Trung Quốc có cả kịch bản chiến tranh ngắn ngày với Mỹ

Việc không quân Quân đội nhân dân Trung Quốc (PLAAF) lần đầu tiên đem máy bay ném bom đến đảo nhân tạo xây trái phép trên Biển Đông, là nhằm khẳng định Trung Quốc có quyền kiểm soát vùng biển này và không thể thương lượng gì cả.

Máy bay ném bom H-6 K bay tập - Ảnh: SCMP

Theo Newsweek, bất chấp Mỹ phản đối, việc Trung Quốc củng cố các cơ sở hạ tầng quân sự nhằm mục đích thể hiện nước này đã kiểm soát Biển Đông. Đô đốc Philip S. Davidson, chỉ huy lực lượng tác chiến của hải quân Mỹ, đã nói: “Trung Quốc nay có thể kiểm soát Biển Đông, với tất cả các kịch bản chiến tranh ngắn ngày với Mỹ”.

Trong tuyên bố ngày 18.5, cơ quan báo chí PLAAF nói cuộc diễn tập được thiết kế “nhằm cải thiện khả năng vươn đến toàn bộ lãnh thổ, tiến hành không kích vào bất kỳ lúc nào và ở tất cả mọi hướng”.

Phi công PLAAF cũng tập tấn công giả lập vào các mục tiêu trên biển. BBC dẫn lời một phi công máy bay H-6K: “Cuộc tập này mài giũa tinh thần can đảm của chúng tôi, tăng cường khả năng của chúng tôi trong một cuộc chiến tranh thật sự”.

Reuters cũng đưa tin: cơ quan báo chí PLAAF nói các máy bay ném bom H-6K có thể mang bom hạt nhân, đã tập cất-hạ cánh trên nhiều đảo nhân tạo xây trái phép là một cuộc diễn tập “chuẩn bị chiến tranh ở Nam Hải”, cách Trung Quốc gọi Biển Đông.

Mạng xã hội Twitter của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng đăng video khoe một chiếc H-6K mang số hiệu 41175 cất cánh, bay và hạ cánh ở đường băng có ký hiệu 23, trên một đảo được giấu tên ở vùng biển phía nam.

Các nhà phân tích tại Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định đó là đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp), nơi duy nhất có đường băng đủ dài để chiếc H-6K hạ-cất cánh. Chiếc này có thể phóng các tên lửa hành trình đạt tầm xa 4.000 km.

Lầu Năm Góc lập tức có phản ứng. Người phát ngôn Christopher Logan nói: Mỹ giữ cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do, nhưng động thái tiếp tục quân sự hóa những thực thể tranh chấp của Trung Quốc chỉ làm tăng căng thẳng, gây bất ổn khu vực.

Nhưng Trung Quốc nói đó là lỗi của Mỹ. Hồi tháng 3. Ngoại trưởng Vương Nghị nói: “Vài thế lực bên ngoài không hài lòng với sự bình yên hiện có, toan tính gây rối và khuấy đục nước. Sự phô trương thế lực thường xuyên của họ với máy bay mang vũ khí và tàu chiến là nhân tố chính gây bất ổn khu vực”.

Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, một tuyến đường hàng hải chiến lược trị giá 3 ngàn tỉ USD/năm và giàu nguồn cá. Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines và Đài Loan cũng tuyên bố có chủ quyền lãnh hải ở vùng biển này.

Mỹ cũng đã đưa tàu chiến, máy bay đến Biển Đông, mở các cuộc tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải, nhằm khẳng định quan điểm của Mỹ rằng Biển Đông nằm trong các đường biển quốc tế.

Trung Quốc cũng đã xây trái phép 7 đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, và chuyển chúng thành những chốt quân sự có cả dàn radar, đường và hệ thống phòng thủ tên lửa.

Bắc Kinh nói các cơ sở quân sự trên quần đảo Trường Sa chỉ nhằm phòng thủ, và "Trung Quốc có thể làm bất kỳ điều gì trên lãnh thổ nước mình". Chính sự hiện diện quân sự này đã khiến Bắc Kinh có thể kiểm soát Biển Đông.

Theo trang Asia Times, Biển Đông có thể trở thành lò lửa chiến tranh, do Trung Quốc châm lửa trước khi Bắc Kinh vi phạm lãnh hải và quyền lợi của các quốc gia có Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở Biển Đông.

Trung Quốc “tự vẽ bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn” để đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Nhưng tháng 7.2016, Tòa án Trọng tài quốc tế The Hague đã xử Philippines thắng Trung Quốc trong vụ kiện yêu sách Biển Đông.

Đáng tiếc là không có cơ chế nào buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết.và hiện các nghị sĩ Philipines đã chỉ trích Tổng thống Rodrigo Duterte không dám đối đầu với Bắc Kinh, chỉ vì ông muốn lập tình bạn với Trung Quốc.

Nay thì có lẽ mọi sự đã quá trễ, khó thể tưởng tượng chuyện Bắc Kinh sẽ rút khỏi các cơ sở quân sự đã có để kiểm soát vùng biển này. Chúng có tên lửa đất đối không (SAM) và tên lửa đạn đạo chống hạm (ACBM) cùng các dàn radar...

SAM là mối đe dọa các chiến đấu cơ và máy bay ném bom, ACBM dùng để chặn các tên lửa hành trình phóng từ trên biển hoặc từ máy bay, nên tấn công các cơ sở này nay là một thách thức quân sự lớn lao.

Bảo Vĩnh (theo Newsweek)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/dien-bien-bien-dong-c-124/trung-quoc-co-ca-kich-ban-chien-tranh-ngan-ngay-voi-my-88535.html