Trung Quốc có ý gì khi leo thang căng thẳng biên giới với Ấn Độ?

Xung đột biên giới Trung - Ấn đang leo thang theo từng ngày và có nguy cơ đụng độ bất cứ lúc nào, nhiều đánh giá cho rằng, đây là ý đồ mang mục đích chính trị của Bắc Kinh.

Bắt đầu từ tháng 5/2020, tình hình biên giới Trung - Ấn có nhiều diễn biến phức tạp, Trung Quốc cáo buộc Quân đội Ấn Độ đã vượt qua ranh giới Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Ladakh và di chuyển dọc theo con đường dọc theo hồ do Bắc Kinh xây dựng vào phần lãnh thổ Trung Quốc kiểm soát.

Trong khi đó, Ấn Độ bác bỏ và nói chính quân đội Trung Quốc đã cản trở các hoạt động tuần tra của người Ấn Độ ở trong lãnh thổ của họ. Cả 2 bên xảy ra các vụ va chạm lẻ tẻ gần hồ Pangong tại vùng Ladakh của Ấn Độ, và đèo núi Naku La ở Sikkim dẫn đến thương tích ở cả hai phía.

 Xung đột biên giới Trung - Ấn đang leo thang căng thẳng. Nguồn: Sohu.

Xung đột biên giới Trung - Ấn đang leo thang căng thẳng. Nguồn: Sohu.

Đến ngày 20/5, truyền thông Ấn Độ cho rằng, xung đột khu vực biên giới với Trung Quốc đã thăng cấp, cả 2 bên đều đang tăng cường bố trí binh lực của mình. Hiện nay, xung đột giữa hai bên đã lên đến đỉnh điểm có thể trở thành một cuộc đụng độ quân sự bất cứ lúc nào. Trung Quốc đưa hàng ngàn binh sĩ đến đây và mở rộng căn cứ không quân cách nơi tranh chấp hơn 200 km.

Theo đó, Bắc Kinh đã đưa hơn 5.000 binh sĩ đến khu vực biên giới Ladakh. Không chỉ triển khai quân ở khu vực nhạy cảm dọc biên giới phía Đông Ladakh, Trung Quốc còn dựng lều, đưa xe và máy móc hạng nặng đến khu vực biên giới hai nước. Trong khi đó, quân đội Ấn Độ điều một số tiểu đoàn từ sư đoàn bộ binh đóng tại thành phố Ladakh đến khu vực biên giới.

Không chỉ vậy, dường như Trung Quốc cũng đang mở rộng căn cứ không quân Ngari Gunsa ở phía tây Tây Tạng, theo hình ảnh vệ tinh do Đài Truyền hình New Delhi (NDTV) của Ấn Độ cung cấp, việc mở rộng sẽ cho phép Trung Quốc tiếp nhận thêm nhiều máy bay J-11 hoặc J-16 đến căn cứ này. Đây là các biến thể của Sukhoi 27 của Nga và có năng lực khá tương đồng với Sukhoi 30 MKI của Không quân Ấn Độ. Ngoài ra, một đơn vị tàu thuộc một sư đoàn của Quân khu Tây Tạng cũng được đưa tới hoạt động trên hồ Pangong.

Hình ảnh vệ tinh về việc Trung Quốc mở rộng căn cứ không quân ở Tây Tạng. Nguồn: Sohu.

Xung đột giữa quân đội không vũ trang của Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới không mới. Cả hai có chung đường biên giới dài 3.488 km với một số khu vực tranh chấp mà họ đã tranh giành bằng nhiều vụ đụng độ lẻ tẻ và một cuộc chiến vào năm 1962. Tháng 11/2019, chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói với quốc hội rằng, đã ghi nhận 1.025 vụ xâm lấn của quân đội Trung Quốc từ năm 2016 đến năm 2018.

Giới phân tích cho rằng, các cuộc xung đột thường được hai bên giải quyết êm đẹp bằng con đường ngoại giao, thậm chí là cuộc xung đột tại Doklam năm 2017. Tuy nhiên, trong sự kiện lần này, dường như Trung Quốc không chấp nhận hòa giải một cách dễ dàng và có mục đích chính trị trong đó.

Truyền thông Ấn Độ dẫn một số nguồn tin cho biết quân đội Ấn Độ và PLA Trung Quốc đã tiến hành 5 vòng đàm phán để giải quyết cuộc đối đầu giữa hai bên tại khu vực phía Đông Ladakh, biên giới giữa hai nước. Vòng đàm phán mới nhất được tổ chức ngày 24/5 nhưng chưa có tiến triển do Ấn Độ không thể đáp ứng các “yêu cầu” của Trung Quốc.

Theo đánh giá của một số nhà quan sát Ấn Độ, bối cảnh diễn ra cuộc xung đột lần này hoàn toàn khác so với trước đây. Ấn Độ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Quân đội nước này đang phải “gồng mình” ứng phó, các hoạt động trong nước thì vẫn bị đình trệ.

Một khu vực biên giới Trung - Ấn. Nguồn: Nation

Trong khi đó, Trung Quốc thì ngược lại, Bắc Kinh cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh và các hoạt động quân sự, kinh tế đều được khôi phục. Đây là thời cơ tốt để Trung Quốc tạo ra “hiện trạng mới” ở khu vực biên giới với Ấn Độ, vốn đã tranh chấp kịch liệt trong nhiều năm qua.

Bà Alice Wells, nhà ngoại giao phụ trách Nam Á của Mỹ, hôm 20/5 đã cáo buộc Trung Quốc thực hiện các vụ đụng độ biên giới với Ấn Độ để cố gắng thay đổi hiện trạng. "Nếu bạn nhìn vào Biển Đông, bạn sẽ thấy Trung Quốc dùng chung một phương pháp cho các hoạt động ở đây. Đó là việc liên tục gây hấn, liên tục nỗ lực để thay đổi các quy tắc và thay đổi hiện trạng”, bà Wells nói với Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức nghiên cứu về các vấn đề quốc tế.

Không chỉ vậy, cuộc xung đột lần này còn có khả năng xuất phát từ nguyên nhân sâu xa hơn. Thời gian gần đây, quan hệ Mỹ - Trung có nhiều dấu hiệu gia tăng căng thẳng, Mỹ lên án mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, và đã tăng cường hoạt động quân đội để đối phó với Bắc Kinh ở khu vực này, bao gồm cả Biển Đông.

Một đánh giá của chính phủ Ấn Độ cho thấy hành động của Trung Quốc có liên quan đến nhận thức rằng Ấn Độ đang làm lợi cho Mỹ trong vấn đề an ninh tại khu vực khu vực liên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Do vậy, Trung Quốc muốn đẩy nóng tình hình biên giới để gia tăng sức ép với Ấn Độ, buộc New Delhi phải dừng các hành động hỗ trợ Mỹ.

Đức Trí (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/trung-quoc-toan-tinh-gi-khi-de-leo-thang-xung-dot-bien-gioi-voi-an-do-253712.html