Trung Quốc dừng đàm phán với Mỹ

Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố hủy đàm phán với Washington trong bối cảnh Mỹ-Trung Quốc lún sâu vào cuộc chiến thương mại toàn diện.

Trung Quốc (TQ) hôm thứ Bảy 22-9 lên tiếng hủy bỏ chương trình đàm phán thương mại với các quan chức Mỹ vốn dự kiến sẽ diễn ra vào tuần này. Trong khi đó, Washington phủ nhận thông tin Mỹ và TQ có kế hoạch đàm phán dù phía Mỹ vẫn để mở cơ hội để TQ tiếp cận và bày tỏ thiện chí thương thuyết.

Chờ kết thúc bầu cử giữa kỳ của Mỹ

Thông báo “hủy hẹn” được TQ đưa ra, theo một nguồn tin giấu tên của Bloomberg, bởi vì các lời đe dọa gia tăng thuế quan với hàng hóa TQ của Mỹ mới đây và nhất là lệnh trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm vào Bộ Quốc phòng TQ được công bố hôm 20-9, liên quan đến việc Washington cáo buộc TQ “lờ” lệnh cấm vận của Mỹ để mua vũ khí từ Nga. Tuần trước, một quan chức TQ lên tiếng Bắc Kinh chấp nhận thiệt hại khi đối đầu thuế với Mỹ và không chấp nhận bị Mỹ đe dọa.

Theo thông tin từ Bloomberg, ngày càng có dấu hiệu cho thấy sự đồng thuận cao độ ở Bắc Kinh rằng TQ chỉ có thể tiếp tục đàm phán với chính quyền Trump sau khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 11 tới đây kết thúc. Một số quan chức TQ cho rằng sau bầu cử, khả năng đạt được thỏa thuận Mỹ-TQ sẽ cao hơn, mặc dù nếu như dự báo kết quả bầu cử có thể khiến ông Trump suy giảm ưu thế và quyền lực trong quyết sách nếu phe Cộng hòa suy giảm ảnh hưởng đáng kể ở quốc hội Mỹ.

Phía TQ cũng trả đũa thuế lên 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ, dự kiến có hiệu lực kể từ tuần tới. Giới quan sát nhận định TQ đang âm thầm giúp đỡ các doanh nghiệp (DN) trong nước ổn định, đồng thời tranh thủ thời gian này củng cố sức mạnh DN TQ ở thị trường nội địa khi các DN Mỹ đang gặp khó khăn khi bị TQ tấn công.

Tỉ phú Jack Ma, người đứng đầu Alibaba (TQ), tuần trước nhận định cuộc chiến thương mại Mỹ-TQ khiến lời hứa của ông về việc mang lại 1 triệu việc làm cho người dân Mỹ trở nên lung lay. “Lời hứa (mang lại công ăn việc làm cho người dân Mỹ) về cơ bản dựa trên việc hợp tác thân thiện giữa Mỹ và TQ, cũng như các quan hệ thương mại song phương hợp lý nhưng tình hình vừa qua đã hủy hoại những nền tảng đó. Điều đó có nghĩa lời hứa sẽ không thể được thực hiện” - ông Jack Ma nói.

Mỹ và TQ dự kiến sẽ không có đàm phán trước khi bầu cử Mỹ giữa kỳ kết thúc. Ảnh: Internet

Mỹ và TQ dự kiến sẽ không có đàm phán trước khi bầu cử Mỹ giữa kỳ kết thúc. Ảnh: Internet

Mỹ có thể chịu thiệt hại trong dài hạn

“Tổng thống Trump có mối quan hệ vô cùng tốt đẹp với Chủ tịch Tập Cận Bình và các đại diện giữa hai nước vẫn thường xuyên đối thoại kể từ khi ông Trump nhậm chức” - phát ngôn viên Nhà Trắng Lindsay Walters trả lời phỏng vấn qua email của Bloomberg. Bà Lindsay Walters cho biết thêm “Chúng tôi vẫn tiếp tục để mở các chương trình thảo luận với TQ nhưng TQ lại luôn duy trì các hoạt động thương mại không công bằng”.

Mỹ tuần trước quyết định áp thuế 10% với lượng hàng hóa TQ trị giá 200 tỉ USD, nối dài gói thuế nhằm vào 50 tỉ USD hàng TQ trước đó. Mức thuế quan dự kiến sẽ tăng lên 25% vào cuối năm nay. Tổng thống Trump còn đe dọa “nếu TQ có bất kỳ hành động trả đũa nào, Mỹ sẽ tiếp tục đánh thuế lên 267 tỉ USD hàng TQ”. Điều đó có nghĩa tất cả hàng hóa TQ xuất khẩu sang Mỹ có thể chịu thuế nhập khẩu.

Dù ông Trump tỏ ra rất tự tin và quyết tâm nhưng giới quan sát vẫn đặt ra câu hỏi liệu việc TQ chấp nhận bị đánh thuế và “quay lưng” với các chuyên gia đàm phán người Mỹ, thì liệu ông Trump có sẵn sàng đánh gói thuế cuối cùng, đẩy xung đột thương mại Mỹ-TQ thành một cuộc chiến thương mại toàn diện và có ảnh hưởng đến toàn cầu, dự báo sẽ có tác động lâu dài và không thể tìm ra giải pháp tức thời.

“Chúng tôi không muốn điều đó nhưng rất có khả năng chúng tôi sẽ không có chọn lựa nào khác. Chúng tôi đang tạo ra rất nhiều sức ép với TQ” - ông Trump khẳng định trước báo chí Mỹ tại phòng Bầu dục vào tuần trước. Ông Trump còn tự tin về hiệu quả của cuộc chiến chống lại TQ, khẳng định “các mốc tăng trưởng kinh tế kỷ lục mới được thiết lập dựa trên các nền tảng thường nhật và nó không ngẫu nhiên” khi đề cập đến sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Mỹ những ngày gần đây.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích kinh tế và thậm chí là một số người đứng về phía ông Trump, theo CNN, cũng lo ngại rằng các tác động tiêu cực từ chính sách thương mại của ông Trump chưa xuất hiện lập tức ngay cả khi thỏa thuận Mỹ-TQ không thành công. Một loạt DN, trong đó có Target, Apple, Walmart, những tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Mỹ, trong bức thư gửi đến chính quyền Trump đã cảnh báo rằng các gói thuế nhằm vào TQ sẽ làm giá cả hàng hóa gia tăng.

Một số chuyên gia Mỹ cũng cho rằng trong dài hạn, tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể gia tăng bởi hậu quả của chương trình đánh thuế của ông Trump. Nếu cuộc chiến thương mại bước vào giai đoạn toàn diện, giá cả hàng hóa gia tăng, sức mua có thể giảm mạnh khiến tăng trưởng giảm theo, từ đó hoạt động sản xuất trở nên khó khăn và việc cắt giảm lao động là hệ quả khả dĩ. Việc cơ cấu lại các hoạt động sản xuất của các DN không thể diễn ra tức thì.

Chúng tôi đang cố gắng làm những việc có ảnh hưởng tối thiểu đến quyền lợi người tiêu dùng. Chúng tôi thật sự thận trọng từng bước một trong nỗ lực vạch ra những hành động nhằm trừng phạt TQ mà Mỹ không phải chịu thiệt hại đáng kể.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ WILBUR ROSS

THÙY ANH - ĐẠI THẮNG

Nguồn PLO: http://plo.vn/quoc-te/trung-quoc-dung-dam-phan-voi-my-794509.html