Trung Quốc dự định tham chiến tại Syria, tiêm kích hạm J-15 sắp được 'thử lửa'?

Đại sứ Trung Quốc tại Syria mới đây cho biết, quân đội nước này sẵn sàng tham gia hoạt động quân sự của quân đội chính phủ Syria nhằm chống lại các nhóm ly khai trên địa bàn tỉnh Idlib.

Nếu Trung Quốc quyết định can thiệp vào tình hình Syria, khả năng họ đưa lính bộ binh vào chiến đấu trực tiếp tại Idlib là rất khó xảy ra vì còn phải qua nhiều bước xét duyệt phức tạp, đồng thời lại tiềm ẩn nguy cơ thương vong rất cao.

Do vậy viễn cảnh khả thi nhất đó là Trung Quốc sẽ thay Nga, trở thành bên cung cấp yểm trợ hỏa lực từ trên không cho quân đội chính phủ Syria trong chiến dịch đánh chiếm Idlib sắp diễn ra.

Để triển khai không quân tham gia hoạt động quân sự tại Syria, gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ điều động tàu sân bay duy nhất đủ khả năng chiến đấu của mình là chiếc Liêu Ninh mang theo tiêm kích hạm J-15 lên đường.

Nếu nhận định trên là chính xác thì đây sẽ là lần đầu tiên hàng không mẫu hạm Trung Quốc cùng với máy bay chiến đấu đi kèm được vận hành trong một hoạt động thực chiến.

Vấn đề được nhiều người quan tâm vào lúc này đó là liệu chiếc Liêu Ninh có một màn thể hiện thất vọng như tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga, dẫn tới việc phải hồi hương sớm hay không?

Vũ khí chủ lực của tàu sân bay Liêu Ninh chính là tiêm kích hạm J-15, nó bị nhận xét sao chép từ Su-33, J-15 có đầy đủ những nhược điểm của nguyên mẫu như độ tin cậy không cao, khả năng mang tải trọng vũ khí thấp cũng như tầm hoạt động ngắn.

Bất chấp việc Trung Quốc tuyên bố đã có những cải tiến riêng giúp J-15 vượt xa Su-33, thậm chí còn trên cơ cả F/A-18E/F Super Hornet nhưng điều này không có mấy sức thuyết phục.

Để vận hành một biên đội tác chiến tàu sân bay tương tự như Mỹ thì Trung Quốc vẫn phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt khi đội ngũ phi công hải quân của họ thua xa cả về số lượng lẫn chất lượng.

Tuy vậy để rút ngắn quá trình "học hỏi" thì không có gì tốt hơn là tham gia vào hoạt động thực chiến với một đối phương gần như không có khả năng đáp trả. Đây có lẽ chính là tính toán của các quan chức quân sự Trung Quốc.

Nếu J-15 "thử lửa" tại Idlib, đây sẽ là cơ hội vàng giúp cho các quốc gia khác hiểu rõ hơn về năng lực của Hải quân Trung Quốc, đặc biệt là cặp bài trùng có khả năng thay đổi cuộc chơi là tàu sân bay và tiêm kích hạm.

Nguy cơ J-15 bị bắn rơi bởi phiến quân mặc dù tương đối thấp nhưng không thể loại trừ, nhất là khi có thể các nhóm vũ trang tại Idlib được Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đứng sau lưng hỗ trợ.

Nếu J-15 bị bắn rơi thì đây chắc chắn sẽ là một tin đáng chú ý với các quốc gia lân cận Trung Quốc, do hệ thống tác chiến điện tử của nó sẽ phải hoàn thiện thêm rất nhiều.

Thậm chí trường hợp tồi tệ hơn là J-15 gặp trục trặc kỹ thuật dẫn tới tự rơi trong chiến đấu, chắc chắn các khách hàng đang quan tâm tới chiến đấu cơ Trung Quốc sẽ phải cân nhắc kỹ và quay lại với máy bay Nga vì động cơ kém tin cậy vẫn bị cho là hạn chế của máy bay Trung Quốc.

Việc đưa quân tham chiến tại Syria và có thể điều động "Cá mập bay" J-15 tới không kích các mục tiêu của phiến quân đối lập thuộc địa bàn tỉnh Idlib được đánh giá là một nước cờ vô cùng mạo hiểm của Trung Quốc.

Toan tính trên có thể mang lại cho họ những lợi ích to lớn, khẳng định vị thế cường quốc đang lên, nhưng đi kèm theo cũng là nguy cơ rủi ro vô cùng cao.

Thời gian sẽ sớm trả lời câu hỏi đây là nước cờ khôn ngoan hay "chưa sạch nước cản" của giới chức quân sự Trung Quốc.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-trung-quoc-du-dinh-tham-chien-tai-syria-tiem-kich-ham-j15-sap-duoc-thu-lua/777685.antd