Trung Quốc chật vật vì phí an táng tăng nhanh hơn cả bất động sản

Thiếu đất và dân số già đang đẩy chi phí an táng leo thang tại Trung Quốc, buộc chính quyền vào cuộc với một loạt biện pháp từ thắt chặt quy định đến tìm cách mai táng mới.

Tại Trung Quốc, chết cũng đắt đỏ. Theo South China Morning Post, quỹ đất thiếu đi kèm với dân số già đẩy chi phí cho việc an táng người đã khuất tăng mạnh.

Tại một số thành phố lớn, mức giá đất mộ thậm chí còn tăng nhanh hơn giá bất động sản, buộc chính quyền phải đề ra quy định mới nhằm kiểm soát tình hình.

Giới hạn diện tích ô chứa bình tro

Thay đổi chính trong luật hiện hành là giới hạn diện tích không gian chứa những bình đựng tro hỏa táng. Các khu để tro có thể có tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hộc trống dành cho các bình đựng hài cốt. Đây là nơi an nghỉ cuối cùng được nhiều người dân Trung Quốc đại lục lựa chọn.

Tại thành phố phát triển như Thượng Hải, giá trung bình cho một ngăn đựng bình tro tăng khoảng 40% lên tới hơn 100.000 nhân dân tệ (14.556 USD) từ nửa đầu năm 2015 đến nay. Trong khi đó, chỉ số giá nhà đất chính thức tại 70 thành phố Trung Quốc tăng 23% cùng kỳ.

Năm 2015, hơn 80% nghĩa trang ở Thượng Hải đã hết chỗ. Hiện chỉ khoảng 10 nơi còn có thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong vòng 20 năm nữa, 100 hecta đất nghĩa trang dự kiến cũng sẽ cạn kiệt.

Nhà để tro cốt ở Nghĩa trang Cách mạng Bát Bảo Sơn, Bắc Kinh. Ảnh: SCMP.

Nhà để tro cốt ở Nghĩa trang Cách mạng Bát Bảo Sơn, Bắc Kinh. Ảnh: SCMP.

Giáo sư Qiao Kuanyuan tại Đại học Khoa học và Công nghệ Thượng Hải, chuyên gia nghiên cứu về mai táng, nhận định chính quyền cần thiết lập các quy định mới để tận dụng quỹ đất hạn chế đang được sử dụng cho nghĩa trang và nhà để tro.

“Đó là một vấn đề xã hội lớn - chính phủ phải lên kế hoạch cẩn thận để đảm bảo tất cả người đã mất đều có nơi an nghỉ”, ông nói. “Vấn đề then chốt nằm ở phương pháp sử dụng đất cho người đã khuất một cách tiết kiệm”.

Tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, khu để tro cốt trung bình đưa ra giá khoảng 30.000 tệ (hơn 4.000 USD) cho một ngăn chứa. Chi phí tại Bắc Kinh thậm chí còn gấp đôi.

Hiện tại, các ô trung bình thường chiếm từ hơn 0,5 tới 1 m2. Một số phần mộ cao cấp dành cho cả gia đình có thể rộng tới vài m2 và giá cho một khu như vậy lên tới 500.000 tệ (khoảng 73.000 USD).

Tuy nhiên, đầu tháng 9, Bộ Nội vụ đã công bố bản dự thảo sửa đổi các quy định về mai táng, giới hạn kích thước hộc trống cho mỗi bình đựng tro là 0,5 m2.

Các gia đình Trung Quốc thường coi nơi đặt bình tro là đền thờ để thăm viếng. Ảnh của người đã khuất, hoa và lễ vật cũng được đặt ở những nơi này để lưu giữ ký ức về người thân quá cố.

"Cơ hội vàng" cho dịch vụ mai táng

Song song với việc đưa ra những biện pháp mới, Bộ Nội vụ một lần nữa nhấn mạnh những quy định hiện hành và cảnh báo các nhà cung cấp dịch vụ mai táng có dấu hiệu vi phạm. Bộ cho biết sẽ tăng cường giám sát các công trình, quản lý nghĩa trang và xử phạt các nhà cung cấp dịch vụ bất hợp pháp.

Theo luật, việc mua bán ô chứa bình tro được kiểm soát chặt chẽ và người thân trong gia đình chỉ có thể mua một ngăn từ các nhà cung cấp có giấy phép. Việc bán trước chỗ cho người còn sống là trái phép và người mua cũng không được chuyển nhượng.

Dẫu vậy, quy định hiện hành không ngăn được tình trạng các cơ sở để tro cốt chưa được cấp phép mọc lên nhằm lợi dụng sự thiếu đất trầm trọng và trục lợi từ hoạt động mua bán mộ phần được xây bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, còn nhiều quan ngại về tính hiệu quả của các quy định sửa đổi. Một số nhà phân tích tin rằng việc giới hạn diện tích cho mỗi hũ tro không thể giải quyết vấn đề thiếu đất về lâu dài.

Người thân trong gia đình thường coi nơi để tro cốt là nơi thờ cúng. Ảnh: SCMP.

“Nhà để tro cốt vẫn được người Trung Quốc coi là nơi tốt nhất dành cho người đã khuất”, theo Jiao Bing, giám đốc điều hành công ty Quản lý Đầu Tư Tập trung.

“Chính quyền cần dạy các thế hệ tiếp theo cách sử dụng những biện pháp chôn cất khác để tưởng nhớ người đã mất”, ông Bing ủng hộ cải cách mai táng tại đại lục.

Ông cho biết đa số người già vẫn trân trọng truyền thống lâu đời là được cất giữ hài cốt và “họ cần được toại nguyện, nhưng đối với những thế hệ sau, khi được giáo dục nhiều hơn, họ sẽ hiểu rằng một khu vực lưu giữ tro là không cần thiết”.

Tại Trung Quốc, thiên táng và địa táng chỉ được phép tại những khu vực được định rõ, ví dụ như nông thôn vùng xa không có cơ sở hỏa táng.

Chính phủ cũng khuyến khích hải táng và xây dựng nhà để tro cốt nhiều tầng nhằm xoa dịu cơn khủng hoảng đất. Tuy nhiên, những phương án này nhằm thay thế hỏa táng vẫn không được lòng nhiều người.

Dân số già và tình trạng thiếu quỹ đất đẩy giá đất an nghỉ cho người đã khuất tăng cao. Ảnh: Reuters.

Trong lúc đó, Wang Jisheng, chủ tịch Tập đoàn Quốc tế Fu Shou Yuan, nhà quản lý các cơ sở mai táng và nghĩa trang lớn nhất đại lục, tin rằng việc thắt chặt quy định sẽ có lợi cho công ty.

“Quy định được thắt chặt sẽ đẩy các công ty không tuân thủ luật ra rìa. Việc củng cố ngành này mang tới cơ hội phát triển vàng cho Fu Shou Yuan tiến nhanh và dẫn đầu cuộc đua”, ông nói.

Dù giảm 23,8% hôm 10/9 khi các nhà đầu tư e ngại tác động của luật mới với công việc kinh doanh của công ty, cổ phiếu của Fu Shou Yuan tới nay đã tăng trưởng trở lại 17,8%.

Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng của công ty là 262 triệu nhân dân tệ (gần 40 triệu USD), tăng 14,6% so với năm 2017. Doanh thu tăng 2,5% đạt 789 triệu nhân dân tệ (115 triệu USD).

Năm 2017, Trung Quốc có 241 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 17,3% dân số, và 9,86 triệu người tử vong, tăng 0.9% so với năm trước đó. Với viễn cảnh dân số già, dịch vụ tang lễ được dự đoán sẽ tiếp tục là ngành kinh doanh kiếm bộn tiền.

Bên trong ngôi làng 'ế vợ' ở Trung Quốc Nằm ở phía đông Trung Quốc, làng Laoya (Lão Áp) ở tỉnh An Huy được xem là "làng ế vợ" khi có tới hơn 100 đàn ông độc thân trên tổng dân số 1.600 người.

Ngọc Hà (theo SCMP)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trung-quoc-chat-vat-vi-phi-an-tang-tang-nhanh-hon-ca-bat-dong-san-post882264.html