Trung Quốc đã đánh giá quá thấp về 'sự trỗi dậy' của Ấn Độ?

Vụ việc giao tranh đẫm máu này đã tiếp tục xát muối vào vết thương cũ, vết thương thậm chí chưa bao giờ lành tính từ chiến tranh biên giới Trung Quốc - Ấn Độ vào năm 1962.

Ảnh: Inventiva

Trong khi thế giới đang quan tâm đến những căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc, nhiều người đang nói đến một cuộc “Chiến tranh Lạnh” giữa Mỹ và Trung Quốc, căng thẳng tại khu vực biên giới Himalaya giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào tháng trước đã gây ra nhiều thương vong nhất trong hơn 50 năm.

Theo báo South China Morning Post, vụ việc giao tranh đẫm máu này đã tiếp tục xát muối vào vết thương cũ, vết thương thậm chí chưa bao giờ lành tính từ chiến tranh biên giới Trung Quốc - Ấn Độ vào năm 1962. Điều đó không khỏi khiến nhiều người hoài nghi về tính toán của Trung Quốc với sự trỗi dậy của Ấn Độ.

Xung đột Trung Quốc - Ấn Độ cũng khiến cho nhiều người lo sợ về khả năng bùng phát căng thẳng giữa các cường quốc hạt nhân.

Giáo sư đại học Harvard, ông Graham Allison, cũng đã nói đến khả năng đối đầu quân sự khi mà một cường quốc đang trỗi dậy đe dọa đến một cường quốc khác, trước đây người ta thường dùng những từ ngữ trên để nói đến căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng giờ đây từ ngữ ấy được sử dụng để miêu tả quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ.

Cả hai bên đã huy động lực lượng quân sự và vũ khí lớn kể từ xung đột vũ trang ngày 15/6/2020. Phía Trung Quốc không công bố con số thương vong cụ thể. Phía Ấn Độ có 20 binh sỹ tử vong trong cuộc xung đột gần đây nhất.

Theo nhận định của giới phân tích chính trị, Bắc Kinh sẽ đối đầu với kịch bản ác mộng nếu tiếp tục đẩy cao căng thẳng và tiếp tục đối đầu với Ấn Độ trong khi quan hệ Bắc Kinh và Washington tiếp tục xấu đi và công chúng quốc tế không ngừng chỉ trích Trung Quốc về chiến lược ngoại giao của nước này cũng như cách Trung Quốc xử lý đại dịch.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và những nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đã cố gắng cải thiện quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ trong 2 năm qua. Thế nhưng cuối cùng, sự cứng nhắc trong việc triển khai quân đội tại biên giới Ấn Độ đã đẩy Trung Quốc vào tình thế tiến thoái lưỡng nan với nước láng giềng của mình.

Khi mà Ấn Độ nổi lên như một cường quốc trong khu vực, thay đổi cán cân quyền lực giữa Ấn Độ và Pakistan cũng như sự trỗi dậy của mối liên minh Ấn Độ với Mỹ, Ấn Độ đã chiếm vị trí cao hơn trong các chương trình nghị sự của Trung Quốc.

Theo phân tích của chuyên gia chuyên các vấn đề quốc tế tại đại học Ocean University of China, ông Pang Zhongying, trong 2 thập kỷ gần nhất, Ấn Độ đã chuyển mình từ một nước lớn thành một cường quốc tại châu Á.

Ông Pang chỉ ra: “Mối quan hệ của Trung Quốc với Ấn Độ ở vị trí cao trong chương trình nghị sự của Trung Quốc. Sẽ thật không may cho Bắc Kinh khi mà nước này bị xao nhãng bởi tranh chấp tại biên giới với Ấn Độ trong khi lẽ ra Trung Quốc cần phải tập trung vào cuộc khủng hoảng đa mặt trận kể cả về ngoại giao và về kinh tế”

Còn theo chuyên gia về Ấn Độ tại trung tâm nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, ông Wang Dehua, việc hiểu sai về mục tiêu chiến lược của nhau, việc thiếu niềm tin cũng như tranh chấp thương mại phức tạp là những yếu tố đã tác động xấu đến quan hệ hai chiều suốt nhiều thập kỷ qua.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//kinh-doanh-quoc-te/trung-quoc-da-danh-gia-qua-thap-ve-su-troi-day-cua-an-do-3547699.html