Trung Quốc đẩy mạnh cho vay ra nền kinh tế

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang phải đau đầu trong việc giải quyết một vấn đề đang phát sinh trong thời gian gần đây, đó là thuyết phục các ngân hàng đẩy mạnh cho vay ra nền kinh tế.

Cung cầu tiền sụt giảm

Nhờ các biện pháp nới lỏng thanh khoản trong thời gian gần đây từ phía NHTW, chi phí vay liên ngân hàng của hệ thống ngân hàng Trung Quốc hiện đã thấp hơn so với chi phí đi vay từ PBoC, tuy nhiên phần lớn số tiền này đang trong trạng thái nhàn rỗi. Một phần lớn tiền không thể đưa vào phục vụ cho mục đích tăng trưởng kinh tế, đặc biệt đối với các công ty nhỏ đang trong tình trạng khan hiếm tiền mặt do bên cho vay hiện không sẵn sàng để cung cấp các khoản vay hoặc mua các trái phiếu có độ rủi ro cao.

Nhiều ngân hàng Trung Quốc nới lỏng hạn ngạch cho vay

Hiện tại, Trung Quốc đang ở trong tình trạng căng thẳng thương mại với Mỹ, đồng thời phải thực hiện các biện pháp để kiểm soát các khoản nợ lớn và đảm bảo nguồn vốn cần thiết cho các doanh nghiệp để duy trì đà tăng trưởng. Trước tình hình đó, kể từ đầu tháng 8, NHTW nước này đã phải bắt đầu thực hiện các biện pháp nới lỏng để khuyến khích hoạt động cho vay.

Trong một cuộc họp cấp cao do Phó Thủ tướng Liu He chủ trì trong thời gian gần đây, chính phủ đang kêu gọi NHTW phải nỗ lực hơn trong việc cải thiện cơ chế truyền dẫn của CSTT, từ đó đẩy lượng tiền ra nền kinh tế. Điều đó cho thấy ý thức cấp bách của chính phủ đối với vấn đề nới lỏng tín dụng nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

PBoC cũng đang kêu gọi thúc đẩy sự phối hợp giữa NHTW, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý khác nhằm khơi thông cơ chế truyền tải của CSTT.

Trên thực tế, trong khi cơ chế truyền tải CSTT không phải là vấn đề lớn khi các ngân hàng vẫn đang làm việc với tốc độ cao để chuyển các khoản tiền cơ sở thành tín dụng cho vay, cầu và cung các khoản vay sụt giảm mới là một vấn đề đáng lưu tâm tại Trung Quốc.

Sự sụt giảm cung cầu tiền tệ một phần bắt nguồn từ chiến dịch của Chủ tịch Tập Cận Bình khởi động từ 2 năm trước đây để kiểm soát rủi ro tài chính, gia tăng giám sát các khoản vay của các công ty Nhà nước, loại bỏ các dự án cơ sở hạ tầng có sự hợp tác công tư, cắt giảm cho vay bất động sản và kiểm soát hệ thống ngân hàng ngầm. Về cơ bản, chiến dịch này đã mang lại nhiều thành công nhưng cũng đi kèm với một số vấn đề phát sinh, trong đó có tâm lý e ngại của các bên trong việc tham gia thị trường tín dụng.

Theo Ma Jun, cố vấn cấp cao của NHTW Trung Quốc, việc khẩu vị rủi ro thị trường đang giảm, cộng với việc ngày càng ít có các thành viên tham gia vào thị trường tín dụng sẽ ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của các công ty tư nhân cũng như các DNNVV. Chìa khóa giúp tránh tình trạng sụt giảm mạnh của khẩu vị rủi ro và tăng cường hiệu quả kênh truyền dẫn là Chính phủ cần thực hiện các biện pháp cắt giảm nợ một cách có kiểm soát, tuy nhiên đây là một công việc mang tính kỹ thuật và đòi hỏi sự tinh tế.

Các kênh tài trợ phi ngân hàng cũng phải là một kênh tốt để huy động vốn đối với các công ty vừa và nhỏ. Nhìn chung, lợi suất trái phiếu của các công ty nhỏ thường chỉ được xếp hạng ở mức thấp và không thu hút được người mua. Bên cạnh đó, các NHTM Trung Quốc cũng đang cắt giảm việc nắm giữ các trái phiếu công ty trong tháng 7 vừa qua sau khi chính phủ phát hành một lượng lớn trái phiếu chính quyền địa phương.

Trong khi đó, tình trạng sụt giảm trên thị trường chứng khoán cũng đang hạn chế khả năng huy động vốn của các công ty trên kênh này. Trong tháng 7 vừa qua, chỉ số Shanghai Composite đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016, đồng thời một số chỉ số chứng khoán đại diện cho nhóm các công ty vừa và nhỏ cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm qua.

Theo Lu Ting, Chuyên gia kinh tế trưởng của Nomura International Ltd., chính việc thắt chặt các quy định quản lý và tình trạng không chắc chắn trong xu hướng điều hành chính sách từ phía chính phủ đã khiến hệ thống ngân hàng trở nên quan ngại khi đưa vốn ra nền kinh tế. Do đó, ông khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách cần có những động thái rõ rệt hơn để trấn an thị trường và giúp khơi thông dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế.

Động thái mới từ Chính phủ

Trước tình hình đó, PBoC đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện tình trạng cho vay của các ngân hàng, trong đó một biện pháp gần đây nhất mới được thực hiện đó là khuyến khích các ngân hàng mở rộng tín dụng bằng cách nới lỏng hạn ngạch cho vay.

Hạn ngạch linh động hơn sẽ giúp tín dụng dành cho đối tượng DNNVV của các ngân hàng tăng trưởng từ mức thấp nhất trong 3 năm qua và bù đắp mức sụt giảm chưa từng có trong lĩnh vực tài chính ngầm của Trung Quốc. Tín dụng tăng cũng cải thiện tâm lý trên thị trường chứng khoán và thị trường tín dụng vốn đang trong tình trạng ảm đạm khi tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng có diễn biến phức tạp và tỷ lệ vỡ nợ tăng cao.

Trước đó, các nhà chức trách Trung Quốc đã có những biện pháp nới lỏng các điều kiện tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời ngăn chặn các thiếu hụt kích thích tài chính hay tiền tệ trên diện rộng. Động thái này bao gồm ba đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng từ đầu năm đến nay, giảm hạn chế vốn đối với những người cung cấp tín dụng và ban hành luật lệ mới ít hạn chế hơn đối với ngành tài chính ngầm.

Những nỗ lực từ phía chính phủ Trung Quốc đang đạt được những kết quả ban đầu khi theo số liệu thống kê sơ bộ của Ủy ban điều tiết hoạt động ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc, tổng dư nợ cho vay mới bằng đồng Nhân dân tệ đã tăng thêm 1,45 nghìn tỷ (tương đương 210 tỷ USD) trong tháng 7. Số liệu này mới chỉ bao gồm dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng, chưa tính đến các khoản huy động trên các thị trường trái phiếu, cổ phiếu hoặc từ khu vực ngân hàng ngầm.

Mặc dù có nhiều lo ngại chính sách nới lỏng tín dụng sẽ cản trợ nỗ lực ổn định hệ thống tài chính của Trung Quốc, các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn rất hoan nghênh việc giảm hạn chế cho vay và cho đây là một động thái cần thiết để đảm bảo kinh tế Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng đặt ra.

Minh Đức

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/trung-quoc-day-manh-cho-vay-ra-nen-kinh-te-78926.html