Trung Quốc có thể 'dứt áo' với công nghệ Mỹ?

Trung Quốc có những toan tính chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip và chất bán dẫn, đồng thời giảm phụ thuộc vào công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, chưa thể chắc chắn vết xe đổ hơn nữa thế kỷ trước không tái diễn.

Trung Quốc kỳ vọng sản xuất chip trong nước bắt kịp thế giới vào năm 2025. Ảnh: AFP

Trung Quốc kỳ vọng sản xuất chip trong nước bắt kịp thế giới vào năm 2025. Ảnh: AFP

Đích đến 2025

“Trung Quốc sẽ không bao giờ đặt niềm tin vào Mỹ nữa và sẽ độc lập về công nghệ trong vòng 7 năm tới,” ông David Roche, chủ tịch kiêm chiến lược gia toàn cầu của công ty nghiên cứu chiến lược và phân bổ tài sản Independent Strategy (Vương quốc Anh) nhận định.

Thương chiến Mỹ - Trung không đơn thuần là tranh chấp thương mại, mà mấu chốt là sự đối đầu về công nghệ và khó có thể “hóa giải” một cách đơn giản.

Vẫn chưa thấy tín hiệu thương chiến Mỹ - Trung có thể được giải quyết chóng vánh, dù hai bên đã lên lịch tiếp tục đàm phán thương mại vào tháng 10 tới, ông Roche đánh giá.

Nguồn tin mới đây của Nhật báo Phố Wall (Wall Street Journal) cho hay, vài tháng qua các quan chức của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Thương mại đã họp bàn cùng nhiều công ty công nghệ trong nước, bao gồm các nhà sản xuất điện thoại thông minh như Xiaomi, Oppo và Vivo về việc nghiên cứu phát triển hạ tầng chuỗi cung ứng (đầu vào).

Trung Quốc lâu nay đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chip của riêng mình. Theo sáng kiến “Made in China 2025” do chính phủ nước này khởi xướng, Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất 40% lượng chất bán dẫn sử dụng trong nước vào năm 2020 và nâng lên 70% vào năm 2025.

Lượng chất bán dẫn sản xuất tại Trung Quốc hiện chỉ đáp ứng 16% nhu cầu trong nước, theo công bố của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) hồi tháng 2 năm nay. Đáng nói là doanh nghiệp Trung Quốc chỉ sản xuất được một nửa lượng chất bán dẫn trên.

Trung Quốc vốn dĩ phụ thuộc vào nguồn cung linh kiện và công nghệ lõi từ Mỹ như chip, phần mềm, modem và động cơ phản lực. Thương chiến Mỹ - Trung leo thang càng ảnh hưởng xấu đến hoạt động của doanh nghiệp công nghệ hai bên.

Đầu năm nay, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt hãng công nghệ Trung Quốc Huawei vào danh sách đen bị cấm mua chip và phần mềm do Mỹ sản xuất, trừ khi được cấp phép. Tuy nhiên, một số nhà mạng Mỹ vẫn sử dụng thiết bị Huawei sản xuất, trong khi nhiều công ty khác của Mỹ kêu than doanh thu bị ảnh hưởng do lệnh cấm trên.

Đáp trả, phía Trung Quốc ban hành “danh sách các đơn vị không đáng tin cậy” đồng thời dọa đưa các công ty và tổ chức nước ngoài vào danh sách này.

Đầu tháng 9, hai bên liên tục tung đòn thuế quan ăn miếng trả miếng, đẩy căng thẳng thương mại lên nấc thang mới. Tổng thống Mỹ Donald Trump “lệnh” cho doanh nghiệp Mỹ rời Trung Quốc và tìm “đại bản doanh” khác, kể cả phương án dịch chuyển sản xuất về Mỹ.

Bắc Kinh, với những toan tính giảm phụ thuộc vào công nghệ Mỹ, đang đẩy mạnh hợp tác với các nước khác. Trong bài viết xuất bản cuối tháng 8 vừa qua, tờ Nhân dân nhật báo (People’s Daily) nhấn mạnh đến việc Trung Quốc đang tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Mỹ Latinh.

Gót chân Asin trong công nghệ Trung Quốc

Mỹ đã và đang thu lời từ sản xuất và cung cấp silicon hơn 50 năm qua kể từ khi William Shockley - nhà đồng phát minh transitor (bóng bán dẫn) chuyển đến California vào những năm 1950s để thành lập công ty thực hiện quy trình sản xuất bóng bán dẫn silicon hoàn chỉnh. Ông Shockley được coi là một trong những người đặt nền móng phát triển silicon ở Thung lũng cùng tên này.

Chất bán dẫn là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc, ngoại trừ dầu thô. Trong khi đó, silicon - vật liệu chính dùng chế tạo chất bán dẫn - lại là gót chân Asin của ngành công nghệ Trung Quốc, dù nhiều thập niên qua nước này nỗ lực theo kịp với phương Tây, ông Craig Addison bình luận trên tờ South China Morning Post. Cây bút này từng có 7 năm (2002-2009) làm việc cho Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI).

Thực tế, vào những năm 1990 hàng tỷ nhân dân tệ đã rót vào xây dựng mới các dây chuyền sản xuất chất bán dẫn ở Trung Quốc, với công nghệ được chuyển giao từ các nhà sản xuất chip nước ngoài. Mất đến 2 năm để xây dựng các dây chuyền sản xuất này, nhưng sau đó chúng sớm trở nên lạc hậu do sự thay đổi chóng mặt của công nghệ.

Nỗ lực của Trung Quốc để sở hữu các bí mật về chất bán dẫn của Mỹ thông qua hình thức mua bán hợp pháp hầu hết đều thất bại do Washington trở nên cứng rắn hơn với vấn đề an ninh quốc gia.

Năm 2015, hãng công nghệ Tsinghua Unigroup của Trung Quốc đã thất bại khi chào mua công ty sản xuất chip nhớ Micron Technology của Mỹ với mức giá 23 tỷ USD do đề xuất bị từ chối.

Nhiều công ty Trung Quốc chuyển hướng sang lựa chọn chip điện thoại Kirin do Tập đoàn công nghệ Huawei thiết kế, thay vì mua chip từ Qualcomm của Mỹ. Trong khi đó, các đối thủ khác của Huawei như Xiaomi và ZTE vẫn chọn sử dụng chip điện thoại do Mỹ sản xuất.

Nếu mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là tự phát triển công nghệ lõi để giảm phụ thuộc vào Mỹ, thì thiết kế được con chip chỉ là bước khởi đầu, cây bút Craig Addison lập luận.

Việc xây dựng ngành sản xuất chất bán dẫn là điều không dễ, bởi sản xuất chất bán dẫn và chip điện tử là quá trình rất phức tạp đòi hỏi mức đầu tư lớn. Huawei hay kể cả Qualcomm không tự sản xuất chip mà phải thuê các nhà sản xuất silicon độc lập để đảm đương công việc này.

Cả Huawei và Qualcomm đều nhờ cậy đến “ông lớn” Taiwan Semiconductor Manufacturing Corp (TSMC) để sản xuất hai dòng chip Kirin (Huawei) và SnapDragon (Qualcomm). TSMC chiếm tới 56% doanh thu toàn ngành trong nữa đầu 2018, theo số liệu của công ty nghiên cứu TrendForce của Đài Loan (Trung Quốc).

Doanh nghiệp khác như GlobalFoundries của Mỹ cũng chiếm tới 10% thị phần, còn SMIC - nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc đại lục - chiếm chưa đầy 6% thị phần. Hơn nữa, năm 2009 SMIC đã đồng ý chuyển nhượng 10% cổ phần cho TSMC theo thỏa thuận giải quyết vụ việc TSMC kiện SMIC đánh cắp sở hữu trí tuệ trước đó.

Trong tương lai gần, Trung Quốc, cũng giống như các nước phát triển khác sẽ phụ thuộc vào công nghệ lõi trong sản xuất chất bán dẫn của Mỹ. Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn ngoài việc tuân thủ luật chơi thương mại toàn cầu. Giải pháp được cho là khôn ngoan khi đầu tư mạnh tay vào nghiên cứu và phát triển tận gốc quá trình sản xuất chất bán dẫn, Craig Addison nhận định.

Lê Quân (Theo CNBC, SCMP)

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trung-quoc-co-the-dut-ao-voi-cong-nghe-my-d107102.html