Trung Quốc cờ ngoài bài trong

Trung Quốc dùng Triều Tiên để không cần phải trực tiếp tham cuộc nhưng luôn có được vị thế của kẻ đứng ngoài nếu ba nước kia chơi cờ với nhau và của kẻ trong cuộc nếu bộ ba kia chơi bài với nhau.

Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên.

Trong thời gian chỉ rất ngắn, Trung Quốc đã xua tan được hết mọi bình phẩm hay dị nghị là đã bị gạt ra ngoài lề tiến trình hòa dịu và đối thoại đang diễn ra giữa Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ. Sau chuyến công du Trung Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà kết quả, ít nhất thì cũng theo những biểu lộ công khai ở cả phía Triều Tiên lẫn phía Trung Quốc, là mối quan hệ song phương giữa hai nước láng giềng này lại tốt đẹp, gắn bó và tin cậy như xưa, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc lần đầu tiên sau 11 năm tới thăm Triều Tiên. Ông Kim Jong-un đi Bắc Kinh trước cuộc cấp cao liên Triều lần thứ 3 diễn ra ngày 27.4 vừa qua ở Bàn Môn Điếm.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tới Triều Tiên sau sự kiện lịch sử kia và trước sự kiện lịch sử tiếp theo là cuộc thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên. Nhiều khả năng sau cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump thì chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đi thăm Triều Tiên. Mối quan hệ song phương giữa Triều Tiên và Trung Quốc không chỉ sôi động hẳn lên mà còn có được những động lực và bước phát triển quan trọng mới.

Và Trung Quốc xác lập vai trò cũng như phần của Trung Quốc trong quá trình hòa giải và đối thoại hòa bình giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ. Triều Tiên đã chọn đúng thời điểm thích hợp nhất để chơi "con bài Trung Quốc" trong chuyện quan hệ của nước này với Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ bằng cách chủ động khôi phục lại mức độ quan hệ xưa với Trung Quốc và để cho Mỹ và Hàn Quốc thấy là Triều Tiên được Trung Quốc hậu thuẫn trong những gì đang diễn ra ở khu vực.

Còn Trung Quốc dùng Triều Tiên để không cần phải trực tiếp tham cuộc nhưng luôn có được vị thế của kẻ đứng ngoài nếu ba nước kia chơi cờ với nhau và của kẻ trong cuộc nếu bộ ba kia chơi bài với nhau.

Lợi ích buộc Trung Quốc và Triều Tiên phải như vậy. Mọi thỏa thuận giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc đều có tác động trực tiếp đến Trung Quốc về mọi phương diện và như thế động chạm đến lợi ích chiến lược của Trung Quốc, đặc biệt về chính trị an ninh, cụ thể là giải pháp cho vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, chuyện đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và Hàn Quốc, triển vọng quan hệ của Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc, hiệp ước hòa bình cho bán đảo Triều Tiên cũng như khả năng tái thống nhất hai miền trên bán đảo này. Đối với Triều Tiên, Trung Quốc sẽ là một trong những tác nhân quyết định giúp đảm bảo Mỹ và Hàn Quốc thực hiện những gì thỏa thuận với Triều Tiên trong hòa đàm.

Hay nói theo cách khác, để thực hiện hòa giải và hòa bình với Mỹ và Hàn Quốc, Triều Tiên càng cần phải dựa cậy vào Trung Quốc. Dẫu có thực hiện được hòa giải và hòa bình với Hàn Quốc và Mỹ thì Triều Tiên vẫn sẽ còn cần không ít thời gian để có được đủ mức độ tin cậy lẫn nhau cần thiết giữa ba đối tác này. Ở Bàn Môn Điếm, ông Kim Jong-un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đạt được những thỏa thuận mà cả Mỹ lẫn Trung Quốc chỉ có thể hài lòng. Ông Trump ở phía Mỹ cũng không thể không ý thức được là kết quả cuộc gặp tới đây với ông Kim Jong-un phải có lợi cho Mỹ nhưng không thể bất lợi cho Trung Quốc và Hàn Quốc. Vậy nên ở đây, không chỉ có kẻ trong cuộc chơi mà còn có cả kẻ ở ngoài nữa cùng quyết định kết cục cuối cùng của cuộc chơi.

Lư Phổ Ân

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/trung-quoc-co-ngoai-bai-trong-872830.html