Trung Quốc dùng máy bay tiêm kích cũ trên tàu sân bay hiện đại

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), sức mạnh hải quân Trung Quốc bị hạn chế vì vẫn phải sử dụng loại máy bay tiêm kích J-15 cũ kỹ trên tàu sân bay hiện đại, trong khi quá trình phát triển chiếc tiêm kích FC-31 lại không được thuận lợi.

Tiêm kích J-15 đậu trên tàu sân bay Liêu Ninh - Ảnh: SCMP

Tiêm kích J-15 đậu trên tàu sân bay Liêu Ninh - Ảnh: SCMP

SCMP cho biết Trung Quốc đã dành hơn 10 năm để phát triển tiêm kích J-15, dựa theo nguyên mẫu tiêm kích hai động cơ Su-33 của Nga, là tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay nặng nhất thế giới.

Tính đến nay, J-15 là tiêm kích duy nhất của Hải quân Trung Quốc, là mẫu máy bay chủ lực của tàu sân bay Liêu Ninh, tàu sân bay 001A (Trung Quốc tự đóng) cũng như của những tàu sân bay dự kiến sản xuất sau đó của Trung Quốc.

Trọng lượng của J-15 chính là nguyên nhân khiến quân đội Trung Quốc quyết định trang bị hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) cho tàu sân bay thứ ba (dự kiến bắt đầu đóng vào năm 2018) thay vì hệ thống phóng hơi nước, một nguồn tin quân sự giấu tên cho biết.

EMALS được thiết kế để nhận năng lượng trực tiếp từ tuabin chính của tàu sân bay, sử dụng dòng điện tạo ra từ trường mạnh, đẩy móc kéo gắn với máy bay di chuyển trên đường băng.

Hệ thống này được cho là gọn nhẹ, dễ vận hành, có thể phóng nhiều máy bay hơn trong cùng một đơn vị thời gian so với hệ thống phóng hơi nước. EMALS cũng tạo ra ít áp lực lên máy bay, giúp tăng tuổi thọ khung thân và cắt giảm thời gian bảo dưỡng.

Hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) - Ảnh: General Atomics

Theo nguồn tin quân sự giấu tên: “Trọng lượng cất cánh tối đa của J-15 là 33 tấn. Nhiều thử nghiệm đã cho thấy rằng ngay cả hệ thống phóng hơi nước thế hệ mới C13-2 của tàu sân bay lớp Nimitz (Mỹ) cũng gặp khó khăn khi phóng tiêm kích này”.

SCMP cho biết Mỹ cũng từng phải dùng tiêm kích F-14 Tomcat có trọng lượng cất cánh tối đa là 33,7 tấn, nhưng sau 32 năm sử dụng thì máy bay này đã bị thay thế bằng F-18 Super Hornet, trọng lượng cất cánh tối đa 29,9 tấn, vào năm 2006.

Tất cả các loại tiêm kích đều phải bỏ hết vũ khí và đốt hết nhiên liệu trước khi hạ cánh xuống tàu sân bay nhằm tránh bị hư hại và nguy cơ cháy nổ. F-18 khi hạ cánh có trọng lượng 14,5 tấn, nhẹ hơn J-15 khi hạ cánh đến 3 tấn. Điều này có nghĩa J-15 có nguy cơ xảy ra hư hại và cháy nổ cao hơn khi hạ cánh, theo SCMP.

Nguồn tin quân sự đánh giá: “Nếu Trung Quốc khăng khăng sử dụng hệ thống phóng hơi nước để phóng J-15, điều này giống như buộc một đứa trẻ chạy đua với vận động viên điền kinh Usain Bolt vậy. Thật đáng xấu hổ. Những thử nghiệm dùng EMALS cho thấy hệ thống này phóng J-15 dễ dàng và hiệu quả hơn. Khi Trung Quốc chưa thể sản xuất được tiêm kích nhẹ hơn trong ngắn hạn, tại sao không trực tiếp sử dụng EMALS?”

Trung Quốc đã có công nghệ EMALS hoàn thiện

Nguồn tin trên cũng tỏ ra tự tin về công nghệ EMAILS của Trung Quốc, khi nước này đã chế tạo được chíp bán dẫn công suất 3 cực (IGBT). Đây là một thành phần quan trọng trong hệ thống chuyển đổi năng lượng điện hiệu suất cao dùng của các phương tiện giao thông (tàu cao tốc, xe chạy điện), lưới điện và các nhà máy năng lượng tái tạo. Công ty cổ phần điện khí Thời đại Chu Châu (Hồ Nam) và công ty con Dynex ở Anh là đơn vị chế tạo ra con chip này.

Đầu tháng 11, Trung Quốc cho biết kỹ sư hải quân hàng đầu nước này Mã Vĩ Minh cùng đội ngũ nghiên cứu vừa phát triển thành công hệ thống lực đẩy tích hợp (IPS). Hệ thống này sẽ làm cho tàu sân bay nội địa thứ hai - tàu 002A sử dụng được EMALS mà không cần phải dùng tới điện hạt nhân và giúp tàu sân bay tiết kiệm tới 40% nhiên liệu.

Thiết kế tàu sân bay 002A, tàu sân bay nội địa thứ hai dự kiến bắt đầu đóng vào năm 2018 của Trung Quốc - Ảnh: Baidu

Trong cuộc phỏng vấn trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 3.11, chuẩn đô đốc Doãn Trác tiết lộ Trung Quốc đã thực hiện hàng trăm vụ phóng J-15 sử dụng EMALS (trên đất liền) trong vài năm qua.

Theo SCMP, tiết lộ của ông Doãn cho thấy Bắc Kinh đã sở hữu công nghệ EMALS hoàn thiện và đáng tin cậy, nhưng đồng thời phơi bày một sự thật đáng xấu hổ là thế hệ tàu sân bay mới của Trung Quốc vẫn sẽ dùng tiêm kích J-15 cũ kỹ, nặng nề.

Vẫn dùng J-15 trong hai thập kỷ tới

SCMP cũng cho hay tàu Liêu Ninh và tàu 001A đều dùng đường băng hình cầu nhảy, một lần chỉ phóng được 1 máy bay. Trong khi đó, hệ thống phóng của tàu sân bay Mỹ phóng 4 máy bay cùng một lúc.

Một nguồn tin của Hải quân Trung Quốc đánh giá: “Năng lực của J-15 là có hạn khi tiêm kích này được phát triển dựa trên mẫu máy bay Su-33, loại tiêm kích dùng cho tàu sân bay lớp Kuznetsov của Liên Xô, vốn còn cũ hơn cả tàu sân bay Liêu Ninh”.

Để thay thế J-15, Trung Quốc đã có dự án phát triển tiêm kích FC-31 với trọng lượng cất cánh tối đa chỉ có 28 tấn.

Mẫu thử tiêm kích FC-31 - Ảnh: Baidu

Hiện đã có hình ảnh đầu tiên về hai mẫu thử của FC-31 trên trang mạng của công ty sản xuất máy bay Thẩm Dương. Một trong hai mẫu đã lộ diện ở triển lãm hàng không Chu Hải năm 2014.

Tuy nhiên, các nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết quá trình phát triển FC-31 không diễn ra suôn sẻ và tiêm kích này không đáp ứng được yêu cầu của hải quân. Theo một trong hai nguồn tin: “FC-31 vẫn còn phải sử dụng động cơ RD-93 của Nga”.

Còn theo nguồn tin còn lại, do FC-31 không đáp ứng được yêu cầu nên trong 20 năm tới, J-15 vẫn là mẫu máy bay chủ lực của các tàu sân bay Trung Quốc.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/trung-quoc-dung-may-bay-tiem-kich-cu-tren-tau-san-bay-hien-dai-76327.html