Trung Quốc đặc biệt để mắt đến 'sát thủ tàu ngầm' của Nhật Bản mang tên lửa chống hạm cực mạnh

Hình ảnh chiếc máy bay tuần tra săn ngầm Kawasaki P-1 của hải quân Nhật Bản mang tên lửa hành trình chống hạm nội địa ASM-2 dưới cánh đã khiến báo chí Trung Quốc tỏ ra quan tâm đặc biệt.

 Truyền thông Nhật Bản mới đây đã đăng tải hình ảnh về chiếc máy bay tuần tra chống ngầm Kawasaki P-1 của nước này trong chuyến huấn luyện gần căn cứ Atsugi. Ngay lập tức, báo chí Trung Quốc đã dẫn lại và bày tỏ mối lo ngại lớn.

Truyền thông Nhật Bản mới đây đã đăng tải hình ảnh về chiếc máy bay tuần tra chống ngầm Kawasaki P-1 của nước này trong chuyến huấn luyện gần căn cứ Atsugi. Ngay lập tức, báo chí Trung Quốc đã dẫn lại và bày tỏ mối lo ngại lớn.

Chi tiết đáng quan tâm nhất chính là sự xuất hiện lần đầu tiên của 4 quả tên lửa hành trình chống hạm nội địa ASM-2 (Type 93) được gắn 2 bên cánh của chiếc phi cơ.

Máy bay tuần tra săn ngầm Kawasaki P-1 được Nhật Bản phát triển trên cơ sở khung thân vận tải cơ thử nghiệm XC-1 với mục đích thay thế những chiếc P-3C Orion thế hệ cũ.

Thông số cơ bản của Kawasaki P-1 bao gồm: kíp chiến đấu 13 người; chiều dài 38 m; sải cánh 35,4 m; chiều cao 12,1 m; trọng lượng cất cánh tối đa 79.700 kg.

Máy bay được trang bị 4 động cơ phản lực IHI Corporation XF7-10 (lực đẩy 60 kN mỗi chiếc) cho tốc độ tối đa 996 km/h, tầm hoạt động 8.000 km. Trong chế độ tuần tiễu nó có thể tắt bớt 2 động cơ để tiết kiệm nhiên liệu.

Chiếc Kawasaki P-1 được trang bị hệ thống điện tử hàng không cực kỳ hiện đại bao gồm radar mảng pha quét điện tử chủ động Toshiba HPS-206; thiết bị phát hiện từ tính lạ bố trí ở cái đuôi dài kỳ dị phía sau và thiết bị phát hiện tín hiệu hồng ngoại.

Các hệ thống này cho phép P-1 phát hiện mọi mục tiêu trên và dưới mặt biển. 8 giá treo trên cánh mang được tổng cộng 9 tấn vũ khí gồm: tên lửa đối hạm AGM-84 Harpoon, ASM-1C, AGM-65; ngư lôi chống ngầm Mk 46, Type 97; thủy lôi; bom chìm.

Ngoài các phương pháp phát hiện từ trên không, công cụ chống ngầm chính của P-1 là phao định vị thủy âm. Có tổng cộng 30 phao sonar sẵn sàng thả và 70 chiếc khác lưu trữ bên trong khoang, tất cả đều được nạp tự động.

Khi thực hiện nhiệm vụ chống tàu ngầm, máy bay P-1 sẽ nhanh chóng thả một số lượng lớn phao sonar trong khu vực chiến đấu để xác định chính xác về hướng di chuyển của tàu ngầm dưới nước sâu.

Việc chiếc P-1 mang theo tên lửa chống hạm ASM-2 trong chuyến bay thử nghiệm cho thấy Nhật Bản đã bắt đầu mở rộng năng lực tác chiến cho "sát thủ tàu ngầm" của mình, biến nó thành phương tiện tác chiến toàn năng.

Tên lửa hành trình chống hạm ASM-2 có trọng lượng 530 kg, chiều dài 4 m và đường kính thân 0,35 m, đạt tốc độ cận âm Mach 0,9 và độ cao khi tiếp cận mục tiêu giai đoạn công kích chỉ trong khoảng 5 - 6 m.

Với tầm bắn xa 170 km, sử dụng đầu dò hồng ngoại có độ chính xác cao và rất khó gây nhiễu, vũ khí này tỏ ra cực kỳ đáng sợ đối với mọi chiến hạm của đối phương.

Ngoài tên lửa ASM-2, hiện nay Nhật Bản đã thử nghiệm thành công và bắt đầu sản xuất hàng loạt thế hệ sau của nó là tên lửa chống hạm siêu âm ASM-3 có tầm bắn và tốc độ còn lớn hơn nhiều.

Dự kiến tên lửa chống hạm siêu thanh ASM-3 cũng sẽ được tích hợp cho chiếc P-1 trong tương lai không xa, điều này chắc chắc sẽ khiến hải quân Trung Quốc phải "giật mình".

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-trung-quoc-dac-biet-de-mat-den-sat-thu-tau-ngam-cua-nhat-ban-mang-ten-lua-chong-ham-cuc-manh/843591.antd