá 6,8 tỉ USD để nâng cấp tuyến đường sắt ở khu vực thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan trị giá hàng tỉ USD. Trước đó, Bắc Kinh thông báo sẽ nối dài tuyến đường từ thị trấn Thakot tới thị trấn Havelian tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa thêm 118km - một phần trong dự án đường bộ chạy từ thủ đô Islamabad đến địa khu Kashgar thuộc khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc. Một khi hoàn thành, con đường mang tên Cao tốc Hữu nghị nói trên sẽ chạy qua khu vực Kashmir và được xem là bằng chứng của mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa Trung Quốc và Pakistan sau khi Ấn Độ rút lại quy chế tự trị cho vùng Kashmir.

TRÍ VĂN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/trung-quoc-gia-tang-anh-huong-tai-trung-a-a124339.html