Trung Quốc có lãnh đạo siêu cơ quan mới

Quốc hội Trung Quốc đã bầu ra nhiều nhân vật lãnh đạo mới trong bộ máy chính quyền, bao gồm cả quân ủy trung ương và 'siêu cơ quan' chống tham nhũng mới.

Nhiều gương mặt lãnh đạo mới trong các cơ quan chủ chốt của bộ máy chính quyền Trung Quốc (TQ) đã được Quốc hội nước này bầu lên vào ngày 18-3.

Thuyền trưởng “siêu cơ quan” chống tham nhũng

Ông Dương Hiểu Độ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (CCDI) Đảng Cộng sản TQ (CPC), đã bất ngờ được bầu vào vị trí lãnh đạo “siêu cơ quan” chống tham nhũng là Ủy ban Giám sát quốc gia (NSC). Trước đó từng có các đồn đoán rằng ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị CPC và là Chủ nhiệm CCDI, sẽ được bầu vào chiếc ghế lãnh đạo “siêu cơ quan” chống tham nhũng mới thành lập này.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), ông Dương là người gốc ở Thượng Hải nhưng trải qua gần 25 năm công tác tại khu vực Tây Tạng, sau đó mới trở về quê nhà làm việc. Năm 2007, ông có cơ hội làm việc cùng ông Tập Cận Bình khi đó là bí thư Thành ủy Thượng Hải. Ông Dương nhanh chóng thăng tiến tại “trái tim” tài chính của TQ và được chỉ định là phó chủ nhiệm CCDI năm 2014. Ông cũng từng giữ chức vụ bộ trưởng Bộ Giám sát và lãnh đạo Cục Phòng, chống tham nhũng quốc gia. Cả hai cơ quan này đã được giải thể và sáp nhập vào “siêu cơ quan” NSC.

Ông Dương Hiểu Độ, Phó Chủ nhiệm CCDI, được bầu làm lãnh đạo của cơ quan chống tham nhũng mới của Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Ông Dương Hiểu Độ, Phó Chủ nhiệm CCDI, được bầu làm lãnh đạo của cơ quan chống tham nhũng mới của Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

NSC được thống nhất với CCDI và nhiều cơ quan chống tham nhũng khác của chính phủ TQ với quyền lực và vị thế cao chưa từng có tiền lệ. Cơ quan này được đánh giá là ngang hàng với nội các, được giám sát trực tiếp bởi Quốc hội TQ và có vị thế cao hơn Tòa án Tối cao và VKS Tối cao TQ. Dự luật về hoạt động của NSC sẽ được đưa ra biểu quyết tại Quốc hội TQ vào ngày mai, 20-3. Một nội dung gây tranh cãi lớn trong dự luật là điều khoản cho phép NSC có quyền không cho các nghi phạm tham nhũng tiếp xúc với luật sư, theo SCMP.

2.964 đại biểu Quốc hội TQ ủng hộ đề xuất ông Lý Khắc Cường tái đắc cử chức vụ thủ tướng TQ. Chỉ có hai phiếu chống.

Lãnh đạo quân ủy trung ương được ông Tập tin cậy

Quốc hội TQ ngày 18-3 cũng đã chính thức bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Ban Thường vụ CPC về hai phó chủ tịch của Quân ủy Trung ương (CMC), cơ quan lãnh đạo hàng đầu của Quân đội giải phóng nhân dân TQ (PLA). Theo đó, hai phó chủ tịch CMC sẽ là ông Hứa Kỳ Lượng, Thượng tướng không quân và ông Trương Hựu Hiệp, Thượng tướng nguyên là chủ nhiệm Tổng bộ Trang bị, phụ trách việc mua sắm và phát triển vũ khí khí tài.

Hai nhân vật này đều có mối quan hệ thân thiết với nhà lãnh đạo TQ Tập Cận Bình. Theo tờ SCMP, ông Hứa Kỳ Lượng từng làm việc cùng ông Tập trong giai đoạn đầu thập niên 1990, khi ông Tập là bí thư Thành ủy Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Ông Hứa và ông Tập đã có mối quan hệ bằng hữu hơn ba thập niên.

Trong khi đó, ông Trương Hựu Hiệp được đánh giá là người được ông Tập tin tưởng nhất trong CMC. Cả hai người đều có xuất thân từ tỉnh Thiểm Tây. Quan hệ giữa gia đình hai bên vô cùng thân thiết. Cha của ông Tập và ông Trương từng cùng chiến đấu trong Sư đoàn quân Đông Bắc của PLA vào năm 1947, theo SCMP.

Ông Lý Khắc Cường tái đắc cử

Ông Lý Khắc Cường đã tái đắc cử chức vụ thủ tướng, tiếp tục có thêm nhiệm kỳ thứ hai kéo dài năm năm. Trả lời hãng tin AFP, nhiều chuyên gia cho rằng sức ảnh hưởng của ông Lý sẽ không còn đậm nét đối với nền kinh tế TQ. Ông Jonathan Sullivan, Giám đốc Viện Chính sách TQ tại ĐH Nottingham (Anh), đánh giá ông Lý đã “bị đẩy khỏi vị thế truyền trưởng chính sách kinh tế như truyền thống của các thủ tướng”. Trả lời AFP, ông Sam Crane, chuyên gia về lịch sử TQ tại ĐH Williams (Mỹ), cho rằng ông Lý Khắc Cường vẫn duy trì sức ảnh hưởng đối với chính sách kinh tế quốc gia nhưng phải trên nền tảng nhìn nhận ông Tập Cận Bình là lãnh đạo cao nhất đối với các chính sách kinh tế.

TRUNG NHÂN

Nguồn PLO: http://plo.vn/quoc-te/trung-quoc-co-lanh-dao-sieu-co-quan-moi-760255.html