Trung Quốc cấm nhập, chất thải rắn đi đâu?

Ngày 27/11, Tân Hoa xã cho biết, Trung Quốc sẽ cấm nhập khẩu tất cả chất thải rắn kể từ ngày 1/1/2021.

Bộ Sinh thái và Môi trường, Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng cấm việc đổ, chất đống và xử lý rác thải từ nước ngoài tại nước này kể từ thời điểm trên.

Lệnh cấm trên là đỉnh điểm của các chính sách đã được Bắc Kinh đưa ra kể từ năm 2017 nhằm loại bỏ dần việc nhập khẩu chát thải rắn. Trước đó, vào năm 2017, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu 24 loại chất thải rắn, bao gồm giấy chưa phân loại, hàng dệt may và xỉ vanadi.

Nhân viên hải quan kiểm tra chất thải rắn ở Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã

Nhân viên hải quan kiểm tra chất thải rắn ở Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã

Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu chất thải rắn làm nguồn nguyên liệu từ những năm 1980 và trong nhiều năm nước này đã trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới, mặc dù năng lực xử lý rác còn hạn chế. Một số công ty nhập khẩu rác thải từ nước ngoài vào Trung Quốc một cách bất hợp pháp để trục lợi, gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Theo Tân Hoa xã, với nhận thức ngày càng tăng của cộng đồng về các vấn đề môi trường và thành công của nỗ lực phát triển xanh của Trung Quốc, hoạt động nhập khẩu chất thải rắn của nước này đã giảm đáng kể. Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu 13,48 triệu tấn chất thải rắn, giảm so với mức 22,63 triệu tấn của năm 2018. Trong 10 tháng đầu năm nay, lượng nhập khẩu đã giảm 42,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bởi Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải dần trong những năm qua, các nước láng giềng Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Malaysia hoặc Thái Lan đang trở thành nơi tập kết mới của toàn cầu.

Điều đáng nói, tại Việt Nam, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan.

Điều này dẫn đến tình trạng một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam, chủ yếu là nhựa, giấy, sắt thép phế liệu.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, từ năm 2019 đến nay tình trạng hàng ngàn container, với 70% là hàng phế thải để tồn động, lưu kho tại các bãi cảng quá thời hạn (trên 90 ngày), kiểm kê kết luận không đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định, buộc phải xử lý theo quy định. Dù theo Cục Hải quan TP.HCM, quy định cấm tiếp nhận hàng nhập khẩu là phế liệu tại các cảng biển trên địa bàn thành phố đã thực hiện từ nhiều năm qua.

Giữa tháng 11, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1, Cục Hải quan TPHCM cho biết, hiện nay tại cảng Cát Lái vẫn còn tồn đọng 1.527 container phế thải các loại. Trong đó, có hơn 1.000 container bị buộc tái xuất do không đảm bảo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, nhiều container đã cập cảng hơn 90 ngày nhưng không có người nhận.

Báo Tiền phong dẫn lời ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết, lượng container phế thải tồn đọng tại cảng Cát Lái đa số là phế thải nhựa. Việc xử lý lượng hàng phế liệu tồn đọng này gặp nhiều khó khăn do vướng quy định, doanh nghiệp bỏ hàng.

Lực lượng Hải quan đã yêu cầu 30 hãng tàu tái xuất hơn 1.000 container nhưng hiện tại chỉ mới 19 hãng tàu phản hồi, có phương án tái xuất 653 container, 11 hãng tàu vẫn chưa có phương án nào với 446 container.

Theo ông Long, hiện nay quy định nhập khẩu phế liệu đã quy định khá chặt chẽ nhưng một số quy định về bảo vệ môi trường, luật hàng hải cần điều chỉnh cho phù hợp để các doanh nghiệp không nhập phế liệu bất hợp pháp.

Trong khi đó, đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, lượng container tồn đọng gây ảnh hưởng rất lớn đến cảng và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, cảng đang phải di dời một số container đến các cảng khác để giải tỏa ùn tắc.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/trung-quoc-cam-nhap-chat-thai-ran-di-dau-3423376/