Trung Quốc bỏ 'cấm vận' Hàn Quốc, vì sao?

Sau hơn một năm đơn phương 'cấm vận', hôm 31-10, Trung Quốc công bố 'hòa giải' với Hàn Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cũng đã có cuộc họp cấp cao bên lề hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng cuối tuần qua, ở đó hai ông đồng ý nhanh chóng bình thường hóa quan hệ song phương trong mọi lĩnh vực, tạo một 'khởi đầu mới'.

Quan hệ Trung - Hàn xấu đi từ tháng 7 năm ngoái, khi Tổng thống Park Geun-hye hợp tác với Mỹ thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối, gọi tắt theo tiếng Anh là THAAD (Terminal High Altitude Area Defense). Bắc Kinh nói rằng, THAAD làm suy yếu khả năng ngăn chặn vũ khí hạt nhân của Trung Quốc trong khi Hàn Quốc và Mỹ nhấn mạnh THAAD chỉ nhằm phòng thủ, chống lại mối đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên.

Để gây sức ép buộc Seoul phải hủy bỏ quyết định lắp đặt hệ thống THAAD, Trung Quốc đã đơn phương sử dụng “vũ khí kinh tế”: các công ty du lịch bị cấm đưa khách đến Hàn Quốc, sản phẩm Hàn Quốc bị tẩy chay, các chương trình nghệ thuật, điện ảnh của Hàn Quốc bị rút khỏi hệ thống truyền hình Trung Quốc. Báo South China Morning Post đưa tin, chuỗi siêu thị Lotte tại Trung Quốc gần như tê liệt, các quán ăn Hàn Quốc tại Bắc Kinh bị giảm một phần ba doanh số, còn doanh số các hãng xe hơi như Hyundai, Kia Motors bị giảm gần một nửa... Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hyundai mới công bố, cuộc trả đũa kinh tế của Trung Quốc đang làm cho kinh tế Hàn Quốc mất đi khoảng 7,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017, kinh tế Trung Quốc cũng thiệt hại khoảng 800 triệu đô la.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc dùng “vũ khí kinh tế” cho mục tiêu chính trị. Năm 2010, sau khi ủy ban hòa bình Na Uy trao giải Nobel Hòa bình cho nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), Bắc Kinh đã hạn chế việc nhập khẩu cá hồi Na Uy; chỉ gỡ bỏ vào tháng 12-2016, sau khi Oslo đồng ý sẽ không hỗ trợ các hành động gây nguy hiểm cho lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Đầu năm 2013, Trung Quốc cấm nhập khẩu chuối từ Philippines và cấm dân Trung Quốc đi du lịch tới Philippines. Nhưng áp lực của Bắc Kinh đã không buộc được Manila rút hồ sơ kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài quốc tế PCA về tranh chấp biển Đông.

Nhìn bề ngoài, có vẻ như Trung Quốc đã đạt được mục đích và Seoul phải nhân nhượng. Tại cuộc họp báo ngày 31-10, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh (Hua Chunying) nói rằng Hàn Quốc đã đưa ra cam kết “ba không”: không tham gia hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tích hợp của Mỹ, không phát triển quan hệ hợp tác an ninh Mỹ - Nhật - Hàn thành một liên minh quân sự toàn diện và không triển khai thêm hệ thống THAAD. Bà Hoa kêu gọi Hàn Quốc “lời nói phải đi đôi với hành động”. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc giải thích rằng, lập trường “ba không” không phải là lời cam kết với Trung Quốc mà là chủ trương mà Tổng thống Moon đưa ra khi nhậm chức. Seoul cũng không hề nói tới chuyện tháo dỡ hệ thống THAAD đã lắp đặt và quân đội Hàn Quốc vẫn đang tích cực tập trận với ba cụm tàu sân bay của Mỹ ở ngoài khơi - không có gì thay đổi so với trước đây.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hãy còn quá sớm để nói rằng cuộc cấm vận chống Hàn Quốc của Bắc Kinh là vô ích, mà tương lai sẽ phụ thuộc vào tài khéo của Tổng thống Moon trong việc cân bằng ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Mỹ. Về phương diện kinh tế, trang mạng chuyên về Triều Tiên www.38north.org nhận xét rằng, có nhiều tiền lệ cho thấy Bắc Kinh luôn tự “hòa giải” sau một thời gian cấm vận vì lo ngại kéo dài các biện pháp trừng phạt sẽ gây thiệt hại cho quan hệ kinh tế song phương. Trong trường hợp Hàn Quốc, kéo dài cấm vận có thể làm gián đoạn các dây chuyền sản xuất phức tạp, từ đó ảnh hưởng tới tăng trưởng của chính Trung Quốc.

Đáng lưu ý rằng, ngay sau khi đạt được sự hòa giải với Trung Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đã lên đường công du Đông Nam Á trước khi đến Việt Nam dự hội nghị APEC. Tại các thủ đô Jakarta và Manila, cũng như tại Đà Nẵng, ông Moon đã giới thiệu “Chính sách phương Nam mới” (New Southern Policy) của Hàn Quốc, nhằm thúc đẩy quan hệ và hợp tác kinh tế với các nước ASEAN. Ông cho biết ông muốn nâng cấp quan hệ với ASEAN lên ngang mức quan hệ giữa Hàn Quốc với 4 đối tác lớn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.

Thái Bình

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/264939/trung-quoc-bo-cam-van-han-quoc-vi-sao.html