Trung Quốc điều chiến đấu cơ ra Hoàng Sa là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam

Bấp chấp mọi sự phản đối và lo ngại sâu sắc, Trung Quốc lại có thêm bước leo thang nguy hiểm khi điều phi đội 16 chiếc máy bay chiến đấu hiện đại J-11 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Việc điều 16 máy bay tiêm kích hiện đại J-11 tới đảo Phú Lâm - thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là bước leo thang quân sự hóa đặc biệt nguy hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông

Chỉ một ngày sau khi hãng Fox News đưa tin Trung Quốc điều 2 máy bay chiến đấu Thẩm Dương (Shenyang) J-11 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 13-4 chỉ rõ: Có tổng cộng 16 chiếc máy bay chiến đấu loại này đã bay ra hòn đảo Phú Lâm đang bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép này. Đây được xem là đợt triển khai máy bay chiến đấu lớn nhất, rầm rộ nhất từ trước đến nay của Trung Quốc đến đảo Phú Lâm.

Sau khi chiếm đóng trái phép đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng phi pháp đường băng quân sự trên hòn đảo những năm 1990. Đến năm 2014, Trung Quốc âm thầm mở rộng đường băng này để có thể tiếp nhận nhiều loại máy bay chiến đấu khác nhau với số lượng lớn.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã hai lần triển khai máy bay tiêm kích Thẩm Dương J-11, loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư do nước này tự chế tạo từ nguyên mẫu nổi tiếng Sukhoi 27 của Nga, vào các tháng 11-2015 và tháng 2-2016. Song nếu trong hai đợt trước, Trung Quốc chỉ điều mỗi đợt 2 máy bay chiến đấu thì đợt mới nhất này có tới 16 máy bay tiêm kích hiện đại nhất của Bắc Kinh đã rầm rộ triển khai tới đảo Phú Lâm.

Bởi thế, việc Trung Quốc đồng loạt triển khai 16 chiếc máy bay chiến đấu Shenyang J-11 được xem là chưa từng thấy và “chưa từng có tiền lệ”. Hành động quân sự bất thường này chứng tỏ Trung Quốc đang ráo riết tăng cường sức mạnh quân sự trên đảo Phú Lâm nói riêng cũng như trên các đảo mà nước này xâm chiếm bằng vũ lực ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nói chung.

Các quốc gia khu vực và trên thế giới đã bóc trần và phản ứng gay gắt trước toan tính quân sự hóa trên Biển Đông của Trung Quốc khi liên tiếp có những hành động leo thang căng thẳng, từ bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân tạo đến triển khai tên lửa phòng không, radar phòng không… Một quan chức Mỹ cho rằng, việc Bắc Kinh triển khai ồ ạt máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm hoàn toàn đi ngược lại với cam kết “không quân sự hóa Biển Đông” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm Mỹ tháng 9-2015.

Việc Trung Quốc “nói một đằng, làm một nẻo” để thực hiện bằng được toan tính quân sự hóa Biển Đông nhằm lấy đó bàn đạp sức mạnh độc chiếm Biển Đông đã khiến các nước khu vực cũng như cường quốc thế giới có lợi ích gắn liền với vùng biển chiến lược trọng yếu này không thể ngồi yên.

Trong khi Mỹ tiến hành tuần tra trên Biển Đông, ký thỏa thuận với Philippines về việc triển khai quân tới 5 căn cứ quân sự tại nước này, các quốc gia khu vực cũng đều đã tăng cường đầu tư và củng cố năng lực quốc phòng, mua sắm trang thiết bị vũ khí hiện đại.

Hòa bình, an ninh và ổn định khu vực sẽ ra sao nếu Trung Quốc cứ liên tiếp châm ngòi cho hết căng thẳng này tới chạy đua khác trên Biển Đông? Rõ ràng, tham vọng chủ quyền, lãnh thổ trên Biển Đông của Bắc Kinh đang gây ra những hiểm nguy khôn lường cho cả khu vực và thế giới.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quoc-te/trung-quoc-dieu-chien-dau-co-ra-hoang-sa-la-hanh-dong-xam-pham-nghiem-trong-chu-quyen-cua-viet-nam/672839.antd