Trung Quốc chiêu mộ nhân tài công nghệ

Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (giai đoạn 2021-2025), Trung Quốc cho thấy quyết tâm tăng cường tham vọng trở thành nước đi đầu trong đổi mới khoa học và công nghệ. Trong đó, chiêu mộ nhân tài ở trong lẫn ngoài nước sẽ là một mục tiêu quan trọng.

Chuyên gia Trung Quốc làm việc tại một công ty công nghệ Mỹ. Ảnh: The Hill

Chuyên gia Trung Quốc làm việc tại một công ty công nghệ Mỹ. Ảnh: The Hill

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 nhấn mạnh: “Chúng ta nên thực hiện chính sách nhân tài cởi mở hơn và xây dựng nền tảng cho nghiên cứu khoa học và đổi mới, quy tụ những nhân tài xuất sắc trong và ngoài nước”. Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố, Trung Quốc sẽ nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, khơi dậy sức sáng tạo của tài năng, cải thiện hệ thống và cơ chế để thực hiện đổi mới về khoa học và công nghệ. Ông Lý cho rằng theo kế hoạch mới, Trung Quốc sẽ thúc đẩy “nhập cư khoa học và công nghệ”.

Và để vượt mặt Mỹ, Trung Quốc lợi dụng sự cởi mở và tự do học thuật của Washington thể thu hút các chuyên gia được đào tạo ở phương Tây. Theo một báo cáo của Thượng viện Mỹ, mặc dù Chương trình “Ngàn nhân tài” của Trung Quốc đang hoạt động trong âm thầm nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục triển khai chiến lược chiêu mộ nhân tài quy mô lớn, với hơn 200 kế hoạch được đặt ra.

Thật ra, chiến lược thu hút tài năng phương Tây của Trung Quốc đã được đưa ra kể từ khi nước này thành lập hồi giữa thế kỷ trước. Bắc Kinh dùng mọi cách để thu hút người tài và gặt hái nhiều thành công. Trong số 23 cá nhân nhận huy chương quốc gia về dự án vũ trụ và hạt nhân “Hai quả bom, một vệ tinh” hồi năm 1999, 18 người là các chuyên gia được đào tạo ở phương Tây, chủ yếu là tại Mỹ.

Năm 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng dù Trung Quốc đứng đầu thế giới về số lượng các chuyên gia khoa học và công nghệ nhưng vẫn thiếu lượng lớn nhân tài khoa học và công nghệ đẳng cấp. Do đó, ông đã ưu tiên thực hiện chiến lược “cải tổ” để đạt được mục tiêu “trẻ hóa” lực lượng chuyên gia quốc gia. Ðây được xem là nỗ lực “tập hợp tất cả những bộ óc sáng suốt nhất để phục vụ Trung Quốc”. Ðến năm 2017, ông Tập yêu cầu Trung Quốc phải thu hút những bộ óc giỏi nhất từ khắp nơi trên thế giới để hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa”.

Trước đó, năm 2003, Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã khởi sướng chương trình HOME cùng với 35 tổ chức khoa học và công nghệ ở nước ngoài, tập trung chiêu mộ những người gốc Hoa. Ðến nay, HOME đã hợp tác với 96 tổ chức khoa học và công nghệ ở phương Tây. Ðáng báo động hơn đối với Mỹ khi chương trình đã đón hàng chục tài năng nước ngoài mỗi năm. Hiện chương trình thu hút được 796 nhóm khoa học và công nghệ và 2.880 cá nhân, gồm 145 người thuộc Chương trình “Ngàn nhân tài”; thiết lập 66 cơ sở trên khắp Trung Quốc và thậm chí thành lập các cơ sở ở thành phố Los Angeles và New York của Mỹ.

Tính đến năm 2019, khoảng 5,5 triệu người gốc Hoa đang sinh sống ở Mỹ, nhiều người trong số họ làm việc tại các công ty công nghệ. Ðặc biệt, hơn 300 người gốc Hoa làm việc tại các viện hàn lâm quốc gia Mỹ về khoa học, kỹ thuật, y học và nhân văn; hơn 320 giáo sư Trung Quốc công tác tại 8 trường đại học hàng đầu nước Mỹ (Ivy League); hơn 200.000 sinh viên tốt nghiệp từ 39 trường đại học xứ cờ hoa làm việc tại các công ty hoặc viện công nghệ tiên tiến. Mỗi năm, Trung Quốc tiếp tục gửi hơn 300.000 sinh viên đến Mỹ học tập.

Giới chuyên gia cho rằng Chính phủ Mỹ cần phải xây dựng một chiến lược hiệu quả hơn để chống lại cuộc chiến thu hút nhân tài của Trung Quốc, bởi một khi giành chiến thắng, Bắc Kinh sẽ có những công nghệ quan trọng họ cần để làm chủ thế giới, trong khi Washington sẽ phải chịu cảnh thua kém đối phương.

TRÍ VĂN (Theo The Hill, The Print)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/trung-quoc-chieu-mo-nhan-tai-cong-nghe-a133145.html