Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại dài hơi với Mỹ

Có những dấu hiệu cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ.

 Trung Quốc đang phát đi thông điệp sẵn sàng đương đầu một cuộc chiến thương mại dài hơi với Mỹ. Ảnh: equity.guru

Trung Quốc đang phát đi thông điệp sẵn sàng đương đầu một cuộc chiến thương mại dài hơi với Mỹ. Ảnh: equity.guru

Giữa lúc cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung leo thang, những bộ phim kinh điển về cuộc chiến tranh chống Mỹ, trợ giúp Triều Tiên của chí nguyện quân Trung Quốc vào thập niên 1950 tái xuất hiện vào khung giờ vàng của kênh phim truyện Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV-6). Việc công chiếu các bộ phim này nằm ngoài kế hoạch, buộc nhà đài phải hoãn chiếu các bộ phim thường ngày.

Giải thích cho sự thay đổi đột ngột này, kênh phim truyện này thông báo: "Chúng tôi đang phản chiếu hiện tại bằng cách sử dụng nghệ thuật phim ảnh".

Theo nhận định của giới phân tích, đây là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc phát đi ẩn ý rằng nước này đang chuẩn bị cho cuộc xung đột thương mại kéo dài với Washington. Không chấp nhận các điều khoản “ê chề” mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đòi hỏi, Bắc Kinh phải thực hiện để chấm dứt cuộc chiến thuế đã kéo dài một năm nay.

Chủ tịch Tập Cận Bình đang sẵn sàng dẫn dắt đất nước bước vào một cuộc xung đột thương mại toàn diện với cường quốc kinh tế và công nghệ số một thế giới giống như cách mà lãnh đạo Mao Trạch Đông đã gửi chí nguyện quân sang Triều Tiên để chống lại các lực lượng quân sự Mỹ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên đẫm máu, kéo dài bốn năm vào thập niên 1950.

Một nguồn tin nắm rõ các cuộc thảo luận chính trị ở Bắc Kinh nói: “Nếu phần lớn nội dung thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung là Trung Quốc phải thực hiện điều này, phải làm điều kia, đó là chuyện hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với dư luận trong nước”.

Giống như quyết định can dự vào cuộc chiến tranh Triều Tiên của lãnh đạo Mao Trạch Đông, thoạt nhìn, sự lựa chọn của ông Tập dường như có phần mạo hiểm. Cách đây 60 năm, đội quân chí nguyện Trung Quốc với trang bị vũ khí nghèo nàn đã phải đối mặt với lực lượng quân sự Mỹ vượt trội về công nghệ vũ khí ở Triều Tiên.

Ngày nay, nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ lớn hơn mức nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu sang nước này. Sau 30 năm tăng trưởng ở mức gần hai con số, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tiến vào giai đoạn giảm tốc, dẫn đến những lo ngại ngày càng gia tăng trong tầng lớp trung lưu và các doanh nghiệp tư nhân về sự ổn định xã hội và chính sách đặt trọng tâm vào các doanh nghiệp nhà nước của ông Tập. Trái lại, nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh mẽ hơn những năm trước đây.

Bằng cách triển khai lực lượng khổng lồ và chấp nhận mức độ thương vong lớn hơn trước hỏa lực vượt trội của quân Mỹ, chí nguyện quân Trung Quốc đã chiến đấu chống quân Mỹ ở Triều Tiên cho đến khi cả hai bên rơi vào bế tắc và dẫn đến hiệp định đình chiến chia cắt hai miền Triều Tiên.

Trong khi đó, ông Tập tin rằng ông có thể lãnh đạo một cuộc đấu tranh thành công với sự tham gia của toàn xã hội trong cuộc tranh chấp thương mại với Mỹ.

Các quan chức Trung Quốc tin rằng nhà lãnh đạo của họ có hai lợi thế rõ ràng so với Tổng thống Donald Trump trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến thương mại. Trước hết, đó là kiểm soát bộ máy nhà nước mà ông Trump chỉ có thể mơ tưởng hoặc bày tỏ trên Twitter.

Các cơ quan Mỹ, chẳng hạn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hay Hạ viện Mỹ đang cự tuyệt sức ép của Tổng thống Trump về các yêu cầu thay đổi chính sách. Trong khi đó, ông Tập chỉ cần ra chỉ thị, ngay lập tức, chính phủ, quốc hội, truyền thông và hệ thống ngân hàng của Trung Quốc sẽ tuân thủ theo.

Tổng thống Trump, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ, Larry Kudlow, thường phải lên tiếng “cổ vũ” thị trường chứng khoán Mỹ. Trong khi đó, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh nắm trong tay “một biệt đội quốc gia” ở các công ty chứng khoán nhà nước, các ngân hàng nhà nước, các tập đoàn nhà nước khổng lồ và sẵn sàng yêu cầu họ mua vào cổ phiếu để nâng đỡ thị trường chứng khoán khi cần thiết.

Khi chỉ số Shanghai Composite giảm gần 6% xuống mức 2.906 điểm vào ngày 6-5, một ngày sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ tăng thuế với 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, các nguồn tin nắm rõ phản ứng của chính phủ Trung Quốc cho biết, “biệt đội quốc gia” đã nhận được mệnh lệnh neo giữ chỉ số này không để tuột xuống dưới mức 2.900 điểm. Ngày hôm sau đó, chỉ số Shanghai Composite phục hồi.

Lợi thế thứ hai của ông Tập là bộ máy truyền thông nhà nước.

Khi danh sách các yêu cầu trong đàm phán thương mại mà Mỹ đặt ra cho Trung Quốc bị rò rỉ vào tháng 5 năm ngoái, người dân Trung Quốc đã phẫn nộ. Friedrich Wu, Giáo sư ở Đại học Công nghệ Nam Dương (Singapore) cho biết nhiều người dân Trung Quốc cảm thấy đây giống như là một danh sách yêu cầu trong một thỏa thuận đầu hàng mà Mỹ buộc Trung Quốc phải chấp nhận.

Giáo sư Friedrich Wu nói: “Đó giống như sự quay trở lại thế kỷ 19 khi các cường quốc phương Tây và Nhật Bản áp đặt tất cả các điều khoản trong các điều ước bất công với triều đình nhà Thanh đang yếu thế. Nếu giờ đây xảy ra sự chia tách giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận. Người dân Trung Quốc có thể chịu đựng nỗi đau tốt hơn người Mỹ”.

Trong khi đó, Tổng thống Trump phải đương đầu với các lực lượng cử tri quyền lực từ nông dân, Phố Wall, nhà bán lẻ cho đến người tiêu dùng và báo chí vốn đang phàn nàn về các tổn thất của Mỹ do cuộc chiến thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc và nghi ngờ sự ngôn khoan trong chiến lược của ông.

Theo Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/289152/trung-quoc-chuan-bi-cho-cuoc-chien-thuong-mai-dai-hoi-voi-my.html