Trung Quốc đẩy Philippines trở lại vòng tay Mỹ

Một Trung Quốc ngày càng quyết liệt đang đẩy Philippines trở lại với phe Mỹ.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (phải) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một chuyến thăm Bắc Kinh. (Ảnh: CNN)

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhiều lần có phát biểu chống Mỹ và ủng hộ Trung Quốc. Trong chuyến thăm Bắc Kinh năm 2016, ông thông báo rằng “đã đến lúc tạm biệt Washington”, khiến các lãnh đạo ở Trung Quốc “mát lòng”. Ông Duterte hoan nghênh các dự án đầu tư thuộc sáng kiến Vành đai Con đường, dọa sẽ đình chỉ các cuộc tập trận chung với Mỹ, và gọi Trung Quốc là “người bạn tốt”.

Nhưng trong vòng 1 năm qua, ông Duterte có vẻ đang quay mặt với Trung Quốc, gây cản trở cho nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kéo Manila khỏi quỹ đạo chiến lược của Washington. Ngày 2/5, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đăng những dòng tweet với lời lẽ gay gắt để kêu gọi các tàu Trung Quốc “cút khỏi” Biển Đông.

Trận bão mà ông Locsin tạo ra trên Twitter là chỉ dấu mới nhất cho thấy cách hành xử ngày càng hung hăng của Trung Quốc cuối cùng đã đẩy Manila ra xa. Ông Duterte có vẻ đã nhận ra, rằng bất chấp nỗ lực của ông, Trung Quốc vẫn không phải một người bạn, và Philippines cuối cùng vẫn cần đồng minh Mỹ, nhà nghiên cứu Derek Grossman viết trong bài đăng trên Foreign Policy.

Theo nhà phân tích này, sự nhận ra đó của ông Duterte sẽ mang những hàm ý địa chiến lược quan trọng trong thời gian từ nay đến khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2022.

Sự khó chịu của ông Duterte với Mỹ lên đến đỉnh điểm vào ngày 11/2/2020, khi ông quyết định sẽ chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng viếng thăm (VFA). Nhưng sau đó, ông Duterte hai lần hoãn thực thi quyết định này, tạo điều kiện cho hai bên đàm phán lại.

Vào dịp kỷ niệm 4 năm Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc trên Biển Đông, Bộ Ngoại giao Philippines cuối cùng đã công khai công nhận phán quyết này. Chính quyền Duterte trước đó tránh công khai công nhận phán quyết để thực hiện chính sách xích lại gần Trung Quốc.

Phát biểu của ông Duterte vào ngày 23/9/2020 tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc là một chỉ dấu nữa cho thấy nhà lãnh đạo này đã thay đổi với Trung Quốc. Ông nêu trực tiếp vấn đề tranh chấp trên Biển Đông và nhấn mạnh phán quyết năm 2016 là “vượt ra ngoài sự thỏa hiệp” và “mạnh mẽ lên án những nỗ lực nhằm làm suy yếu nó”.

Quá trình trở về với Mỹ diễn ra từ từ sau đó. Ngày 11/11/2020, ông Locsin nói rằng sự cạnh tranh nước lớn trên Biển Đông là lý do nên dừng hủy VFA. Lập luận này rõ ràng cho thấy Manila cần Mỹ. Ông Locsin nhấn mạnh “sự rõ ràng và sức mạnh” của đồng minh truyền thống, và rằng việc hoãn đình chỉ VFA sẽ “giúp chúng tôi tìm được một thỏa thuận mạnh hơn, hiệu quả hơn, lâu dài hơn và có lợi cho cả hai trong cách tiến tới phòng vệ tương hỗ”.

Ông Duterte cũng ngụ ý ủng hộ VFA trong phát biểu tại căn cứ không quân Clark ở phía tây bắc Manila ngày 12/2. “Thời điểm khẩn cấp đòi hỏi sự hiện diện (của Mỹ) ở đây. Tôi ủng hộ điều đó”, ông Duterte nói.

Một diễn biến quan trọng khác diễn ra vào ngày 2/3, khi Manila ký thỏa thuận với Ấn Độ để mua tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos. Thỏa thuận này khó có thể thông qua nếu không được Tổng thống Duterte chấp thuận. Hệ thống tên lửa BrahMos do Ấn Độ và Nga cùng chế tạo sẽ giúp Manila sở hữu năng lực răn đe trước Trung Quốc.

Gần đây nhất, vào ngày 19/4 vừa qua, ông Duterte dọa Trung Quốc rằng ông sẽ có hành động quân sự trên Biển Đông. “Tôi sẽ đưa những con tàu xám ra để khẳng định yêu sách”. Tuyên bố được đưa ra sau khi một tàu hải quân có vũ trang của Trung Quốc rượt đuổi tàu Philippines chở đoàn phóng viên truyền hình.

Theo nhà phân tích Grossman, có lẽ ông Duterte vẫn còn hy vọng rằng Manila có thể duy trì quan hệ hòa bình với Bắc Kinh. Ông đặc biệt quan tâm đến sự hỗ trợ đầu tư và phát triển hạ tầng thông qua sáng kiến Vành đai Con đường. Tuy nhiên, sự quyết liệt ngày càng lớn của Trung Quốc và hàng loạt diễn biến trong 2 năm ngoái cuối cùng đã buộc ông Duterte phải công khai thừa nhận rằng Trung Quốc là một vấn đề và Manila cần đồng minh Washington.

Ông Grossman cho rằng chính Bắc Kinh đã đánh mất cơ hội kéo Philippines ra khỏi quỹ đạo của Mỹ. Những hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông khiến ông Duterte khó có thể thúc đẩy chương trình nghị sự thân Bắc Kinh và chống Mỹ.

Ví dụ, vào tháng 2/2020, chỉ vài ngày sau khi ông Duterte tuyên bố sẽ hủy VFA, một tàu hải quân Trung Quốc bị tố đã có “hành động thù địch” với một tàu hải quân Philippines đang tuần tra ở khu vực tranh chấp. Hai tháng sau, Bắc Kinh chính thức tuyên bố thiết lập kiểm soát hành chính đối với các đảo tranh chấp.

Cùng tháng đó, Bắc Kinh đưa tàu khảo sát địa chất Haiyang Dizhi 8 cùng đội tàu hải cảnh hộ tống đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau đó hành động tương tự với tàu khoan thăm dò West Capella của Malaysia. Những hành động này cho thấy không quốc gia Đông Nam Á nào an toàn trước sự hung hăng ngày càng lớn của Trung Quốc.

Đến tháng 1 năm nay, Trung Quốc thông qua luật hải cảnh mới để cho phép lực lượng nước này dùng vũ khí với tàu nước ngoài trong vùng biển mà Bắc Kinh coi là của mình. Đến đầu tháng 3, hàng trăm tàu Trung Quốc tập trung đáng ngờ ở đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Những hành động gây bất ổn của Trung Quốc trên Biển Đông khiến ông Duterte cho phép Ngoại trưởng Locsin nhiều lần gửi phản đối ngoại giao đến Bắc Kinh. Ông Duterte cũng nhượng bộ trước đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana về việc duy trì quan hệ gần gũi với quân đội Mỹ thông qua các hoạt động huấn luyện chung, như chương trình tập trận Balikatan, và tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đồng minh. Bộ trưởng quốc phòng hai nước đang duy trì tiếp xúc thường xuyên và gần gũi với nhau.

Những hành động của Trung Quốc khiến ông Duterte khó có thể vượt qua dư luận phản đối Trung Quốc ngày càng lớn ở trong nước. Ông cũng không thể xoa dịu lo ngại của phe ủng hộ Mỹ khi họ coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất của Manila. Nhiều nghị sĩ Philippines giận dữ trước chính sách của ông Duterte nhằm kết thân với Trung Quốc và xa lánh Mỹ.

Ông Grossman cho rằng ông Duterte giờ không còn là cơn đau đầu của Washington mà là của Trung Quốc, và điều đó có lợi cho chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bình Giang

Theo Foreign Policy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trung-quoc-day-philippines-tro-lai-vong-tay-my-post1334039.tpo