Trung Quốc đối mặt với lựa chọn quyết định tại thị trường Nga

Nhiều doanh nghiệp, công ty Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn khi kinh doanh tại Nga.

Học giả Mark O'Neill bình luận trên Tạp chí Kinh tế Hồng Kông mới đây rằng, trong thời gian tới, ba nhà sản xuất ô tô Trung Quốc - Geely, Great Wall và Cherry - phải đưa ra lựa chọn có thể quyết định tương lai của công ty của họ.

Xung đột với Ukraine đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh tại thị trường Nga. Ảnh: Reuters

Xung đột với Ukraine đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh tại thị trường Nga. Ảnh: Reuters

Sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, các nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất sang Nga, từ châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, đã đột ngột hủy bỏ việc bán hàng của họ, để lại một khoảng trống hiếm hoi và bất ngờ trên thị trường.

Liệu ba công ty Trung Quốc có nên tận dụng và tăng xuất khẩu sang Nga? Nhưng, khi làm như vậy, họ có bị phản ứng từ các chính phủ và người tiêu dùng ở các nước phương Tây mà họ coi là thị trường dài hạn quan trọng nhất của mình không?

Năm 2021, Trung Quốc xuất khẩu 123.000 ô tô sang Nga, tăng so với 43.000 xe vào năm 2020. Nga là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Trung Quốc sau Chile và Saudi Arabia. Mục tiêu quốc gia về xuất khẩu ô tô của Trung Quốc là 5 triệu xe vào năm 2025, tăng so với 2 triệu xe năm 2021.

Trên khắp Trung Quốc, các ngân hàng và công ty đều phải đối mặt với tình thế khó xử giống nhau. Làm thế nào để kinh doanh với Nga dưới các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của phương Tây?

Một phép thử ban đầu sẽ là alumin, sau khi Australia ngày 20/3 cấm xuất khẩu quặng alumin và nhôm sang Nga. Australia chiếm 19% lượng hàng hóa được mua bởi Rusal, nhà sản xuất nhôm khổng lồ của Nga. Các công ty ở Trung Quốc có nên đáp ứng với tình trạng thiếu hụt alumin của Rusal?

Xu Qin, Bí thư của Hắc Long Giang, tỉnh phía Đông Bắc Trung Quốc, giáp với Nga, cho rằng các công ty Trung Quốc nên tận dụng cơ hội này. Trong chuyến thăm tới khu vực Heihe ở gần biên giới Nga, ông Qin nói rằng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên tuyến phía đông Trung-Nga phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nhấn mạnh rằng Trung Quốc phải tận dụng cơ hội để tăng nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga.

Trung Quốc nhập khẩu 70% nguồn cung dầu và 40% khí đốt từ Nga.

Ngày 11/3 - hơn hai tuần sau cuộc xung đột - Hiệp hội Vận tải và Phân phối Than Trung Quốc đã tổ chức một hội nghị trực tuyến giữa 12 nhà máy điện Trung Quốc và 20 công ty than của Nga nhằm tăng cường thương mại song phương. Trung Quốc là thị trường lớn nhất ở châu Á đối với xuất khẩu than của Nga. Năm 2021, Nga là nhà cung cấp than lớn thứ hai của Trung Quốc.

Một công ty Trung Quốc lọt vào tầm ngắm là DJI Technology, một trong những nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới và là công ty đi đầu trong công nghệ sử dụng định vị vệ tinh để hướng dẫn máy bay không người lái đến các vị trí chính xác.

Gần đây, Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov đã kêu gọi DJI ngừng bán sản phẩm của họ cho Nga. Đáp lại, công ty nói rằng họ "sẵn sàng thảo luận về những vấn đề này" nhưng không cho biết sẽ ngừng xuất khẩu sang Nga.

Năm 2021, thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã tăng gần 36% so với năm 2020, lên mức kỷ lục hơn 146 tỷ USD, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc. Nga là nguồn cung cấp dầu, khí đốt, than đá và hàng hóa nông nghiệp chính và có thặng dư thương mại với Trung Quốc.

Kể từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea, thương mại song phương đã tăng hơn 50% và Trung Quốc trở thành điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Nga.

Nhưng không phải tất cả thông tin đều tích cực. Trong một cuộc khảo sát gần đây đối với 322 nhà xuất khẩu Trung Quốc của FOB Shanghai, một diễn đàn công nghiệp, 39% số người được hỏi nói rằng xung đột đã làm suy yếu nghiêm trọng hoạt động kinh doanh của họ ở Nga. Một lý do là phương Tây cấm một số ngân hàng Nga tham gia SWIFT. Điều này làm cho việc thanh toán thương mại quốc tế trở nên phức tạp hơn.

Một cách giải quyết vấn đề này là thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Trong nửa đầu năm 2021, các khoản thanh toán bằng Nhân dân tệ chiếm 28% xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga, so với chỉ 2% vào năm 2013. Tính đến tháng 6/2021, đồng nội tệ của Trung Quốc chiếm 13,1% dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương Nga, so với chỉ 0,1% vào tháng 6/2017. Trong cùng kỳ, tỷ lệ nắm giữ USD của Moskva giảm từ 46,3% xuống 16,4%.

Vì vậy các công ty Trung Quốc sẽ phải cân nhắc nhiều yếu tố: Cuộc xung đột sẽ diễn ra trong bao lâu, liệu các lệnh trừng phạt của phương Tây có được dỡ bỏ như một phần của thỏa thuận hòa bình hay không? Với việc đồng rúp mất giá và GDP Nga giảm trong năm nay, bao nhiêu người tiêu dùng sẽ có thể mua ô tô của Trung Quốc? Nếu xung đột kéo dài và Trung Quốc viện trợ tài chính, vật chất và quân sự cho Nga thì các công ty của họ có bị trừng phạt không? Liệu vấn đề sẽ tốt hơn không nếu rời Nga và tập trung vào các thị trường khác ít phức tạp hơn?

Thực sự không có sự lựa chọn dễ dàng đối với các công ty của Trung Quốc.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/trung-quoc-doi-mat-voi-lua-chon-quyet-dinh-tai-thi-truong-nga-20220331163744363.htm