Trung Quốc gây sức ép bằng du lịch

Trung Quốc đang biến nguồn khách du lịch dồi dào của nước này trở thành 'món vũ khí' để đạt được ý đồ ngoại giao.

Phương Tây vào cuộc Reuters mới đây dẫn nguồn ngoại giao tiết lộ Anh, Mỹ, Pháp và Úc sẽ mở thêm các đại sứ quán, hợp tác nhiều hơn với các đảo quốc Thái Bình Dương nhằm đối phó việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Trung Quốc từ năm 2011 chi mạnh tay vào các đảo quốc Thái Bình Dương và trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai khu vực sau Úc, làm dấy lên lo ngại nhiều nước nhỏ có thể bị dính bẫy nợ của Bắc Kinh. Tuy nhiên, phương Tây vào cuộc để cạnh tranh ảnh hưởng tại đây một phần cũng vì các đảo quốc sở hữu vùng biển rộng lớn nhiều tài nguyên, bên cạnh việc mỗi nước đều có một phiếu bầu tại các diễn đàn quốc tế như LHQ. - Ảnh: AFP

Số hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây cũng đồng nghĩa có thêm nhiều người đủ khả năng tài chính để đi du lịch nước ngoài. Thực tế cho thấy khách du lịch từ quốc gia 1,4 tỉ dân chiếm một phần lớn và có khả năng ảnh hưởng đến ngành du lịch của những nước khác. Bắc Kinh nhờ đó có được “món vũ khí” hữu hiệu để khiến các đối tác phải cân nhắc khi xảy ra mâu thuẫn ngoại giao, theo Reuters.

Hồi tháng 3.2017, Trung Quốc ban hành lệnh cấm bán các gói tour du lịch đi theo đoàn đến Hàn Quốc để trả đũa việc Seoul cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Hàn Quốc nói rằng việc triển khai THAAD nhằm đề phòng mối đe dọa từ tên lửa của CHDCND Triều Tiên, trong khi Trung Quốc tố cáo radar của hệ thống có thể được sử dụng để do thám nước này. Lệnh cấm được dỡ bỏ một phần vào cuối năm ngoái sau khi hai nước đạt thỏa thuận làm ấm lại mối quan hệ. Tuy nhiên, ước tính thiệt hại mà Hàn Quốc hứng chịu là gần 7 tỉ USD vì lệnh cấm trên, theo Đài ABC.

Palau là nước mới nhất trở thành mục tiêu tiếp theo. Trung Quốc những năm gần đây đầu tư mạnh vào các nước thuộc “chuỗi đảo thứ hai”, khái niệm chỉ vòng cung bao quanh lãnh hải Trung Quốc gồm Nhật, đảo Guam (Mỹ) cho đến các đảo ở tây nam Thái Bình Dương. Palau do đó trở thành một phần trong kế hoạch mở rộng sức ảnh hưởng của Trung Quốc với lượng khách du lịch từ đại lục đến đảo quốc này tăng từ 634 người trong năm 2008 lên thành 87.000 người năm 2015. Năm ngoái, người Trung Quốc chiếm gần 50% lượng khách du lịch ở Palau, nước vốn có 85% GDP đến từ ngành du lịch, theo Fox News. Không những vậy, Bắc Kinh còn viện trợ tài chính, cung cấp những khoản vay ưu đãi và đầu tư nhiều dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở các khu “đất vàng” ven biển của Palau.

Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi kể từ tháng 11.2017 khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm các tour du lịch theo đoàn đến Palau và gọi nước này là điểm đến trái phép vì “thiếu địa vị ngoại giao”. Reuters đưa tin hoạt động du lịch của Palau trở nên đìu hiu kể từ thời điểm đó. Người Trung Quốc chỉ còn chiếm 13% tổng lượng khách đến Palau trong năm nay, lượng phòng trống ở nhiều khách sạn lên đến hơn 50%. Các nhà đầu tư Trung Quốc trước đó thuê nhiều khu đất với thời hạn 99 năm để xây 60 khách sạn, nhưng hiện giờ hầu hết các dự án đã bị tạm ngưng thi công. Hãng hàng không Palau Pacific Airways hồi tháng 7 cũng buộc phải thông báo ngưng đường bay thẳng sang Trung Quốc vì không có khách.

Giới quan sát cho rằng đây là cách để chính quyền Bắc Kinh gây sức ép buộc Palau từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Loan và công nhận nguyên tắc “một Trung Quốc”. Tổng thống Palau Tommy Remengesau Jr nói rằng: “Không có gì bí mật khi Trung Quốc muốn Palau và các đồng minh khác của Đài Loan quay sang bắt tay với chính quyền đại lục”. Tuy vậy, nhà lãnh đạo coi đây là cơ hội để thay đổi chiến lược phát triển du lịch của đất nước, từ thị trường giá rẻ, đại trà trở thành một điểm đến hạng sang.

Phương Tây vào cuộc

Reuters mới đây dẫn nguồn ngoại giao tiết lộ Anh, Mỹ, Pháp và Úc sẽ mở thêm các đại sứ quán, hợp tác nhiều hơn với các đảo quốc Thái Bình Dương nhằm đối phó việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Trung Quốc từ năm 2011 chi mạnh tay vào các đảo quốc Thái Bình Dương và trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai khu vực sau Úc, làm dấy lên lo ngại nhiều nước nhỏ có thể bị dính bẫy nợ của Bắc Kinh. Tuy nhiên, phương Tây vào cuộc để cạnh tranh ảnh hưởng tại đây một phần cũng vì các đảo quốc sở hữu vùng biển rộng lớn nhiều tài nguyên, bên cạnh việc mỗi nước đều có một phiếu bầu tại các diễn đàn quốc tế như LHQ.

Bảo Vinh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/trung-quoc-gay-suc-ep-bang-du-lich-1000759.html