Trung Quốc đẩy mạnh giảm nghèo thông qua du lịch nông thôn

Chính phủ Trung Quốc mới đây công bố mục tiêu giảm khoảng 95% số người nghèo và 90% số huyện nghèo trong năm nay, để giải quyết hoàn toàn vấn đề nghèo đói ở khu vực nông thôn trong năm 2020, hướng tới mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả.

Trải nghiệm chế biến cua lông và các loại nông sản ở Giang Tô, Trung Quốc thu hút nhiều khách du lịch.

Trải nghiệm chế biến cua lông và các loại nông sản ở Giang Tô, Trung Quốc thu hút nhiều khách du lịch.

Để thực hiện mục tiêu nói trên, Trung Quốc đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên các lĩnh vực, trong đó nổi bật là việc thực hiện chiến lược chấn hưng nông thôn, nhất là phát triển ngành du lịch và tiêu dùng, nhằm kích thích động lực vươn lên thoát nghèo của người dân nông thôn.

Theo ông Trương Nhuận Cương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Trung Quốc, việc thực hiện chiến lược chấn hưng nông thôn, không chỉ thúc đẩy nông nghiệp và nông thôn có những thay đổi to lớn, mà còn hình thành nguồn lực và sản phẩm du lịch nông thôn hết sức phong phú; việc tập trung các nguồn lực của ngành du lịch vào thúc đẩy phát triển du lịch ở nông thôn, sẽ góp phần cải thiện môi trường cảnh quan, điều chỉnh cơ cấu nông nghiệp, tăng thu nhập của người nông thôn, từ đó thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển đời sống nông thôn.

Theo thống kê, du lịch nông thôn và nông nghiệp kết hợp giải trí ở Trung Quốc tăng trưởng khá nhanh, chất lượng ngày càng nâng cao, đã trở thành lựa chọn chính khi đi tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và trải nghiệm cuộc sống của cư dân thành thị nước này. Trong nửa đầu năm 2019, du lịch nông thôn thu hút hơn 1,5 tỷ lượt du khách, tăng trưởng tới 10,2% so cùng kỳ năm ngoái.

Việc thúc đẩy du lịch ở nông thôn góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, nâng cao giá trị gia tăng của nông nghiệp, tạo ra động lực tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy kế thừa và phát triển văn hóa, cải thiện diện mạo chung của cả khu vực nông thôn vốn có trình độ phát triển kém hơn thành thị.

Ngoài ra, du lịch nông thôn cũng góp phần thúc đẩy phát hiện, phổ biến và hình thành nhiều thương hiệu và kích thích tiêu dùng nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của các địa phương. Một thí dụ điển hình là TP Hưng Hóa, tỉnh Giang Tô đã khai thác tốt lợi thế nuôi trồng thủy sản nước ngọt và thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc những năm gần đây, để xây dựng thương hiệu cua lông nước ngọt rất được ưa chuộng. Địa phương này cũng cải tạo các cánh đồng trồng hoa cúc vàng, trở thành các điểm tham quan, chụp ảnh kết hợp trải nghiệm văn hóa bản địa, hằng năm thu hút hàng chục nghìn khách đến từ các thành phố lớn.

Hiện nay, chính quyền các địa phương và ngành du lịch Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào các loại hình du lịch ở nông thôn, nhất là xây dựng hàng trăm thị trấn du lịch đặc sắc và nhiều thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, với mục tiêu hình thành chuỗi ngành nghề đặc trưng ở nông thôn và mạng lưới tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm người dân nông thôn thoát nghèo bền vững.

TÔ MINH - HỮU HƯNG

Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/41914302-trung-quoc-day-manh-giam-ngheo-thong-qua-du-lich-nong-thon.html