Trung Quốc - Đất nước thua cuộc trong chính biến Myanmar

Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang là nước hứng chịu nhiều tổn thất từ cuộc đảo chính tại Myanmar khi Bắc Kinh có nhiều dính líu đến quốc gia Đông Nam Á này.

Tham vọng bành trướng, gia tăng ảnh hưởng ở khu vực và trên trường quốc tế của Trung Quốc đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chính biến Myanmar trở thành sự kiện đẩy Bắc Kinh vào thế khó mới. Nhiều ý kiến cho rằng chính Bắc Kinh là kẻ bất lợi sau cuộc đảo chính hôm 21/ tại quốc gia Đông Nam Á này.

Theo Enze Han, Phó Giáo sư tại Đại học Hong Kong, trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang vấp phải khó khăn trong tập hợp lực lượng để gây áp lực lên chính quyền quân sự Myanmar, Trung Quốc cũng gặp phải những vấn đề riêng.

“Trung Quốc là kẻ thua cuộc lớn nhất từ cuộc đảo chính này. Những nỗ lực mà họ đã thực hiện để cải thiện hình ảnh trong 5 năm qua thông qua hợp tác với đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD), đều trở nên phí phạm”, chuyên gia Enze Han nói.

Nhận định của ông Enze Han là hoàn toàn có cơ sở khi ảnh hưởng và sự dính líu cả về góc độ chính trị và kinh tế của Trung Quốc đối với Myanmar ngày càng gia tăng. Thứ nhất, về kinh tế, Trung Quốc mong muốn các khoản đầu tư từ sáng kiến "Vành đai và Con đường" sẽ được triển khai mạnh mẽ ở Myanmar. Thứ hai, quan hệ giữa giới chức Trung Quốc với phe quân đội lẫn phe của Cố vấn nhà nước Suu Kyi cũng rất nồng ấm trong thời gian qua. Do đó, cuộc đảo chính xảy ra hoàn toàn không có lợi cho Bắc Kinh và bài toán của Trung Quốc là sẽ cư xử ra sao trong tình cảnh hiện nay ở Myanmar?

Biểu tình phản đối đảo chính diễn ra mạnh mẽ ở Myanmar. (Ảnh: Twitter)

Biểu tình phản đối đảo chính diễn ra mạnh mẽ ở Myanmar. (Ảnh: Twitter)

Một loạt các động thái cả trước và sau đảo chính ở Myanmar của Trung Quốc dấy lên nhiều đồn đoán về việc có sự “nhúng tay” hay “bật đèn xanh” của Bắc Kinh trước tình hình hiện nay ở quốc gia Đông Nam Á. Trước khi xảy ra đảo chính, trong chuyến công du khu vực vào tháng 1, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp các quan chức Myanmar, trong đó có cả Thống tướng Min Aung Hlaing - người nắm quyền sau cuộc đảo chính.

Sau đó là loạt phản ứng ngoại giao khác biệt, lên tiếng rất ôn tồn về tình hình Myanmar của phía Trung Quốc. Trong khi Mỹ và nhiều nước châu Âu lên án đảo chính ở Myanmar và áp lệnh trừng phạt với nước này thì Trung Quốc chỉ xem đảo chính là "sự xáo trộn nội các nghiêm trọng", cũng như chặn tuyên bố chung lên án sự việc tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Chưa hết, gần đây xuất hiện các bức ảnh và thông tin về chuyến bay của một máy bay Trung Quốc hạ cánh ở Myanmar trên mạng xã hội. Điều này dấy lên suy đoán rằng "nhân viên kỹ thuật Trung Quốc" đã đến Manmar để hỗ trợ quân đội trong bối cảnh mất điện, mạng internet ở nước này.

Tuy nhiên, Trung Quốc - nước vốn có lợi ích chiến lược và kinh tế lớn ở quốc gia Đông Nam Á này, đã phủ nhận việc biết trước hoặc liên quan đến cuộc đảo chính. Theo đó, hôm 3/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố những tin đồn "đều không chính xác". "Với tư cách là quốc gia láng giềng thân thiện của Myanmar, chúng tôi muốn các bên có thể giải quyết bất đồng một cách thích hợp và duy trì ổn định chính trị xã hội", ông Uông Văn Bân cho hay.

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Chen Hai cho biết, Bắc Kinh đã không được "thông báo trước" về cuộc đảo chính và thông tin về việc Trung Quốc đang giúp quân đội chính quyền thiết lập một bức tường lửa để ngăn người biểu tình là "hoàn toàn vô nghĩa". Chen Hai cho rằng, tình hình ở Myanmar “không phải là điều Trung Quốc muốn chứng kiến”, nhấn mạnh Bắc Kinh có “quan hệ hữu nghị” .

Theo các nhà quan sát, cuộc đảo chính Myanmar để lại những hậu quả về địa chính trị mà Trung Quốc không hề mong muốn. Cuộc đảo chính này khiến tâm lý chống Trung Quốc trở nên gay gắt hơn ở nước này. Các cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Yangon, yêu cầu Bắc Kinh ngừng hỗ trợ chính quyền quân sự và kêu gọi tẩy chay hàng hóa của Bắc Kinh. Những người phản đối cuộc đảo chính ở Myanmar cáo buộc Trung Quốc vừa hỗ trợ quân đội kiểm duyệt Internet vừa chuyển giao vũ khí bất hợp pháp để dập tắt các cuộc biểu tình.

Trên thực tế, Bắc Kinh có thể hài lòng với hiện trạng Myanmar trước cuộc đảo chính, khi mà các công ty của nước này được đầu tư vào một loạt các doanh nghiệp trên khắp Myanmar, trong khi giới chức hai nước duy trì mối liên hệ nồng ấm cả với phe quân đội và phe của Cố vấn Nhà nước Suu Kyi. Bất ổn hiện nay ở Myanmar khiến những thỏa thuận kinh doanh trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc bị đe dọa.

Theo nhận định của The New York Times, đảo chính ở Myanmar khiến cho cuộc đấu tranh địa chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này trở nên phức tạp.

“Trung Quốc đang tìm cách biến Myanmar thành một nước láng giềng dễ bảo, còn Mỹ tìm cách kết hợp uyển chuyển giữa gây áp lực và khuyến khích để thúc đẩy nước này chuyển đổi sang mô hình dân chủ. Hiện chưa rõ cần bao nhiêu tác động từ bên ngoài để xoay chuyển các tướng lĩnh Myanmar, những người từng khiến đất nước bị cô lập với thế giới trong nửa thế kỷ", The New York Times nhận định.

Trung Quốc đang ở thế khó xử trong quan hệ với Myanmar hiện nay. (Ảnh: AP)

Trong một thời gian dài, Trung Quốc không chỉ duy trì quan hệ với quân đội Myanmar mà còn xây dựng quan hệ nồng ấm hơn với bà Suu Kyi và đảng NLD của bà. Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015, bà Suu Kyi đã chọn Trung Quốc là điểm công du nước ngoài đầu tiên.

Điều đó cho thấy một tín hiệu rõ ràng rằng, cơn ác mộng tồi tệ nhất của Trung Quốc sẽ không xảy ra. NLD vốn từ lâu được Trung Quốc cho là được phương Tây bảo trợ đã không hoàn toàn hướng về phương Tây", Mary Callahan, Phó Giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Henry M. Jackson, nhận định.

Mối quan hệ giữa bà Suu Kyi với Bắc Kinh có thể là công cụ giúp giảm thiểu xung đột sắc tộc bùng phát dọc biên giới Trung Quốc với Myanmar. Sau chiến dịch tàn bạo của quân đội chống lại người Rohingya, bà Suu Kyi và các quan chức Trung Quốc đã cùng làm việc để tránh những lệnh trừng phạt đối với các lãnh đạo Myanmar.

Khi phương Tây quay lưng với chính quyền Myanmar sau cuộc khủng hoảng người Rohingya, bà Aung San Suu Kyi gần như không có lựa chọn nào ngoài việc trông cậy vào Bắc Kinh. Myanmar chính thức gia nhập sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) khi bà Suu Kyi dự một diễn đàn về hợp tác quốc tế ở Bắc Kinh vào tháng 5/2017. Hai nước khi đó ký một biên bản ghi nhớ để cùng nhau xây dựng Hành lang Kinh tế Trung Quốc -Myanmar vào năm 2018, nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác song phương trong khuôn khổ BRI.

Phe quân sự Myanmar dường như vẫn cảnh giác với Bắc Kinh, cả vì lý do lịch sử sâu xa cũng như cách tiếp cận ngày càng đa dạng của Trung Quốc trong một xã hội Myanmar đang hiện đại hóa. Trong khi đó, quan chức ngoại giao Myanmar từng tiết lộ, Thống tướng Min Aung Hlaing “không đặc biệt thân thiện với Bắc Kinh”.

Bilahari Kausikan, cựu nhà ngoại giao Singapore và là chủ tịch Viện Trung Đông tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng đó không phải là tin tốt cho Bắc Kinh.

"Họ đã dành rất nhiều năng lượng, thời gian để xây dựng quan hệ với bà Aung San Suu Kyi và đạt một số thành công. Bây giờ họ phải bắt đầu lại với một loạt tướng mới, và những vị tướng này không chỉ gây khó khăn cho phương Tây mà còn lạnh nhạt với tất cả", Bilahari Kausikan cho hay.

Kông Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/trung-quoc-dat-nuoc-thua-cuoc-trong-chinh-bien-myanmar-ar598231.html