Trung Quốc đối mặt nhiều rủi ro khi 'hờn dỗi' phá giá đồng nhân dân tệ

Đồng nhân dân tệ (NDT) đạt mức thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 11.2018. Điều đó có thể khiến cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ rơi vào vòng xoáy vô cùng phức tạp.

Trung Quốc đang có xu hướng phá giá đồng tiền của mình trong cuộc chiến thương mại với Mỹ - Ảnh: Internet

Trung Quốc đang có xu hướng phá giá đồng tiền của mình trong cuộc chiến thương mại với Mỹ - Ảnh: Internet

Trên thị trường giao dịch tiền tệ sáng nay, 1 USD đổi được 6,92 NDT sau những điều chỉnh từ phía Bắc Kinh vào cuối tuần trước. Đồng tiền Trung Quốc đã suy yếu gần 2,7% trong tháng này và hiện gần chạm mức mang tính biểu tượng quan trọng là 1 USD ăn 7 NDT, mà lần cuối xuất hiện là trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Điều gì xảy ra tiếp theo mới là quan trọng? Tổng thống Donald Trump từ lâu đã lập luận rằng Trung Quốc phá giá đồng tiền của mình để làm cho hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh hơn. Nhưng Bắc Kinh đang ở một hoàn cảnh khó khăn khi đưa ra quyết định này.

Khấu hao tiền tệ có thể giúp Trung Quốc xoa dịu tác động của thuế quan mới của Mỹ (vừa nâng 25% với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc) và giữ cho hàng xuất khẩu của họ có giá cả phải chăng ở Mỹ. Thế nhưng, đồng NDT giảm mạnh có thể châm ngòi cho dòng tiền chảy khỏi Trung Quốc và gây tổn hại cho sự ổn định kinh tế.

Đồng thời, chính phủ Trung Quốc có thể do dự trong việc phá giá tiếp, vì làm như vậy có thể mở ra những chỉ trích Trung Quốc từ Mỹ. Tuy nhiên, phá giá theo mức như hiện giờ chưa tạo ra những thay đổi gì ghê gớm trước mức thuế tăng kiểu đè bẹp mà ông Trump vừa điều chỉnh. Trung Quốc phá giá một chút như muốn gồng mình thể hiện sự giận dữ và dọa dẫm chứ khó có thể làm căng hơn được nữa.

"Trung Quốc bị kẹt giữa một tảng đá và một chỗ khó nhằn", Miguel Chanco, nhà kinh tế cấp cao châu Á tại Pantheon Macroeconomics ám chỉ tình thế tiến thoái lưỡng nan của Bắc Kinh.

Trung Quốc có thể ảo tưởng là sử dụng tiền tệ của mình như một vũ khí chống lại Mỹ, các nhà phân tích của Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch, Athanasios Vamvakidis và Claudio Piron phân tích. “Để đồng NDT mất giá sẽ là một lựa chọn "nhẹ nhàng" hơn so với việc nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp hoặc các nhà đầu tư Mỹ tại Trung Quốc”.

Giám đốc quỹ dự phòng kỳ cựu, ông Mark Yusko cho là Trung Quốc có thể làm điều này vì nghĩ phá giá NDT không khiến nền kinh tế của mình quá đau đớn. Nhưng ông tin rằng quyết định đó không hẳn đã đúng đắn vì khi đồng NDT suy yếu, Trung Quốc sẽ phải lo lắng về một cuộc 'di cư tiền' từ nước này. Khi ấy, các nhà đầu tư mất niềm tin và quy đổi tài sản từ NDT sang USD và các loại tiền tệ khác.

Đồng NDT mấp mé vượt ngưỡng 7 đổi 1 có thể kích hoạt bán tháo thêm, đẩy giá trị nó xuống thấp hơn. Điều đó có thể sẽ không hấp dẫn đối với Bắc Kinh vì để đồng NDT suy yếu cũng có thể thúc đẩy lạm phát mà Trung Quốc khó kiểm soát. Đó là một rủi ro tại thời điểm nền kinh tế đang có dấu hiệu suy yếu, đặc biệt với doanh số bán lẻ đang suy giảm khá mạnh. Và nếu Mỹ tận dụng việc Trung Quốc phá giá để thu gom NTD thì đó cũng không phải là điều hay cho Trung Quốc khi họ muốn khôi phục lại giá trị đồng tiền của mình.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/trung-quoc-doi-mat-nhieu-rui-ro-khi-hon-doi-pha-gia-dong-nhan-dan-te-113462.html