Trung Quốc chia rẽ về cách phản ứng vụ bắt giữ lãnh đạo Huawei

Vụ Canada bắt giữ bà Meng Wanzhou, Giám đốc tài chính toàn cầu Huawei theo yêu cầu của Mỹ, đã làm bùng lên cuộc tranh luận ở Trung Quốc về việc có nên kiềm chế để tiếp tục đàm phán thương mại với Mỹ hay trả đũa.

Nên xem vụ bắt giữ là vấn đề riêng biệt?

Giám đốc tài chính toàn cầu Huawei Meng Wanzhou (trái) tại phiên điều trần xem xét tại ngoại ở tòa án tối cao tỉnh British Columbia ở TP. Vancouver, Canada hôm 7-12. Ảnh: Reuters

Hãng tin Bloomberg đưa tin các cuộc trao đổi với bảy quan chức Trung Quốc giấu tên ở 5 bộ ngành khác nhau cho thấy sự chia rẽ giữa một nhóm ưu tiên tập trung củng cố kinh tế và một nhóm muốn đề cao an ninh quốc gia. Nhóm quan chức đầu tiên thấy rằng cần phải xem vụ bắt giữ bà Meng Wanzhou và tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung hiện nay là hai vấn đề riêng biệt, trong khi đó, nhóm quan chức thứ hai muốn đáp trả Mỹ mạnh mẽ.

Bà Meng là con gái của ông Ren Zhengfei, người sáng lập kiêm chủ tịch hãng sản xuất thiết bị viễn thông và smartphone Huawei, một trong những thương hiệu sáng giá nhất của Trung Quốc và đóng vài trò quan trọng trong các kế hoạch của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm đưa Trung Quốc thống lĩnh các công nghệ mới, chẳng hạn như các mạng lưới mạng không dây 5G.

Canada bắt giữ bà Meng tại TP. Vancouver hôm 1-12 theo yêu cầu của Mỹ. Nhà chức trách Mỹ cáo buộc bà đã sử dụng SkyCom Tech, một công ty con của Huawei ở Hồng Kông để tiến hành các giao dịch với Iran từ năm 2009 đến 2014, vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran bao gồm cấm bán công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ cho nước này. Bà Meng bị cáo buộc đã nói dối với các ngân hàng Mỹ rằng Huawei và SkyCom Tech là hai công ty riêng biệt.

Nhóm quan chức Trung Quốc ưu tiên củng cố nền kinh tế cảnh báo rằng nếu đàm phán thương mại Mỹ-Trung sụp đổ, Bắc Kinh sẽ chịu tổn thương lớn hơn nhiều so với vụ bắt giữ bà Meng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% lên 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc nếu hai nước không đạt được thỏa thuận trong vòng 90 ngày. Trong kịch bản xấu nhất, nếu ông Trump áp thuế nhập khẩu 25% với tất cả hàng hóa Trung Quốc, tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể sụt giảm 1,5 điểm phần trăm xuống mức 5% trong năm 2019, theo bộ phân tích kinh tế Bloomberg Economics.

“Vụ bắt giữ giám đốc tài chính toàn cầu Huawei không phải là một biến cố ngẫu nhiên và sẽ phủ bóng lên đàm phán thương mại Mỹ-Trung nhưng cả hai bên sẽ phải nỗ lực tránh tác động xấu đó”, Wei Jianguo, cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc và nay là Phó Chủ tịch Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc, nói.

Ông Jianguo tiết lộ các cuộc đàm phán giữa các nhóm công tác Mỹ-Trung đang diễn ra suôn sẻ, tốt hơn nhiều so với kỳ vọng của những người bên ngoài.

Kêu gọi đáp trả

Phóng viên tác nghiệp bên ngoài trụ sở tòa án ở TP. Vancouver, Canada hôm 7-12. Ảnh: Reuters

Trái lại, nhóm quan chức Trung Quốc lo ngại về an ninh quốc gia lại có cách nhìn nhận khác. Theo họ, ông Tập đã nhượng bộ quá nhiều và hình ảnh của ông có thể yếu đi trong mắt của người dân. Họ cho rằng vụ bắt giữ lãnh đạo Huawei là một chiến thuật nữa của Mỹ để gia tăng lợi thế trước Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại, vì vậy, Trung Quốc cần phải đáp trả bằng các biện pháp gây thiệt hại cho các công ty Mỹ.

Một quan chức trong nhóm này bày tỏ giận dữ về vụ bắt giữ vì người dân Trung Quốc vốn xem Huawei là niềm tự hào dân tộc. Vị quan chức này cho rằng tách bạch vấn đề Huawei khỏi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung hiện này là rất khó dù các lãnh đạo cấp cao muốn như vậy.

“Vụ bắt giữ bà Meng có nguy cơ khiến giới lãnh đạo Trung Quốc trông có vẻ bất lực trong việc tìm cách phóng thích không chỉ một công dân Trung Quốc mà còn là một lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao và con gái của một trong hình tượng doanh nhân của Trung Quốc. Tinh thần dân tộc sẽ khiến Bắc Kinh khó khăn hơn để đưa ra các nhượng bộ lớn với ông Trump”, Michael Hirson, Giám đốc châu Á ở tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, nhận định.
Trên bình diện công khai, ít nhất, Trung Quốc đang tách bạch vụ bắt giữ với các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Hôm 6-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Gao Feng nói với báo giới rằng Trung Quốc đang thực hiện các thỏa thuận đã đạt được với Mỹ về nông nghiệp, ô tô và năng lượng. Người phát ngôn cho biết trong 90 ngày tiếp theo, hai bên sẽ làm việc theo lịch trình và lộ trình rõ ràng để đàm phán những lĩnh vực mà hai bên có chung lợi ích.

Một ngày sau đó, Geng Shuang, một người phát ngôn khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ những lo ngại Trung Quốc sẽ trả đũa nhằm vào các công ty Mỹ.

“Trung Quốc luôn luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nước ngoài tại Trung Quốc nhưng họ cũng phải tuân thủ các luật lệ Trung Quốc”, Geng Shuang nhấn mạnh.

Tổng thống Trump không biết về kế hoạch bắt giữ?

Hôm 6-12, trao đổi với hãng tin Reuters, hai quan chức Mỹ nói rằng Tổng thống Donald Trump có thể không biết về kế hoạch bắt giữa bà Meng tại Canada. Một trong hai quan chức này cho biết vụ bắt giữ có thể là vấn đề riêng của Bộ Tư pháp Mỹ và không được phối hợp trước với Nhà Trắng.

Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN hôm 7-12, Giám đốc Hội đồng thương mại quốc gia Nhà Trắng nói rằng thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ-Trung và vụ bắt giữ bà Meng là hai sự kiện riêng biệt và thời điểm bắt giữ diễn ra vào ngày mà hội nghị cấp cao Mỹ-Trung được tổ chức ở Argentina chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Trong khi đó, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Nhà Trắng Larry Kudlow nói ông không tin vụ bắt giữ bà Meng sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán nhằm yêu cầu Trung Quốc gia tăng mua hàng hóa nông nghiệp và năng lượng Mỹ, giảm thuế nhập khẩu và tiến hành các thay đổi lớn trong các chính sách về tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

Ông nói vụ điều tra xem Huawei có vi phạm các lệnh trừng phạt Mỹ nhằm vào Iran hay không là một tiến trình riêng rẽ với các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Tuy vậy, cựu trợ lý Đại diện thương mại Mỹ Jeff Moon cho rằng có khả năng cao Trung Quốc sẽ trả đũa Mỹ nhằm vào các doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc vì vụ bắt giữ bà Meng. Ông nói rằng cho đến nay, Trung Quốc phản ứng chừng mực trước các đòn áp thuế leo thang của Mỹ nhưng vụ bắt giữ này khá thô bạo, có thể khiến Trung Quốc trả đũa mạnh mẽ hơn.

Hôm 8-12, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành đã triệu tập ông John McCallum, đại sứ Canada tại Bắc Kinh để cực lực phản đối vụ bắt giữa bà Meng Wanzhou. Ông Lạc Ngọc Thành xem động thái của Canada là “phớt lờ luật pháp”.

Ông kêu gọi Canada ngay lập tức phóng thích bà Meng và nghiêm túc bảo vệ các quyền chính đáng, hợp pháp của bà Meng, nếu không Canada sẽ đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng.

Hôm 7-12, bà Meng đã được đưa ra tòa án tối cao tỉnh British Columbia ở TP. Vancouver để dự phiên điều trần xem xét tại ngoại. Sau năm tiếng tranh luận, phiên điều trần tạm thời hoãn lại và sẽ tiếp tục diễn ra hôm 10-12.

Tại phiên điều trần, luật sư John Gibb-Carsley của Bộ Tư pháp Canada nói rằng bà Meng bị cáo buộc “âm mưu lừa đảo nhiều tổ chức tài chính”. Ông John Gibb-Carsley nói rằng bà Meng có thể tham gia trong âm mưu lừa các ngân hàng Mỹ để họ thực hiện các giao dịch vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. Ông nói từ năm 2009-2014, Huawei đã sử dụng công ty con ở Hồng Kông có tên gọi Skycom Tech để tiến hành giao dịch với các công ty viễn thông ở Iran. Ông nói để các ngân hàng Mỹ chấp nhận thực hiện các giao dịch này, bà Meng đã khẳng định không có mối mối liên quan trực tiếp nào giữa Huawei và Skycom Tech nhưng thực tế, Skycom Tech là “công ty con không chính thức của Huawei”.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282688/trung-quoc-chia-re-ve-cach-phan-ung-vu-bat-giu-lanh-dao-huawei.html