Trung Quốc cấm tiết lộ danh tính thủ khoa đại học

Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc nhấn mạnh cơ quan này sẽ xử lý nghiêm những trường hợp công bố danh tính thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh quốc gia năm nay.

Lần đầu tiên, Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc Trần Bảo Sinh tuyên bố nước này cấm tiết lộ danh tính thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh đại học (Gaokao). Theo Global Times, kỳ thi năm nay diễn ra vào ngày 7-8/6.

"Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm khi tìm thấy sai phạm", ông Trần nói trong một hội nghị quốc gia gần đây. Bên cạnh đó, ông cũng đề cập lệnh cấm tiết lộ tỷ lệ đỗ đại học tại địa phương.

Nhiều người cho rằng nguyên nhân của lệnh cấm xuất phát từ những giá trị thương mại gắn liền thủ khoa. Ngoài ra, hành động biểu dương thủ khoa quá mức còn khiến phụ huynh và học sinh chịu nhiều áp lực.

Trong khi đó, những người khác coi đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh "giáo dục toàn diện", vốn được đề ra suốt nhiều năm nay nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

Chu Zhao Hui, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, thông tin từ rất lâu, xã hội Trung Quốc đã rất "tôn thờ" những người đứng đầu trong các kỳ thi.

Ngoài danh tiếng, các thủ khoa còn được coi là thành tựu của trường cũng như chính quyền địa phương. Xiong Bing Qi, nhà giáo dục Trung Quốc, thông tin vấn đề then chốt đằng sau việc "tôn thờ" thủ khoa là một hệ thống giáo dục được định hướng bằng thi cử.

"Tuy nhiên, nếu lệnh cấm không xác định mục tiêu và người thực thi, nó có thể trở thành một cuộc nói chuyện sáo rỗng", người đàn ông này nhận định.

Người đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia của tỉnh Hồ Bắc năm 2015 tham dự một buổi lễ vinh danh và được tặng hơn 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.570 USD). Ảnh: IC

Phát tài nhờ danh "thủ khoa"

Ở Trung Quốc, "trạng nguyên" được dùng để chỉ người đạt điểm cao nhất trong các kỳ thi cấp cao, hay còn gọi là thủ khoa. Thuật ngữ này bắt nguồn từ thời nhà Tùy (581-618). Thái độ "tôn thờ" những thiên tài trẻ tuổi của người dân nước này chưa bao giờ thay đổi trong suốt chiều dài lịch sử.

Tháng 8/2017, các phương tiện truyền thông đưa tin về sự ăn mừng quá lố tại huyện Bách Bạc thuộc khu tự trị dân tộc Choang ở Quảng Tây. Theo đó, trong buổi lễ chào mừng, 4 sinh viên thủ khoa ngồi trên ôtô trang trí rèm hoa đỏ diễu phố, vẫy tay chào mọi người trên đường như những ngôi sao. Đằng sau là đoàn xe máy hộ tống, một ban nhạc và đội múa sư tử.

Các em không chỉ khiến những người xung quanh hâm mộ mà còn nhận về những khoản lợi ích lớn. Một số thủ khoa được tặng tiền thưởng, ôtô và nhà.

Hãng truyền thông Meirrirenwu tại Bắc Kinh cho biết thí sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi đại học quốc gia năm ngoái ở xã Ân Bình, tỉnh Quảng Đông đã được một công ty thưởng căn nhà rộng 130 m2, trị giá ít nhất 500.000 nhân dân tệ (78.587 USD).

Thậm chí, họ còn thu hút sự chú ý nhiều công ty, tổ chức giáo dục và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Các cơ quan này muốn tiếp cận thí sinh đạt điểm cao nhất để mượn hình ảnh quảng bá thương hiệu.

Trên Taobao, bút tích của những thủ khoa cũng có giá trị, trung bình được bán với giá 350 nhân dân tệ. Mức giá cao nhất là khoảng 2.000 nhân dân tệ.

Một thủ khoa giấu tên tới từ tỉnh Hà Bắc cho biết nhiều công ty tiếp cận mình. “Mỗi lần, tôi gửi một bài phát biểu, được nhận về 8.000 nhân dân tệ”, người này nói.

Tất nhiên, rất nhiều thủ khoa ủng hộ việc này. Theo nghiên cứu của cổng thông tin thepaper.cn trong năm 2016, 70% thủ khoa đồng ý cho các công ty thương mại hóa danh tiếng của họ.

Zheng Shu Hao, một trong những người đạt điểm cao nhất tại kỳ thi đại học quốc gia năm 2017 về khoa học ở tỉnh Sơn Tây, cho biết nhiều cơ sở giáo dục đã yêu cầu bạn chia sẻ kinh nghiệm và dạy các khóa học. "Học sinh sẵn sàng lắng nghe chúng tôi hơn giáo viên và phụ huynh. Những gì chúng tôi nói sẽ mang lại giá trị cho họ", người này chia sẻ.

Tuy nhiên, chàng thanh niên này thừa nhận bạn cảm thấy áp lực khi tham gia một chương trình truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc mang tên Super Brain. “Tôi không thể thua vì là một thủ khoa”, Zheng Shu Hao nói.

Các công ty muốn chiếm một phần trong “miếng bánh” thủ khoa. Trong khi đó, chính quyền địa phương và trường học cũng thúc đẩy những “anh hùng” trẻ. Sau khi có thủ khoa, ngôi trường mà người đó học sẽ có danh tiếng hơn. Trường có thể dễ thu hút nhiều học sinh giỏi, cũng như có giá trị kinh tế.

“Đối với các sở giáo dục địa phương, họ coi kết quả thi quốc gia của học sinh là thành tích của mình”, Xiong thông tin.

Học sinh Trung Quốc dự thi Gaokao 2017. Ảnh: GGTN.

Khi điểm số và xếp hạng quan trọng hơn kiến thức

Xiong lưu ý một khi giáo dục còn theo định hướng thi cử, phụ huynh vẫn sẽ chú ý đến điểm số và xếp hạng, trong khi học sinh phải chịu nhiều áp lực. Đồng tình với quan điểm này, Chu cho rằng điểm số không phải thước đo toàn diện về hiệu suất của học sinh ở trường.

Dù từ những năm 1990, chính phủ Trung Quốc đã đề xuất ý tưởng phát triển "giáo dục toàn diện", cả Xiong và Chu cảm thấy khẩu hiệu này quá trừu tượng và chưa được đưa vào thực tiễn.

Trong khi các cơ quan giáo dục yêu cầu trường học giảm gánh nặng cho học sinh, phụ huynh Trung Quốc vẫn tiếp tục đưa con em đến những lớp học thêm để tránh tình trạng "thua ở vạch xuất phát".

Trong một báo cáo gần đây, China Newsweek phân tích sự lo lắng của phụ huynh và gánh nặng của học sinh. Khác với phụ huynh phương Tây, phần lớn cha mẹ Trung Quốc coi con cái như huyết mạch và hy vọng chúng có thể đạt được những điều mà bản thân họ chưa thể hoàn thành.

“Cha mẹ Trung Quốc nghĩ rằng kinh nghiệm sống của họ có thể được chuyển giao hoàn toàn cho con cái. Đám trẻ chỉ nên nghe theo sự sắp đặt của bố mẹ. Đó là nguyên nhân căng thẳng phát sinh”, bài báo viết.

Điều đáng chú ý là hiện tượng tôn thờ này không chỉ xảy ra ở Trung Quốc. Tại Hàn Quốc, kỳ thi tuyển sinh đại học cũng diễn ra một cách nghiêm túc. Những đàn em năm nhất thường đứng bên ngoài các phòng thi vào đầu giờ sáng và cúi đầu chào. Hành động này mang ý nghĩa chúc các bậc đàn anh may mắn.

Phụ huynh kêu cầu cho con đỗ kỳ thi Gaokao. Ảnh: VCG.

Cải cách thi đại học

Ông Trần cho biết muốn giải tỏa gánh nặng từ hệ thống giáo dục được định hướng theo thi cử, Trung Quốc cần thực thi cải cách. Cụ thể, thay đổi phương pháp đánh giá và thiết lập hệ thống đánh giá chất lượng toàn diện không xếp hạng học sinh theo điểm số.

Hiện tại, hệ thống thi cử của quốc gia đông dân nhất thế giới tuân theo công thức "3 + X". Theo đó, học sinh phải thi Toán, tiếng Trung, tiếng Anh cùng môn tự chọn khác là khoa học (Vật lý, Sinh học và Hóa học) và nhân văn (Địa lý, Lịch sử và Chính trị).

Một số người tin rằng tình hình hiện tại mang đến sự công bằng về cơ hội cho tất cả học sinh thuộc mọi tầng lớp.

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát trực tuyến của People’s Daily trong năm 2012 cho thấy hơn 53% người tham gia khảo sát tin rằng kỳ thi quốc gia không công bằng vì những yếu tố như sử dụng nhiều bài kiểm tra khác nhau và đặt điểm chuẩn tại các tỉnh khác nhau.

Xiong cho hay cải cách kỳ thi quốc gia đang lạc trong mớ bòng bong với những cuộc tranh cãi.

"Nếu đánh giá chỉ dựa vào yếu tố điểm số, chúng ta không thể phá vỡ kiểu giáo dục hiện nay. Trường học nên đánh giá học sinh dựa trên nhiều tiêu chuẩn. Học sinh cũng nên có nhiều lựa chọn hơn", ông nhận định.

Cả ông Chu và Xiong đều đề xuất cách tách kỳ thi và tuyển sinh ra làm 2. Thay vì trách nhiệm thuộc về các cơ quan giáo dục, các trường đại học nên tự làm đề thi và thành lập nhóm tuyển sinh riêng nhằm lựa chọn thí sinh phù hợp, Chu đề xuất.

Giới chức Trung Quốc giám sát kỳ thi quốc gia năm 2017 Giới chức Trung Quốc sử dụng công nghệ cao để ngăn chặn gian lận trong kỳ thi đại học.

Kim Ngân

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trung-quoc-cam-tiet-lo-danh-tinh-thu-khoa-dai-hoc-post844788.html