Trung Quốc-EU: Gỡ khó chưa hết khó

Chuyến công du châu Âu của Ngoại trưởng Trung Quốc cho thấy vô số 'cái khó' của Trung Quốc trong mối quan hệ 'không được bình thường' với thế giới ở thời buổi của dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.

Nếu ông Vương Nghị không thành công với sứ mệnh ngoại giao công du châu Âu thì triển vọng thành công của cuộc Thượng đỉnh trực tuyến Trung Quốc-EU ngày 14/9 tới sẽ khó được đảm bảo. (Nguồn: GETTY/TTXVN)

Nếu ông Vương Nghị không thành công với sứ mệnh ngoại giao công du châu Âu thì triển vọng thành công của cuộc Thượng đỉnh trực tuyến Trung Quốc-EU ngày 14/9 tới sẽ khó được đảm bảo. (Nguồn: GETTY/TTXVN)

Trong thời gian 7 ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị công du 5 nước châu Âu là Italy, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức. Từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra bùng phát và tác oai tác quái ở Trung Quốc cũng như trên khắp thế giới, đấy là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Vương Nghị. Vào thời buổi ngoại giao trực tuyến trở thành chủ yếu thì gặp gỡ và trao đổi trực tuyến có được ý nghĩa và giá trị rất đặc biệt.

Giống như mối quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc, mối quan hệ giữa EU-Trung Quốc trở nên không được bình thường nữa trong thời gian vừa qua. Giữa hai bên nảy sinh bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích mới. Chúng rất khó có thể được khắc phục hay xử lý ổn thỏa bởi rất phức tạp và nhạy cảm cả về đối nội lẫn đối ngoại đối với cả hai bên, nhất là khi phía EU lại còn khá tương đồng quan điểm với Mỹ trong những mối bất hòa hiện tại giữa Mỹ-Trung Quốc.

Hoạt động ngoại giao đặc biệt này của phía Trung Quốc ở châu Âu trước hết chuẩn bị cho cuộc trao đổi trực tuyến giữa giới chức lãnh đạo EU và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được dự kiến tiến hành trong ngày 14/9 tới. Dịch bệnh và thực trạng quan hệ song phương hiện không được êm thấm giữa Trung Quốc và EU làm cho cuộc trao đổi trực tuyến này thành sự kiện chính và đỉnh cao của mối quan hệ song phương giữa hai bên trong năm nay. Nếu ông Vương Nghị không thành công với sứ mệnh ngoại giao công du châu Âu thì triển vọng thành công cũng sẽ rất mờ mịt đối với sự kiện này.

Giữa Mỹ-Trung Quốc càng căng thẳng và trắc trở thì Trung Quốc càng cần yên bình và tốt đẹp trong quan hệ với EU bởi phía Mỹ không hề giấu giếm chủ ý lôi kéo các nước ở châu Âu và ở cả những nơi khác nữa trên thế giới vào liên minh, liên quân hay liên kết hoặc liên thủ nào đấy để cùng đối phó Trung Quốc. Mãi đến bây giờ Trung Quốc mới cử sứ giả tới châu Âu trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo từ đầu năm nay đến giờ đã vài lần công cán châu Âu - bất chấp dịch bệnh và quan hệ giữa Mỹ-EU không thể được coi là thuận buồm xuôi gió.

Những cái khó với EU mà vị sứ giả ngoại giao của Trung Quốc muốn gỡ với chuyến đi này là xua tan những hoài nghi ở phía EU liên quan đến cách thức Trung Quốc ứng phó dịch bệnh và thông tin về dịch bệnh, là hóa giải sự không đồng tình của phía EU về những biện pháp chính sách của Trung Quốc đối với người theo đạo Hồi ở vùng Tân Cương, đối với Hong Kong và Đài Loan cũng như tìm cách giải cứu các doanh nghiệp của Trung Quốc trên thị trường châu Âu. Một mục đích nữa của phía Trung Quốc là phân hóa EU với Mỹ và ngăn ngừa khả năng các nước thành viên EU hùa theo Mỹ cùng đối phó Trung Quốc.

EU vẫn coi trọng quan hệ với Trung Quốc và giữ cầu quan hệ với Trung Quốc nhưng hiện xem ra chưa sẵn sàng bình thường quan hệ trở lại với Trung Quốc. Cũng phải thôi bởi bất đồng quan điểm quá sâu sắc, xung khắc lợi ích cơ bản quá rõ rệt mà hiện tại bối cảnh tình hình lại chưa thuận lợi và điều kiện chưa thuận lợi cho việc hai bên có thể nhanh chóng hóa giải mọi bất đồng và khắc phục mọi xung khắc.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-eu-go-kho-chua-het-kho-122923.html