Trung Quốc 'chữa bệnh' TNGT nhờ... dịch tễ học

Ai cũng biết rằng, công việc của các chuyên gia dịch tễ học là tìm kiếm các biện pháp chống lại những căn bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, các nghiên cứu dịch tễ học lại được ứng dụng để giải quyết một vấn đề cộng đồng khác: TNGT đường bộ - một 'căn bệnh' không lây nhiễm nhưng cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người mỗi năm.

Cách tiếp cận dịch tễ học giúp sàng lọc các lái xe có khả năng cao gây tai nạn

Cách tiếp cận dịch tễ học giúp sàng lọc các lái xe có khả năng cao gây tai nạn

TNGT nghiêm trọng giảm 90% nhờ dịch tễ học

Thời kỳ cải cách và mở cửa cuối những năm 1970 tại Trung Quốc đã giúp nền kinh tế quốc gia này tăng trưởng nhanh chóng, kéo theo sự phát triển bùng nổ của thị trường ô tô. Hệ quả là TNGT gia tăng đáng kể. Ông Wannian Liang - chuyên gia dịch tễ học thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, kể từ năm 1990, Trung Quốc đang dần vươn lên đứng đầu thế giới về tỷ lệ tử vong do giao thông. Năm 2018, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã ghi nhận hơn 64.000 ca tử vong do tai TNGT.Vào những năm 1980, chuyên gia dịch tễ học người Trung Quốc Huiqing Jin đã tiên phong trong việc thực hiện các nghiên cứu dịch tễ về tai nạn xe hơi. Nhà nghiên cứu Shenyong Wang của Đại học Tế Nam cùng các cộng sự của mình đã tiếp thu và phát triển những nghiên cứu liên quan nhằm hiểu rõ hơn về cách thức, nguyên nhân những tai nạn xảy ra, từ đó đề xuất những chính sách Chính phủ cần ban hành để cải thiện sức khỏe cho lái xe và hành khách. Những thành tựu nghiên cứu của họ là cơ sở để Luật ATGT đường bộ đầu tiên của Trung Quốc được thông qua vào năm 2003, từ đó giúp hạn chế sự gia tăng nhanh chóng số TNGT và số ca tử vong ở Trung Quốc. “Số vụ TNGT nghiêm trọng, tức là dẫn đến tử vong hoặc tàn tật, giảm từ 49 vụ/năm trước năm 2008 xuống còn 2 vụ vào năm 2019, tức là hơn 90%”, ông Wannian Liang cho biết.Cách tiếp cận để phòng ngừa và kiểm soát các vụ va chạm giao thông lớn của Trung Quốc được so sánh với phương pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch Covid-19 mà đất nước tỷ dân này đã thực hiện. Trung Quốc đã triển khai một chương trình cải thiện sức khỏe cộng đồng gồm hàng loạt biện pháp như: sàng lọc người lái xe, kiểm tra phương tiện và kiến thức pháp luật giao thông, cũng như cải thiện các công nghệ giám sát camera đường phố. Nỗ lực phối hợp này đã đạt được những kết quả đáng kể và trở thành sáng kiến cho các quốc gia khác học hỏi và áp dụng.

Dịch tễ học đã làm như thế nào?

Từ đầu những năm 1990, công trình nghiên cứu của chuyên gia dịch tễ học Huiquing Jin - Viện trưởng Viện Phòng chống tai nạn Sanlian đã được vận dụng để đưa ra các giải pháp nhằm thay đổi thói quen của những người lái xe có nguy cơ cao gặp TNGT. Ông Jin coi TNGT như một căn bệnh có thể chữa khỏi. Nhóm nghiên cứu của ông đã đề xuất một lý thuyết mang tên “Ba tuyến phòng ngự”, dựa trên hiểu biết của họ về các đặc điểm hành vi tâm sinh lý khiến người lái xe mắc lỗi gây ra tai nạn để xây dựng hệ thống an toàn đường bộ của đất nước. Lý thuyết này gồm 3 bước. Bước đầu tiên, cơ quan chức năng sẽ sàng lọc, xác định những người lái xe dễ gây tai nạn thông qua các bài kiểm tra thị lực và mức độ tỉnh táo. Bước hai, những người lái xe kém sẽ được đào tạo để cải thiện năng lực của họ. Bước ba, chính quyền địa phương sẽ lắp đặt camera tại các “điểm nóng” về TNGT để giúp CSGT theo dõi các hành vi lái xe bất thường, xử phạt hoặc thực hiện các phản ứng khẩn cấp sau tai nạn. Hệ thống này được triển khai thí điểm vào năm 2006 tại Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông. Kết quả chứng minh được phương pháp này có hiệu quả trong việc hạn chế các nhóm nguy cơ cao và ngăn ngừa tai nạn xảy ra từ đầu. Sau đó, nhiều địa phương khác cũng bắt đầu triển khai phát triển các sáng kiến giảm tỷ lệ TNGT dựa trên các nghiên cứu dịch tễ học. Ví dụ, một nghiên cứu tại Trùng Khánh (thành phố lớn ở miền núi Tây Nam Trung Quốc) đã chỉ ra hầu hết các vụ TNGT dẫn đến hơn 3 người chết tại đây đều liên quan đến ô tô rơi khỏi vách đá. Năm 2003, một nhóm chuyên gia nghiên cứu dịch tễ học về thương tích đã đề xuất một dự án an toàn đường bộ. Theo đó, các rào chắn va chạm được lắp đặt trên tất cả các con đường có độ chênh lệch giữa mặt đường và chân vách đá lớn hơn 3 m. Sau khi thực hiện dự án, tỷ lệ tai nạn nghiêm trọng của thành phố đã giảm đáng kể, qua đó giúp lan tỏa phong trào sáng kiến an toàn đường bộ trên toàn quốc do Chính phủ Trung Quốc phát động. Phong trào này thậm chí còn lan sang cả các quốc gia khác. Nhà dịch tế học Tanigawa Takeshi đến từ Đại học Juntendo, Tokyo, Nhật Bản đã có công trình nghiên cứu về chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là nguyên nhân quan trọng gây ra TNGT trong 15 năm qua. Ông đánh giá, trong khi các nước công nghiệp phát triển khác ban đầu đầu tư nguồn lực đáng kể vào việc cải thiện phương tiện và đường sá nhưng lại ít chú ý đến người điều khiển phương tiện thì cách tiếp cận dịch tễ học lại cho thấy hiệu quả cao và tiết kiệm được chi phí.“Nhóm của Jin đã tạo ra một cơ sở dữ liệu về các hành vi lái xe xấu, phân loại các hành vi này và xây dựng một mô hình cho các vụ tai nạn do những nguyên nhân ấy gây ra. Từ đó, bạn có thể có được các thông số chính của “bệnh” và phát triển các biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát nó”, Takeshi nói.

Minh Phương (tổng hợp)

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/trung-quoc-chua-benh-tngt-nho-dich-te-hoc-d89286.html