Trung Quốc bùng nổ dịch vụ cho vay trực tuyến

Dịch vụ tài chính truyền thống ở Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức khổng lồ từ dịch vụ tín dụng tiêu dùng trực tuyến của các công ty thương mại điện tử như Alibaba.

Cùng với sự phát triển của hoạt động mua sắm trực tuyến, số lượng người dùng dịch vụ trả chậm và thanh toán qua thẻ tín dụng tăng vọt, đặc biệt là giới trẻ.

Dư nợ vay tiêu dùng trực tuyến ở Trung Quốc đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2015 - 2017, đạt 350 tỷ NDT (54,6 tỷ USD), theo công ty nghiên cứu Analysys.

Sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ cho vay trực tuyến bắt nguồn từ việc các công ty Internet Trung Quốc, gồm cả các gã khổng lồ thương mại điện tử như Alibaba Group Holding, ra mắt các dịch vụ thuận tiện hơn. Điều này giúp đẩy nhu cầu tín dụng tiêu dùng lên cao.

Các hình thức thanh toán chậm, như trả góp và trả bằng thẻ tín dụng, từng rất hiếm ở Trung Quốc. Mọi chuyện thay đổi kể từ năm 2009, khi Trung Quốc gỡ bỏ hạn chế đối với các khoản vay nhỏ cho người tiêu dùng. Hạn chế này được nới lỏng hơn nữa vào năm 2015.

Việc nới lỏng diễn ra cùng lúc với sự phổ biến của mua sắm trực tuyến và thanh toán di động ở Trung Quốc. Khoảng năm 2015, các công ty thương mại điện tử bắt đầu cung cấp dịch vụ tương tự như trả góp và trả bằng thẻ tín dụng. Người mua sắm trên Taobao, một trang bán lẻ trực tuyến của Alibaba, có thể chọn cách thức thanh toán ngay lúc họ lựa chọn một sản phẩm, trả một lần hoặc trả góp trong 3 đợt.

Người mua trực tuyến ở các nước khác thường phải nhập thông tin cá nhân khi mua sắm, như số thẻ tín dụng. Ở Trung Quốc, các hãng bán lẻ trực tuyến như Alibaba và JD.com tự gia hạn tín dụng. Do các công ty này đã có sẵn dữ liệu về thông tin cá nhân của khách hàng, người mua không cần cung cấp thêm thông tin mỗi lần mua sắm.

Alibaba có dịch vụ thanh toán trực tuyến trên điện thoại thông minh Alipay. JD.com hợp tác với WeChatPay, một dịch vụ thanh toán di động được vận hành bởi Tencent Holdings.

Việc gia nhập thị trường tín dụng tiêu dùng khiến các công ty thương mại điện tử phải đối đầu với các nhà phát hành thẻ tín dụng lớn nhất Trung Quốc, UnionPay và các ngân hàng. Các công ty cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống đang mất dần lợi thế trong các ngành kinh doanh béo bở này, bao gồm cả cho vay tiêu dùng.

Tại Trung Quốc, vay trực tuyến đang trở nên phổ biến do thủ tục rất tiện lợi và đơn giản. Ngày càng có nhiều người vay bằng hình thức này, đặc biệt là những người trẻ. Họ cho biết trả góp qua dịch vụ của Alibaba tiện lợi hơn rất nhiều so với việc dùng thẻ tín dụng. Theo một khảo sát tháng 12/2017, 70% người vay tiêu dùng nằm trong độ tuổi từ 24 đến 35.

Người vay Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ 8x trở về sau, ít e ngại việc mua sắm qua vay mượn như thế hệ trước. Nhưng tổng dư nợ vay tiêu dùng ở Trung Quốc vẫn thấp hơn 60% so với Mỹ và được kỳ vọng sẽ tăng lên.

Công ty Analysys dự đoán rằng dư nợ vay trực tuyến ở Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi đạt 720 tỷ NDT vào năm 2019, so với mức 350 tỷ NDT năm 2017. Dòng chảy tín dụng này sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường tiêu dùng Trung Quốc.

Tuyết Chu/ Theo Nikkei

Nguồn NDH: http://ndh.vn/trung-quoc-bung-no-dich-vu-cho-vay-truc-tuyen-20180611124513413p4c149.news