Trung Quốc đánh giá cao về cơ sở sản xuất, chế biến gạo của Việt Nam

Đó là thông tin Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đưa ra sau sự kiện mời Đoàn doanh nghiệp nhập khẩu lương thực Trung Quốc vào Việt Nam giao dịch, kết nối mua hàng, nhằm xúc tiến xuất khẩu gạo được tổ chức mới đây.

7 tháng năm 2018, xuất khẩu gạo tăng mạnh cả lượng và giá trị Cơ hội từ các thị trường truyền thống Xuất khẩu gạo bất ngờ tăng vọt giá trị

Cụ thể, theo Cục Xuất nhập khẩu, trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến thương mại mặt hàng gạo năm 2018, Cục Xuất nhập khẩu vừa chủ trì, phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Sở Công Thương TP. Cần Thơ, Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang và Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức “Mời Đoàn doanh nghiệp nhập khẩu lương thực Trung Quốc vào Việt Nam giao dịch, kết nối mua hàng”.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của hạt gạo Việt

Theo đó, các hoạt động xúc tiến thương mại gạo đã được thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang từ ngày 7 đến ngày 10/8/2018. Tham gia hoạt động này, về phía Đoàn doanh nghiệp Trung Quốc gồm 15 doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu lương thực đến từ các tỉnh An Huy, Quảng Đông, Phúc Kiến và đại diện Hiệp hội Lương thực Trung Quốc.

Trong khuôn khổ chương trình hoạt động xúc tiến thương mại, Đoàn doanh nghiệp Trung Quốc đã tham dự các hoạt động như tham dự Hội thảo giao thương thương mại gạo giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Trung Quốc tại TP. Cần Thơ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai nước kết nối, giao thương hợp tác trong thương mại gạo. Thăm thực địa kho chứa và cơ sở sản xuất, chế biến gạo của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang để tạo sự tin tưởng chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm gạo Việt Nam. Tham dự Hội thảo hợp tác thương mại tại TP. Hồ Chí Minh nhằm cơ chế hợp tác giữa Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Hiệp hội Lương thực Trung Quốc trong thời gian tới.

Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, qua các hoạt động trên, các doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá cao về cơ sở sản xuất, chế biến gạo của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời thể hiện mong muốn tiếp tục hợp tác thương mại gạo với Việt Nam, đặc biệt hợp tác trong lĩnh vực phân phối hệ thống siêu thị tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Tính đến nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo số 1 của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2017, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc đạt 2,29 triệu tấn, trị giá đạt 1,03 tỷ USD, tăng 31,6% về số lượng, tăng 32% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Mặc dù là thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam nhưng xuất khẩu gạo của ta vào thị trường này còn nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam. Việc mời doanh nghiệp nhập khẩu lương thực của Trung Quốc sang giao dịch, kết nối mua hàng là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai bên tìm hiểu, trao đổi và thảo luận về nhu cầu, thị hiếu, chủng loại, chất lượng và giá cả sản phẩm.

Việc tổ chức các Hội thảo và hoạt động giao thương cụ thể của doanh nghiệp hai nước tại thành phố Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang - vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long sẽ góp phần tăng cường hiểu biết, hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong quan hệ thương mại gạo giữa hai nước, tạo tiền đề đưa kim ngạch giao thương gạo của hai nước đạt nhiều thành tựu trong thời gian tới.

Phương Lan

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/trung-quoc-danh-gia-cao-ve-co-so-san-xuat-che-bien-gao-cua-viet-nam-107435.html