Trung Quốc chống chọi mùa mai vũ lịch sử, đập Tam Hiệp bị thử thách

Mùa mưa hè năm nay đến sớm và có cường độ lớn hơn mọi năm, khiến mực nước nhiều sông hồ vượt mức báo động, gây ngập lụt diện rộng.

 Mưa lớn liên tục ở miền Trung và miền Nam Trung Quốc những tuần qua đã gây ra lũ lụt trên diện rộng, nghiêm trọng nhất nhiều thập kỷ. Ảnh trên là cảnh ngập lụt tại cổ trấn Hạ Tư thuộc tỉnh Quý Châu. Ảnh: AP.

Mưa lớn liên tục ở miền Trung và miền Nam Trung Quốc những tuần qua đã gây ra lũ lụt trên diện rộng, nghiêm trọng nhất nhiều thập kỷ. Ảnh trên là cảnh ngập lụt tại cổ trấn Hạ Tư thuộc tỉnh Quý Châu. Ảnh: AP.

Mùa mưa hè, hay còn gọi là "mai vũ" (meiyu), năm nay đến sớm hơn cũng như mang lại lượng mưa lớn hơn mọi năm, khiến mực nước nhiều sông hồ trong lưu vực Trường Giang phá kỷ lục lịch sử. Nhiều đập thủy điện xả lũ để kiểm soát mực nước, như đập Phật Tử Lĩnh tại An Huy trong ảnh. Ảnh: AP.

Tính từ đầu tháng 6, mưa lũ đã ảnh hưởng hơn 45 triệu người ở 27 tỉnh thành Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 116 tỷ nhân dân tệ (16,5 tỷ USD). Ảnh: AP.

Theo Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc, 142 người đã chết hoặc mất tích, trong khi 35.000 ngôi nhà bị sập do mưa lũ, tính đến ngày 23/7. Ảnh: AP.

Sạt lở đất do mưa lớn đã làm hư hỏng một con đường đi qua quận Kiềm Giang, thành phố Trùng Khánh, thượng nguồn sông Trường Giang. Ảnh: Reuters.

Thành phố Vũ Hán, nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong dịch Covid-19 tại Trung Quốc, vẫn đang chật vật khôi phục sản xuất thì gặp phải lũ lụt nghiêm trọng. Trong ảnh, nước sông Trường Giang dâng cao và tràn bờ tại Vũ Hán, làm ngập gần nóc một công trình ven sông. Ảnh: Reuters.

Giang Tây, nơi có hồ Bà Dương - hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Trung Quốc, là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Ảnh: Reuters.

Hơn 100 con đê xung quanh hồ Bà Dương và dọc sông Trường Giang ở Giang Tây đã bị vỡ hoặc bị rò rỉ do mưa lũ trong tháng 7. Ảnh: Reuters.

Nhiều địa phương nâng mức ứng phó với lũ lên mức cao nhất, bước vào "chế độ thời chiến". Ảnh: AP.

Cây cầu 800 năm tuổi ở huyện Vụ Nguyên, tỉnh Giang Tây, bị phá hủy một phần do áp lực của nước lũ. Ảnh: AP.

Đập Tiểu Lãng Để, đập thủy điện lớn nhất trên sông Hoàng Hà, xả lũ sau nhiều ngày mưa lớn. Ảnh: AP.

Vấn đề an toàn của đập Tam Hiệp, công trình thủy điện lớn nhất thế giới nằm trên sông Trường Giang, lại được hâm nóng. Ảnh: Xinhua.

Tập đoàn Tam Hiệp, đơn vị quản lý và vận hành công trình, liên tục bác bỏ những "tin đồn" rằng đập bị biến dạng, thậm chí có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào, cũng như khẳng định khả năng chống lũ của đập. Ảnh: AFP.

Mực nước sông Trường Giang tại Nam Kinh cao hơn mức báo động, khiến thành phố kích hoạt ứng phó ở mức cao nhất. Ảnh: AP.

Quan Âm Các, công trình nổi tiếng nằm giữa sông Trường Giang đoạn chảy qua Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc, bị nước lũ tràn vào. Ảnh: AP.

Công nhân sửa chữa một con đường bị phá hủy bởi nước lũ ở Hợp Phì, tỉnh An Huy. Ảnh: AP.

Các đơn vị quân đội, bán vũ trang được cử đến hộ đê, cứu hộ cứu nạn tại nhiều nơi. Ảnh: AP.

Nước lũ rút, Trung Quốc khử trùng để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát Cơ quan y tế tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) tiến hành khử trùng thị trấn Bà Dương và thành phố Thượng Nhiêu để ngăn chặn dịch Covid-19 có thể bùng phát.

Đông Phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-chong-choi-mua-mai-vu-lich-su-dap-tam-hiep-bi-thu-thach-post1111405.html