Trung Quốc gây sốc với cảng biển châu Phi 10 tỷ USD

Làng chài Mlingotini cùng 4 làng dọc bờ biển Bagamoyo tại Tanzania sẽ bị san bằng để xây dựng một cảng biển lớn nhất châu Phi do Trung Quốc đầu tư.

Trong chiến lược phát triển để trở thành cường quốc biển, một phiên bản "Thâm Quyến" ở Châu Phi sẽ được Trung Quốc dựng lên trong vòng 10 năm nữa.

Làng chài Mlingotini yên bình cùng với 4 làng dọc bờ biển Bagamoyo, phía Bắc Thủ đô Dar Es Salaam của Tanzania sẽ bị san bằng, để xây dựng một cảng biển lớn nhất châu Phi trị giá 10 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư xây dựng.

Thị trấn Bagamoyo từng nổi lên với hiện tượng buôn bán nô lệ và được đề cử di sản thế giới từ 12 năm trước đang được Trung Quốc xem như một Thâm Quyến mới.

Làng chài nhỏ gần Bagamoyo 10 năm tới sẽ trở thành cảng lớn nhất châu Phi

Làng chài nhỏ gần Bagamoyo 10 năm tới sẽ trở thành cảng lớn nhất châu Phi

Trước khi trở thành khu kinh tế đặc biệt đầu tiên của Trung Quốc vào năm 1979, Thâm Quyến cũng là một thị trấn đánh cá nhỏ. Giờ đây nó là một trong những thành phố lớn nhất thế giới và là trung tâm công nghệ cao. Còn Bagamoyo, nếu dự án được thực hiện đúng như kế hoạch, nó sẽ trở thành cảng lớn nhất châu Phi.

Thực tế, sau nhiều năm trì hoãn, Chính phủ Tanzania cho biết họ đang trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đàm phán với Công ty Nhà nước Trung Quốc Merchants Holdings International. Các đầm phá sẽ được nạo vét, cho phép tàu chở hàng khổng lồ cập bến.

Đối với khu kinh tế đặc biệt ngay sát đó do quỹ của Oman lập ra, quy hoạch ban đầu cho thấy các nhà máy cùng khu dân cư với dân số tương lai ước tính là 75.000 người.

Đề xuất khai thác vùng biển Bagamoyo mở rộng đến Đông Phi nằm trong Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc và chỉ là 1 trong nhiều dự án hợp tác lớn của Trung Quốc với châu Phi. Có thể kể ra một số dự án đình đám ở đây như:

Ethiopia có tuyến đường sắt chạy bằng điện dài 756km nối Thủ đô Addis Ababa đến cảng biển của nước láng giềng Djibouti, tổng giá trị đầu tư 3,2 tỷ USD. Và Djibouti, để đổi lấy các khoản đầu tư lớn, các khoản vay ưu đãi, 1 đường ống dẫn dầu và 2 sân bay, cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài.

Đáng nói là cảng mới Bagamoyo có thể giúp hồi sinh tuyến đường sắt Tazara, kéo dài từ các mỏ đồng của Zambia đến Dar Es Salaam, đánh dấu cơ sở hạ tầng có quy mô lớn đầu tiên mà Trung Quốc dựng lên ở châu Phi từ những năm 1960.

Điểm khác biệt chính là Tazara chủ yếu được chi trả bằng tiền viện trợ của Trung Quốc thời đó, còn hiện tại, hầu hết các dự án mới đều là các khoản vay thương mại của Trung Quốc.

Đã có những lo ngại về các khoản vay này. Giai đoạn từ năm 2000-2015, Trung Quốc đã cho các nước châu Phi vay 95,5 tỷ USD.

Trước chuyến thăm châu Phi vào tháng 3/2018, cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã cáo buộc Trung Quốc về các hoạt động cho vay kiểu này, hay khi còn là Ngoại trưởng, bà Hillary Clinton từng cảnh báo về “chủ nghĩa thực dân mới” của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc thâu tóm các cảng biển tại Châu Âu. Bởi, các cảng biển đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của châu lục này khi có tới 70% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu được lưu chuyển qua đường biển.

Các cảng biển ở châu Âu cũng đang tạo ra 1,5 triệu việc làm, xử lý khối lượng hàng hóa trị giá 1.700 tỷ euro.

Gần đây, các cảng biển ở châu Âu thu hút sự chú ý của các tập đoàn Trung Quốc, khi Trung Quốc thực hiện chủ trương đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới theo Sáng kiến “Vành đai và Con đường” - (BRI).

Trong thập niên qua, các công ty tư nhân và nhà nước Trung Quốc đã mua cổ phần tại 8 cảng biển ở Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Ý, Hà Lan và Tây Ban Nha. Nhìn chung, các công ty nhà nước của Trung Quốc vẫn nắm vai trò chủ đạo trong chiến lược đầu tư vào hệ thống cảng biển ở châu Âu.

Cùng với tham vọng thâu tóm cảng biển thì "bẫy nợ" của Trung Quốc cũng đang khiến nhiều quốc gia đang mắc vào chiếc thòng lọng của chiến lược “Một vành đai, một con đường”.

Với mồi câu là các dòng tín dụng cho vay dễ dãi của Trung Quốc, nhiều quốc gia như Argentina, Namibia, Sri Lanka, Djibouti, Nepal, Campuchia, Myanmar, Indonesia, Hy Lạp, Ý, Úc… Những cái tên xuất hiện trải dài từ tiểu vùng hạ lưu sông Mê Kông, đến khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, châu Phi, thậm chí sang châu Âu đã khó thoát khỏi chiếc bẫy nợ của Bắc Kinh.

Những quốc gia này sẵn sàng mời gọi và liên doanh với công ty Trung Quốc để làm dự án cảng biển, đặc khu kinh tế… bất chấp thực tế đang đặt các vùng chiến lược của đất nước trước nguy cơ rơi vào tay Trung Quốc.

Làn sóng đầu tư của Trung Quốc đã gây ra nhiều nghi ngại cho các nước châu Âu. Pháp và Đức là điển hình trong số các quốc gia còn do dự khi tham gia BRI.

Liên minh châu Âu đã phải gia tăng các biện pháp kiểm soát hoạt động đầu tư của Trung Quốc. EU hiện đang tích cực để đề ra khuôn khổ cơ chế sàng lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Hoàng Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/trung-quoc-gay-soc-voi-cang-bien-chau-phi-10-ty-usd-3363144/