Trung Quốc đặt nền móng công nghệ in 3D cho Châu Á và tham vọng dẫn đầu thế giới

Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ in 3D hiện nay, Trung Quốc đang tham vọng dẫn đầu thị trường Châu Á về công nghệ in 3D. Xa hơn nữa, quốc gia tỷ dân này mong muốn vượt mặt các đối thủ như Mỹ và các quốc gia Châu Âu.

Một công ty kỹ thuật tại Thượng Hải có tên Shanghai WinSun Decoration Design Engineering từng xây dựng thành công 10 căn nhà với diện tích 200m2 hoàn toàn bằng công nghệ in 3D. Công ty này khẳng định, công trình không hề sử dụng tới bê tông và chỉ tiêu tốn 4.800 USD (khoảng 120 triệu đồng), một con số rất thấp so với chi phí xây dựng nhà kiên cố bằng cốt thép.

Đây không phải là lần đầu tiên, một ngôi nhà được xây dựng bằng công nghệ in 3D. Trước đó đã có một vài ngôi nhà tại San Francisco, Mỹ và ở Nga đã áp dụng công nghệ này. Nhưng Trung Quốc đang là đầu tàu đi trước cả Châu Á về kỹ thuật xây dựng kiểu mới.

Ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng công nghệ in 3D của công ty Shanghai WinSun Decoration Design Engineering

Theo Forbes, sự phát triển thần tốc này của Trung Quốc một phần nhờ sự hỗ trợ của chính phủ và cả ngành công nghiệp. Thậm chí, quốc gia đông dân nhất thế giới còn tham vọng thống trị công nghệ in 3D trong tương lai gần.

Theo IDC, Trung Quốc đã chi khoảng 1,1 tỷ USD cho công nghệ in 3D trong năm 2017 vừa qua. Với mức chi lớn như vậy, Trung Quốc đã trở thành "ông trùm" hàng đầu về tăng trưởng công nghệ in 3D tại Châu Á.

Công ty nghiên cứu Markets and Markets dự báo, in 3D sẽ trở thành một phân ngành công nghiệp có giá trị ít nhất 32,78 tỷ USD vào năm 2023 và tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 25,76%. Hãng nghiên cứu này cũng tin rằng, chi phí sản xuất ngày càng rẻ sẽ giúp việc tùy biến thành phẩm dễ dàng hơn. Đó là chưa kể, các khoản đầu tư chính phủ sẽ giúp thúc đẩy công nghiệp in 3D phát triển mạnh hơn.

Chính phủ Trung Quốc "bạo chi" cho công nghệ in 3D nhằm rút ngắn khoảng cách với các quốc gia đi trước

Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã tỏ rõ tham vọng thống trị nhiều ngành công nghiệp tiên tiến, trong đó có xe điện, bán dẫn và tới nay là công nghệ in 3D.

Trung Quốc giờ đây áp dụng cả công nghệ in 3D vào việc chế tạo các mô hình giáo cụ trực quan trong y tế

Những khoản đầu tư khổng lồ của chính phủ giúp ngành công nghệ cao tại Trung Quốc có cơ hội bay cao và xa hơn. Giới chức nước này đã bắt đầu có những động thái chuyển dịch từ năm 2015 khi sáng kiến "Made in China 2025" ra đời. Sáng kiến này nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, công nghệ in vật thể 3D là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của sáng kiến.

Đó cũng là lý do Bộ Công nghiệp và CNTT Trung Quốc đã giới thiệu bản Kế hoạch xúc tiến phát triển công nghiệp in 3D quốc gia giai đoạn 2015-2016.

Kế hoạch bao gồm việc đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy phát triển cho hai hoặc ba thương hiệu nội địa trở lên, nhằm tăng sức cạnh tranh, đồng thời đưa ngành công nghiệp in 3D vươn lên đạt giá trị 3 tỷ USD vào năm 2020.

Trung Quốc vẫn còn rất nhiều đối thủ cần dè chừng tại Châu Á

Những nền kinh tế mạnh trong khu vực cũng tỏ ra khá quan tâm tới công nghệ in 3D trong vài năm trở lại đây.

Tại Đài Loan, chính phủ nước này đang nỗ lực mở rộng sự hiểu biết về công nghệ in 3D thông qua mọi sản phẩm có thể ứng dụng như đồ chơi, bộ phận máy móc, thiết bị cấy ghép y học hay cả một số loại thực phẩm. Hiện có tới 90 công ty tại Đài Loan đã hợp thành một liên minh chung phát triển công nghệ in 3D.

Dù đi sau nhưng Trung Quốc lại có nhiều lợi thế về tài nguyên và tiềm lực tài chính

Ở Hàn Quốc, một trong những thủ phủ công nghệ cao của Châu Á, chính phủ nước này năm ngoái cũng đã đầu tư khoảng 37 triệu USD nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ in 3D.

Đức và Mỹ dẫn đầu thế giới về công nghệ in 3D nhưng lại chịu thua trước Trung Quốc và Úc. Đúng vậy, không chỉ có các quốc gia Đông Á, Trung Quốc cũng cần dè chừng Úc bởi đây là một quốc gia rất mạnh về công nghệ in 3D hiện nay.

Các công ty theo đuổi công nghệ in 3D tại Trung Quốc ngày càng nhiều

Chính phủ Trung Quốc đang ươm mầm những tài năng, nguồn nhân lực tương lai bằng cách đưa công nghệ in 3D vào trong hệ thống giáo dục từ sớm. Đây chính là chìa khóa giải quyết vấn đề thiếu nhân lực trình độ cao bởi Trung Quốc hiện đang rất thiếu nguồn lao động có thể kiến thức và khả năng sáng tạo với in 3D.

Một nhà chờ xe buýt được làm từ vật liệu in 3D tại Trung Quốc

Nếu làm chủ được công nghệ in 3D và thiết kế được các bộ phận ôtô, mô hình kiến trúc hay thậm chí là gelatin trong nấu ăn, mọi sinh viên nước này đều có thể dễ dàng kiếm được thu nhập và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp in 3D.

Hiện đã có khá nhiều công ty đi theo hướng phát triển công nghệ in 3D, cụ thể như UnionTech, Xi'an Bright Laser Technologies & Hunan Farsoon High Technology,... Tương lai không xa, con số này sẽ còn tăng và đa dạng hơn thế rất nhiều.

Vấn đề an toàn vẫn cần đặt lên hàng đầu nếu muốn phát triển ngành công nghiệp in 3D bền vững

Trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ không còn phải lo về phương pháp tạo ra các vật thể in 3D như thế nào nữa. Điều đáng suy ngẫm lúc đó là làm sao kiểm soát được chúng. Hãy thử tưởng tượng xem, một người mua nhà sẽ lưỡng lự như thế nào khi quyết định chuyển tới một ngôi nhà làm từ công nghệ in 3D.

Trung Quốc chắc chắn sẽ cần tới các tiêu chuẩn và chứng nhận đủ điều kiện nếu muốn duy trì và phát triển mạnh hơn ngành công nghiệp in 3D.

Christopher Hang-Kwang Lim, một chuyên gia công nghệ cao cấp khẳng định: "Do sự mở rộng và gia tăng nhanh chóng của in 3D tại Trung Quốc, một trong những thách thức khó khăn nhất, chính là vấn đề an toàn cho cả người sử dụng sản phẩm in 3D và ngành công nghiệp.

Nếu người ta chỉ xem qua một danh sách rối rắm các nguyên liệu sử dụng trong công nghiệp in 3D, họ sẽ rất khó hình dung được sự phức tạp trong việc thiết lập các tiêu chuẩn an toàn và giám sát, thực thi các tiêu chuẩn đó, giả sử có một tiêu chuẩn được tất cả chấp nhận".

Tính riêng trong năm 2016, thị trường máy in 3D đạt giá trị hơn 5 tỷ USD với hơn 200 ngàn máy in 3D được bán ra.

Tiềm năng của công nghệ in 3D là rất lớn, không chỉ áp dụng trong ngành công nghiệp mà còn có thể hỗ trợ, bổ sung cho các lĩnh vực như khoa học, y tế,…Tất nhiên để in 3D trở thành một thứ gì đó phổ biến như smartphone ngày nay chắc chắn sẽ phải cần rất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó cũng cần nhờ tới những quốc gia giàu tiềm lực kinh tế, tài nguyên như Trung Quốc đi trước trong việc phổ cập in 3D tới mọi ngóc ngách đời sống. Chỉ có vậy, toàn bộ thế giới mới sớm có cơ hội tiếp cận loại hình công nghệ của tương lai này.

Mai Huyền

Nguồn VnReview: http://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/2401793/trung-quoc-dat-nen-mong-cong-nghe-in-3d-cho-chau-a-va-tham-vong-dan-dau-the-gioi