Trung Quốc đẩy mạnh lấn sân sang thủy điện châu Phi

Khi nhiều mỏ khoáng sản ở châu Phi dần rơi vào tay Trung Quốc, quốc gia này càng đẩy mạnh lấn sang sang thủy điện tại lục địa này.

Ngành khai mỏ của Cộng hòa Dân chủ Congo đang có những dấu ấn mạnh của các công ty Trung Quốc. Là quốc gia sản xuất coban lớn nhất thế giới, trước đây, lĩnh vực này yếu nằm trong tay các công ty châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, hiện chúng đang dần dần rơi vào tay công ty Trung Quốc.

Theo ông John Kanyoni, Phó Chủ tịch Phòng Khai thác mỏ Congo, các công ty Trung Quốc kiểm soát khoảng 70% ngành khai thác mỏ nước này.

Với động lực từ ngành khai thác mỏ, các công ty Trung Quốc có thể tiếp tục đẩy mạnh "lấn sân" sang thủy điện tại Congo.

Dự án Inga III trị giá 14 tỷ USD được xây dựng trên dòng sông Congo. Ảnh: Bloomberg

Dự án Inga III trị giá 14 tỷ USD được xây dựng trên dòng sông Congo. Ảnh: Bloomberg

Hiện 6 công ty Trung Quốc do Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc đứng đầu đã thành lập một liên doanh với công ty Tây Ban Nha AEE Power Holdings để xây dựng dự án thủy điện Inga III trên sông Congo, ước tính cung cấp khoảng 11.050 MW điện cho thị trường Nam Phi và các công ty khai thác khoáng sản tại Congo.

Theo thỏa thuận, trong liên doanh này, 6 công ty Trung Quốc nắm giữ 75% cổ phần, phía công ty Tây Ban Nha AEE Power Holdings giữ 25% cổ phần. Liên doanh này trong tương lai sẽ đảm bảo huy động tài chính để thực hiện dự án đòi hỏi vốn đầu tư tới 14 tỷ USD, cao hơn ngân sách Congo dành cho năm 2020 (11 tỷ USD).

Dự án thủy điện Inga III đã bị trì hoãn từ lâu, mặc dù phe ủng hộ khẳng định nó có thể đáp ứng 40% nhu cầu tiêu thụ điện năng của “lục địa đen”. Trong khi đó, những người phản đối cho rằng con đập thủy điện lớn nhất thế giới có thể vi phạm luật của chính quyền Congo cũng như luật pháp quốc tế về xây dựng các đập thủy điện khổng lồ.

Một số ý kiến còn cho rằng việc xây dựng con đập này sẽ phá hỏng hệ sinh thái vùng sông Congo - con sông lớn thứ 2 thế giới về lưu lượng dòng chảy và ảnh hưởng tới cuộc sống của 60.000 người dân nơi đây.

Theo giới quan sát, các công ty xây dựng Trung Quốc đã và đang nổi lên như những tay chơi thống trị lĩnh vực thủy điện ở châu Phi, với sự hỗ trợ của các khoản vay do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và các ngân hàng quốc doanh khác cung cấp.

Inga III không phải là dự án thủy điện duy nhất do nhà thầu Trung Quốc thực hiện tại châu Phi. Trước đó, từ năm 2015, hai công ty Trung Quốc, Sinohydro và China Water (CWE) đã xây dựng dự án thủy điện Isimba ở Uganda. Dự án có công suất 183 MW, nằm ở hạ lưu thác Simba trên sông Nile, được đầu tư bởi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Exim Bank).

Một đập thủy điện khác của Uganda cũng do nhà thầu Trung Quốc Sinohydro xây dựng là Karuma, công suất 600MW nằm trên sông Nile.

Tại Zambia, đập thủy điện Kafue Gorge Lower 750 MW trị giá 2 tỷ USD được Tập đoàn Sinohydro của Trung Quốc xây dựng từ năm 2015. Dự án được tài trợ bởi chính phủ Zambia và các tổ chức cho vay, trong đó có Eximbank Trung Quốc.

Bộ trưởng Năng lượng Zambia Mathew Nkhuwa năm ngoái nói với Tân Hoa xã rằng ông đã thúc giục các công ty Trung Quốc đấu thầu các dự án điện khác, bao gồm cả dự án kết nối giữa Zambia và Tanzania.

Đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực thủy điện ở châu Phi, các công ty Trung Quốc cũng vướng không ít khiếu kiện. Điển hình là thủy điện Karuma. Tháng 10 năm nay, tờ Independent (Uganda) đưa tin, Sinohydro phải đối mặt với các cáo buộc về thi công kém chất lượng, vi phạm hợp đồng, thậm chí phá hoại.

Công ty phát điện Uganda (UEGCL), chủ đầu tư dự án, đã cáo buộc công ty Trung Quốc Sinohydro đã tuyển dụng nhân viên không đủ năng lực, thiếu kinh nghiệm và trình độ tay nghề làm quản lý cấp cao trong dự án này.

Ngoài ra, chủ đầu tư cho biết nhà thầu Trung Quốc đã không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và các thông số kỹ thuật như đã nêu trong hợp đồng xây dựng.

Trong một báo cáo hồi tháng 2, ông John Berry, Phó Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo Dự án nhà máy thủy điện Karuma, chỉ ra rằng hệ thống cáp điện và hệ thống hút bụi của đập Karuma có chất lượng không đạt yêu cầu, bộ trục tua bin máy phát điện bị ăn mòn.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trung-quoc-day-manh-lan-san-sang-thuy-dien-chau-phi-3425112/