Trung Quốc dồn 3 hạm đội tập trận áp sát Nhật

Sau thời gian 'ổn định giả tạo', Trung Quốc vừa bất ngờ huy động trên 40 chiến hạm đến từ 3 hạm đội của nước này tập trận sát Nhật Bản.

Hoa Đông dậy sóng

Theo SCMP, ngày 7/12, Hải quân Trung Quốc chính thức khai hỏa cuộc tập trận quy mô lớn trên biển Hoa Đông với mục đích kiểm tra khả năng chống tên lửa và xử lý tình huống khẩn cấp trong mọi điều kiện thời tiết. Để tham gia cuộc tập trận quy mô cực lớn này, Hải quân Trung Quốc đã huy động 40 tàu chiến đến từ ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải, Nam Hải.

Căn cứ vào hình ảnh được công bố, ngay sau khi bắt đầu cuộc tập trận, một tàu Type 056 đã khai hỏa một tên lửa để đánh chặn một tên lửa khác được phóng từ tàu chiến lớp Type 052D, trong khi tàu lớp Type 054A tham gia vào nhiều tình huống diễn tập khác.

Chiến hạm Trung Quốc khai hỏa trong tập trận.

Chiến hạm Trung Quốc khai hỏa trong tập trận.

Cuộc tập trận được Cựu giảng viên pháo binh, tên lửa Trung Quốc Song Zhongping nhận định, Hải quân Trung Quốc muốn thông quan cuộc tập cho thấy Trung Quốc quyết tâm thúc đẩy năng lực chống tên lửa ở cả trên đất liền và trên biển.

Dù phía Nhật chưa có phản ứng chính thức nào về cuộc tập trận của Trung Quốc nhưng chừng đó cũng đủ cho thấy nó đang khiến biển Hoa Đông dậy sóng sau thời gian được coi là "ổn định giả tạo" còn thực chất, tình hình tranh chấp chủ quyền thực chất vẫn rất căng thẳng.

Tương quan lực lượng hải cảnh giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang có sự "chuyển biến ngược chiều", không ngừng kéo giãn khoảng cách theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Đó là những bình luận mang tính cảnh báo trên tờ "Tin tức Kinh tế Nhật Bản" vừa qua.

Theo thống kê của Cục An ninh biển Nhật Bản, sau năm 2014, bình quân mỗi tháng tàu hải giám (Giám sát biển) Trung Quốc tiến vào gần khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư 2 đến 3 ngày. Sau khi Nhật Bản thực thi chính sách "Quốc hữu hóa" đối với Senkaku/Điếu Ngư, năm 2013 bình quân mỗi tháng tàu hải giám Trung Quốc tiến vào gần Senkaku/Điếu Ngư là 7 đến 8 ngày.

Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) đã có những tuyên bố khiến các nhà chức trách bảo đảm an ninh Nhật Bản phải quan ngại là trong tương quan lực lượng trên biển Hoa Đông, ưu thế đang nghiêng dần về phía Bắc Kinh và hải cảnh là lực lượng làm nên ưu thế đó.

Về vấn đề tuần tra lãnh hải và các vùng biển gần, phía Nhật Bản do Cục An ninh biển đảm trách, phía Trung Quốc thì do Cục Hải cảnh (Cảnh sát biển) chịu trách nhiệm. Nếu xảy ra xung đột, lực lượng quân sự sẽ đóng vai trò quyết định, tuy nhiên rất ít khả năng xảy ra tình hình này.

Như vậy là trong điều kiện hòa bình, không có xung đột vũ trang, lực lượng hải cảnh sẽ tác động rõ rệt đến vấn đề trật tự an ninh trên biển. Trong tương lai, lực lượng tấn công và phòng thủ của Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế trước Nhật Bản ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

So sánh lực lượng hải cảnh của hai nước, mấu chốt của vấn đề là Trung Quốc có nhiều tàu cỡ lớn, trọng tải trên nghìn tấn và có khả năng tiếp cận nhanh và dài ngày ở khu vực quần đảo đang tranh chấp giữa hai nước.

Tổng hợp tư liệu từ phía Trung Quốc cho thấy, đến hết năm 2013 Nhật Bản vẫn còn chiếm ưu thế về các tàu chấp pháp biển. Thế nhưng đến năm 2014, đã có sự thay đổi đáng kể khi Nhật Bản chỉ có 54 tàu tuần duyên cỡ lớn, còn Trung Quốc đã có tới 82 tàu hải cảnh hạng nặng.

Đến năm 2015, Nhật Bản nâng số tàu tuần duyên cỡ lớn lên con số 62 tàu, nhưng Trung Quốc cũng đã tăng vọt lên 111 chiếc. Hết năm 2016, sự chênh lệch đã lớn hơn nữa, khoảng cách này đã tạo nên sự chuyển biến ngược, có lợi cho Bắc Kinh.

Cách Nhật Bản đối phó

So sánh lực lượng ở biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang nghiêng về phía Trung Quốc. Sự chuyển biến ngược về tương quan lực lượng cảnh sát biển đã bắt đầu tạo nên bóng đen u ám trong bảo đảm an ninh của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Sự thực thì trước đây 4 năm, chính quyền Tokyo đã quan tâm đến vấn đề chuyển biến này và đề ra chiến lược đối phó toàn diện, với hàng loạt động thái tăng cường lực lượng theo chiều hướng ngày càng cứng rắn.

Vừa qua, Tokyo đã có động thái tăng cường sức mạnh phòng vệ tại khu vực biển Hoa Đông, như điều thêm máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát-giám sát biển và thành lập một biên đội hải sự mới, được bổ sung thêm nhiều tàu tuần tra cỡ lớn.

Hồi đầu năm 2016, cảnh sát biển Nhật Bản đã đưa vào thực hiện nhiệm vụ tuần tra tại khu vực biển Hoa Đông hai chiếc tàu tuần tiễu siêu lớn mới nhất của họ. Lượng giãn nước của mỗi chiếc lên tới 15.000 tấn, đều được trang bị trọng pháo 20mm và súng bắn nước cực mạnh.

Trước đó, các tàu tuần tiễu siêu lớn kiểu PLH cũng đã được biên chế cho lực lượng tuần duyên Nhật Bản. Các tàu này có lượng giãn nước lên tới 9300 tấn, thời gian tuần tiễu rất dài, trên những vùng biển rộng, xa căn cứ. Các tàu này có thể chạy thẳng từ Nhật tới châu Âu mà không cần tiếp liệu.

Tokyo cũng đã thành lập một biên đội hải sự lớn, có thực lực vượt qua biên đội tàu biên phòng trên biển khu vực vịnh Tokyo và quần đảo Ogasawara, trước đây là lực lượng mạnh nhất của nước này. Biên đội này được xây dựng trên cơ sở nòng cốt là 14 tàu tuần tiễu cỡ lớn.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tăng cường gấp đôi số chiến đấu cơ đa năng hạng nặng F-15J tại đảo Okinawa - căn cứ quân sự có khoảng cách gần nhất tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - được giao nhiệm vụ bảo vệ khu vực này trước sự xâm lấn của Trung Quốc.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/trung-quoc-don-3-ham-doi-tap-tran-ap-sat-nhat-3348703/