Trung Quốc 'cạn' phương án đáp trả Mỹ?

Các phương án khả dĩ mà Trung Quốc có thể chọn để đáp trả Mỹ trong cuộc chiến thương mại ngày càng thu hẹp, khiến Bắc Kinh lúng túng hơn giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng sức ép bằng các đòn áp thuế, theo tờ The New York Times.

Trung Quốc không còn nhiều phương án để đáp trả nếu Mỹ quyết định leo thang chiến tranh thương mại. Ảnh: New Indian Express

Trung Quốc đang lúng túng

Khi Tổng thống Trump áp thuế nhập khẩu 25% trên 34 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc hồi tháng 7, Trung Quốc nhanh chóng đáp trả với mức tương tự.

Sau đó, Trump đánh thuế nhập khẩu 25% với 16 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc nữa, Trung Quốc cũng trả đũa ở mức ngang bằng.

Hôm 17-9, Trump thông báo ngày 24-9 tới, Mỹ chính thức áp thuế nhập khẩu 10% trên 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc nữa.

Lần này, Trung Quốc không thể đáp trả Mỹ với quy mô giá trị hàng hóa ngang bằng vì tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc chỉ là 130 tỉ đô la/năm. Song Trung Quốc cũng không thể ngồi im vì điều này đồng nghĩa với yếu thế.

Thế nên, hôm 18-9, Trung Quốc thông báo bắt đầu từ ngày 24-9 tới, sẽ áp thuế nhập khẩu trả đũa từ 5-10% nhằm vào thêm 60 tỉ đô la hàng hóa Mỹ bán sang Trung Quốc mỗi năm.

Danh sách hàng hóa bị áp thuế gồm 5.207 sản phẩm từ rau quả đông lạnh, cho đến khí tự nhiên hóa lỏng, một số loại máy bay.

Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông báo cho biết: “Trung Quốc buộc phải đáp trả chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ và không còn sự lựa chọn nào khác ngoài cách đáp trả bằng áp thuế nhập khẩu”.

Các động thái “ăn miếng trả miếng” của Bắc Kinh cho đến nay không ngăn cản được cuộc tấn công thương mại của Trump và Nhà Trắng đang sẵn sàng áp thuế lên 267 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc nữa.

Các nguồn tin nắm rõ các cuộc thảo luận chính sách kinh tế ở Trung Quốc cho biết, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh chưa biết phải đáp trả thế nào nếu Mỹ tiếp tục áp gói thuế mới.

Raul Hinojosa-Ojeda, chuyên gia thương mại ở Đại học California tại Los Angeles, người thường xuyên trao đổi với các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc, cho biết các quan chức Trung Quốc “nói chung đang lúng túng”. Ông nói: “Họ không biết phải làm gì. Họ lo ngại kiểu đáp trả ăn miếng trả miếng sẽ làm lợi cho Trump”.

Khoan nói đến việc Trump đe dọa áp thuế với 267 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc nữa, con số 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế ngày 24-9 tới đã vượt xa 130 tỉ đô la hàng hóa Mỹ mà Trung Quốc nhập khẩu vào năm ngoái.

Song các quan chức Trung Quốc cảm thấy rằng họ không thể thoái lui. Họ xem cuộc chiến tranh thương mại là một phần của toan tính lớn hơn của Mỹ nhằm khống chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Người dân Trung Quốc có thể nhìn nhận bất kỳ nỗ lực nào của Bắc Kinh nhằm xuống thang các căng thẳng thương mại như là dấu hiệu của sự đầu hàng.

Cân nhắc cách đáp trả mới

Một số nhân vật có lập trường cứng rắn ở Trung Quốc muốn Trung Quốc có động thái phản ứng quyết liệt hơn.

Hôm 16-9, cựu Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, Lâu Kế Vĩ, người đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quỹ An sinh xã hội quốc gia Trung Quốc, gợi ý Trung Quốc có thể gây rối loạn các chuỗi cung ứng của các công ty Mỹ bằng cách dừng xuất khẩu một số vật liệu và linh kiện quan trọng.

Song các chuyên gia thương mại Trung Quốc xem ý tưởng này là phi thực tế và không phải là lập trường chính phủ.

Các quan chức Trung Quốc biết những gì mà họ không muốn làm. Họ đã bác bỏ đề xuất thay thế biện pháp áp thuế trả đũa với quy mô tương đương bằng một hệ thống tinh tế hơn mà các quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc thảo luận gần đây.

Theo đó, Trung Quốc sẽ áp thuế trả đũa Mỹ dựa vào tỷ lệ thương mại thay vì giá trị đô la. Chẳng hạn, nếu Mỹ áp thuế với 50 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, tương đương 1/10 giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ vào năm 2016, Trung Quốc sẽ áp thuế đáp trả nhằm vào 1/10 giá trị xuất khẩu hàng hóa Mỹ sang Trung Quốc vào năm ngoái, tức khoảng 13-15 tỉ đô la, tùy thuộc vào danh sách cụ thể các mặt hàng.

Tất nhiên, điều này sẽ khiến giá trị áp thuế trả đũa của Trung Quốc tính theo đô la sẽ thấp hơn so với Mỹ.

Những người ủng hộ kế hoạch trên cho rằng, cứ để Mỹ áp thuế nhiều hơn vì điều này sẽ gây tổn thương cho Mỹ lớn hơn do người dân và các doanh nghiệp Mỹ cuối cùng sẽ chịu chi phí thuế này khi các nhà sản xuất và nhà bán lẻ tăng gia bán sản phẩm.

Ông Dư Vĩnh Định, chuyên gia kinh tế ở Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng các lãnh đạo Trung Quốc không thực sự muốn bị lôi kéo vào hành động trả đũa với giá trị đô la tương đương vì mục đích của họ là “dừng cuộc chiến thương mại này”.

Ông viết trên một tạp chí hồi tháng 7: “Mỹ muốn gây tổn thương cho Trung Quốc bằng cách áp thuế vào hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc nhưng rốt cục, có thể Mỹ tự gây tổn thương cho chính họ”.

Song các chuyên gia thương mại Trung Quốc khác nói rằng, đánh thuế dựa vào tỷ lệ thương mại đồng nghĩa với một sự tổn thương quá lớn cho Trung Quốc.

Mai Tân Dục, nhà nghiên cứu ở Viện Đào tạo và nghiên cứu chính sách thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc nói: “Điều này không thực tế và rất khó, nếu không muốn nói là không thể thực thi. Nó cũng đi ngược lại với các quy tắc thương mại cơ bản”.

Các phương án đáp trả khác không khả quan

Một phái đoàn thương mại Trung Quốc thăm các cánh đồng đậu nành ở bang Missouri vào tháng trước. Trung Quốc khó tìm nguồn cung đủ ở các nước khác để thay thế cho đậu nành Mỹ. Ảnh: Reuters

Các phương án đáp trả khác của Trung Quốc cũng có những mặt hạn chế. Trung Quốc có thể trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Chẳng hạn, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã khiến hãng chip Qualcomm phải từ bỏ thương vụ thâu tóm hãng bán dẫn Hà Lan NXP Semiconductors với giá 44 tỉ đô la. Trung Quốc cũng dọa mua đậu nành từ các nước khác nhưng để thay thế nguồn cung đậu nành của Mỹ là rất khó.

Các động thái trả đũa khác của Trung Quốc chỉ dừng lại ở mức độ cảnh báo, chẳng hạn như hồi tháng 5, Trung Quốc trì hoãn thủ tục thông quan hàng hóa Mỹ bao gồm ô tô của hãng Ford và các loại trái cây tại các cảng của Trung Quốc. Dù vậy, các trì hoãn này dường như không gây thiệt hại tài chính nhiều cho các nhà sản xuất Mỹ.

Các động thái trả đũa thô bạo hơn, chẳng hạn đóng cửa các nhà máy của các công ty Mỹ tại Trung Quốc hay kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay hàng hóa, có thể gây thiệt hại cho vấn đề việc làm ở Trung Quốc.

Hơn nữa, chúng cũng có thể gây thiệt hại cho hình ảnh môi trường kinh doanh ở Trung Quốc cũng như đẩy nhanh các kế hoạch di dời dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp từ Trung Quốc sang các nước khác.

Nhà nghiên cứu Mai Tân Dục nói: “Rất khó để xây dựng uy tín (môi trường kinh doanh) nhưng rất dễ để hủy hoại nó”.

Trung Quốc có thể điều chỉnh đồng nhân dân tệ xuống mức yếu hơn nữa so với đồng đô la để giúp hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ trở nên rẻ hơn.

Tuy nhiên, đồng nhân tệ yếu hơn sẽ khiến chi phí nhập khẩu của Trung Quốc đắt đỏ hơn, gây ra rủi ro lạm phát và có thể dẫn đến nguy cơ dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278856/trung-quoc-can-phuong-an-dap-tra-my.html