Trung Quốc điều tra vaccine bại liệt hết hạn ảnh hưởng đến 145 trẻ em

Vụ bê bối vaccine bại liệt quá hạn tại huyện Kim Hồ, tỉnh Giang Tô một lần nữa gióng lên hồi chuông về việc quản lý và sử dụng vaccine ở Trung Quốc.

Ngày 14/1, cảnh sát Giang Tô đã mở cuộc điều tra sau khi 145 trẻ em được cho uống loại vaccine xin này.

Xử lý 17 cán bộ trong vụ vaccine quá hạn

Nhu cầu vaccine ở Trung Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây do chính sách kiểm soát sinh đẻ được nới lỏng và nhận thức của người dân ngày một tăng cao. Tuy nhiên, nhiều vụ bê bối vaccine đã được làm sáng tỏ khiến dư luận hết sức bức xúc và hoài nghi về tính an toàn và minh bạch trong quy trình sản xuất và tiêu thụ vaccine của Trung Quốc.

Các phụ huynh đưa con đi viện kiểm tra vì dùng vaccine quá hạn

Theo Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), một phụ huynh công tác tại bệnh viện đưa con đi tiêm chủng đã phát hiện một lô vaccine ngừa bại liệt dạng uống đã được cấp cho các trẻ em tại một cơ sở y tế do huyện Kim Hồ quản lý gần 1 tháng sau ngày hết hạn 11/12/2018. Chính quyền địa phương sau đó phát hiện 145 trẻ em đã nhận được vaccine trên trong khoảng thời gian từ ngày 11/12/2018 đến ngày 7/1/2019. Một số trẻ sau khi dùng vaccine có những phản ứng bất thường như ban đỏ, đi ngoài, nôn... Một phụ huynh cho biết: "Sau khi uống vaccine tầm nửa tiếng là cháu có phản ứng, nôn khan trong khi không hề bị cảm ốm gì".

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự tắc trách của cán bộ y tế không kiểm tra mã số lô thuốc trước khi đưa vào sử dụng. Đây là loại vaccine được cung cấp miễn phí do Công ty trách nhiệm hữu hạn sinh phẩm Bắc Nghiên Sinh của Bắc Kinh sản xuất.

Trẻ gặp phản ứng nổi ban đỏ và sốt do dùng vaccine hết hạn sử dụng

Vụ việc làm dậy lên cơn phẫn nộ của người dân khi nhiều người, bao gồm phụ huynh có con uống vaccine quá hạn, bao vây các cơ quan nhà nước ở Kim Hồ cuối tuần qua, gây rối trật tự và cản trở giao thông. Cảnh sát Kim Hồ cam kết sẽ mở cuộc điều tra sau khi có ít nhất 145 em uống vaccine bại liệt quá hạn, trong khi chính quyền cho biết sẽ khám miễn phí cho những trường hợp gặp vấn đề sau khi uống vaccine này.

Ngay sau khi vụ việc bị phát giác, các cơ quan chức năng đã lập tức điều tra xử lý 17 cán bộ liên quan. Trong số các cán bộ bị xử lý có Phó Chủ tịch huyện Kim Hồ, nơi xảy ra vụ việc. Các hình thức xử lý gồm lập án điều tra, khai trừ Đảng và cách chức. Việc xử lý kỷ luật các cá nhân sẽ chưa dừng lại ở đây khi công tác điều tra vẫn đang tiếp tục tiến hành.

Cơ quan chức năng tiến hành điều tra bê bối vaccine bại liệt quá hạn tại huyện Kim Hồ

Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều phụ huynh tiếp tục phản ánh hiện tượng con mình bị tiêm hoặc uống vaccine quá hạn diễn ra từ nhiều năm trước. Thậm chí có người cho biết, việc sử dụng vaccine quá hạn đã từng xảy ra ở huyện Kim Hồ từ năm 2010 với nhiều loại vaccine khác nhau: Vaccine viêm gan B và thủy đậu.

Trung Quốc xem xét dự thảo Luật quản lý vaccine

Trung Quốc đã công bố chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghiệp vaccine sau khi phát hiện ra hàng loạt vụ bê bối vaccine giả, kém chất lượng từng gây rúng động Trung Quốc. Điển hình nhất là vụ vaccine giả, kém chất lượng của Công ty Công nghệ sinh học Trường Xuân Trường Sinh (Changchun Changsheng Life Sciences Limited, công ty con của Changsheng Biotechnology) tháng 7/2018.

Cảnh sát kiểm tra vaccine của Công ty Trường Xuân Trường Sinh

Theo đó, Ủy ban giám sát chứng khoán Trung Quốc quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty nghiên cứu kỹ thuật sinh học Trường Sinh và các cá nhân trong Ban lãnh đạo công ty với hình thức cảnh cáo cùng khoản tiền phạt 600.000 nhân dân tệ (NDT). Chủ tịch Hội đồng quản trị Cao Tuấn Phương, Tổng Giám đốc Tưởng Cường Hoa, Phó Tổng Giám đốc Lưu Cảnh Diệp và thành viên Hội đồng quản trị Trương Tinh mỗi người bị phạt 300.000 NDT; Phó Tổng Giám đốc phụ trách bán hàng Trương Hữu Khuê và Thư ký Hội đồng quản trị Triệu Xuân Chí mỗi người bị phạt 200.000 NDT.

Ngoài ra, Ủy ban giám sát chứng khoán Trung Quốc còn cấm Cao Tuấn Phương, Tưởng Cường Hoa, Lưu Cảnh Diệp và Trương Tinh không bao giờ được tham gia vào thị trường dược. Về phần mình, Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến hủy niêm yết đối với cổ phiếu của Công ty nghiên cứu kỹ thuật sinh học Trường Sinh.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Cao Tuấn Phương của công ty Trường Xuân Trường Sinh bị kỷ luật

Theo giới truyền thông Trung Quốc, hơn 40 quan chức đã bị truy cứu trách nhiệm vì vụ bê bối vaccine kém chất lượng thời gian qua. Hơn 4 tháng trước (ngày 21/8/2018), ông Hoa Tỉnh Tuyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý thị trường quốc gia Trung Quốc đã bị miễn nhiệm do liên quan tới bê bối vaccine kể trên. Trước khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý thị trường quốc gia Trung Quốc, ông Hoa Tỉnh Tuyền từng là Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý và Giám sát chất lượng Thực phẩm và Dược phẩm quốc gia (CFDA) giai đoạn 2015-2018.

Ngày 18/8/2018, ông Kim Dục Huy - Phó tỉnh trưởng Cát Lâm, ông Lý Tấn Tu - Phó chủ tịch chính hiệp tỉnh Cát Lâm và ông Lưu Trường Long - Thị trưởng thành phố Trường Xuân đã bị cách chức vì có liên quan tới bê bối tại Công ty Công nghệ sinh học Trường Xuân Trường Sinh. Những quan chức kể trên bị mất chức vì không thực thi giám sát đầy đủ, cũng như không chặt chẽ trong quá trình kiểm tra, bị phát hiện lơi là trách nhiệm và điều đó bộc lộ rõ sự tắc trách nghiêm trọng, cũng như các lỗ hổng trong hệ thống quản lý.

Theo giới truyền thông, Công ty Công nghệ sinh học Trường Xuân Trường Sinh sản xuất vaccine từ năm 1995, là nhà cung cấp vaccine chính cho 24 tỉnh, thành và khu tự trị ở Trung Quốc và phát triển với tốc độ “khủng” trong thời gian ngắn. Trong số các sản phẩm vaccine mà công ty Trường Sinh sản xuất và tiêu thụ, vaccine ngừa bệnh dại và thủy đậu đứng thứ 2 cả nước. Năm 2017, công ty được phép sản xuất và bán 3,55 triệu liều vaccine ngừa bệnh dại và 3,6 triệu liều vaccine ngừa thủy đậu.

Điều tra gắt gao

Theo báo cáo năm của công ty, trong 6 năm liền, Trường Sinh đã bán ra thị trường hơn 110 triệu liều vaccine, qua đó kiếm được 1 tỷ 750 triệu NDT tiền lãi. Số vaccine do Trường Sinh sản xuất ra được bán cho các Trung tâm phòng chống và khống chế bệnh dịch, các trạm phòng dịch sau đó được tiêm chủng cho dân chúng, chủ yếu là trẻ em. Trước khi bị vạch trần, tất cả vaccine do Công ty Công nghệ sinh học Trường Xuân Trường Sinh sản xuất đều được CFDA đóng dấu đạt chuẩn.

Trong 6 năm qua, Trường Sinh đã chi tới 1 tỷ 263 triệu NDT cho việc tiếp thị, quảng cáo sản phẩm. Riêng năm 2017 đã chi 583 triệu, trong đó mức độ tăng chi phí dịch vụ tiếp thị cao khủng khiếp. Thực tế, chi phí này đều được dùng để “bôi trơn” các khâu quản lý, kiểm định, các mối tiêu thụ.

Cuối năm 2018, Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc lần đầu tiên xem xét dự thảo Luật quản lý vaccine. Được biết, dự thảo Luật nhấn mạnh việc quản lý, kiểm soát, đảm bảo an toàn, sự giám sát của xã hội cũng như truy cứu trách nhiệm, xử phạt hình sự đối với các sai phạm trong quá trình sản xuất và tiêu thụ vaccine tại Trung Quốc. Dự thảo Luật quản lý vaccine (gồm 11 chương) đang được xem xét nhấn mạnh tới yếu tố quản lý, kiểm soát, đảm bảo an toàn, sự giám sát của xã hội và truy cứu trách nhiệm, xử phạt hình sự đối với những sai phạm trong chu trình sản xuất và tiêu thụ vaccine tại Trung Quốc. Nếu được thông qua thì đây sẽ là bộ luật riêng đầu tiên của Trung Quốc về quản lý vaccine.

Nguyên Bách - CTV Global Times, South China Morning Post, CAND

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/luat-doi/trung-quoc-dieu-tra-vaccine-bai-liet-het-han-anh-huong-den-145-tre-em-post54393.html