Trung Quốc bị thiên địch hoành hành khiến người nông dân khóc ròng

Thịt lợn là một trong những mặt hàng tăng mạnh nhất với 27%, một phần do đợt bùng phát dịch tả lợn Châu Phi.

Chính phủ Mỹ đã liệt kê Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ và sẽ cùng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) loại bỏ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Bắc Kinh sau khi Trung Quốc cho phép đồng Nhân dân tệ giảm xuống mức 7 NDT đổi 1 USD. Việc hạ giá NDT mạnh ở mức 1,4% được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tiếp tục áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc còn lại từ 1/9 năm nay. Đáp trả động thái trên, Bắc Kinh tuyên bố nước này sẽ ngừng mua nông sản Mỹ, khiến cuộc chiến thương mại kéo dài một năm với Mỹ thêm căng thẳng.

Hình minh họa.

Hình minh họa.

Giá cả tăng chóng mặt

Tuy nhiên, quyết định dừng nhập khẩu hàng nông sản Mỹ có thể khiến giá thành các loại thực phẩm tại Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn nữa. Các số liệu mới tổng hợp cho thấy giá thực phẩm tại Trung Quốc đã tăng 9,1% so với cùng kì năm ngoái. Thịt lợn là một trong những mặt hàng tăng mạnh nhất với 27%, một phần do đợt bùng phát dịch tả lợn Châu Phi.

Trong khi đó, giá hoa quả tươi tăng tới 39,1%. Đây là số liệu được đưa ra giữa bối cảnh Trung Quốc tuyên bố sẽ ngừng nhập khẩu hàng nông nghiệp Mỹ sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump nói sẽ áp thêm 10% thuế đối với 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc. Các nhà kinh tế học cho rằng lạm phát có thể sẽ gia tăng tại Trung Quốc trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, họ tin rằng Bắc Kinh có nhiều phương án để hạn chế ảnh hưởng của đợt tăng giá. Trung Quốc có cơ chế kiểm soát giá cả để kìm chế tốc độ tăng giá của thực phẩm, có thể là tăng cường trồng các loại nông sản hiện vẫn đang phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Tuy vậy, kế hoạch này dường như đang gặp khó bởi tình trạng sâu bệnh hoành hành diện rộng ở các vựa nông sản miền nam. Các nông dân khu vực tây nam Trung Quốc đang hoang mang trước dịch hại sâu bệnh mới ghê gớm tấn công mùa màng năm nay. “Tôi không biết chúng là thứ gì”, Yan Wenliu, một nông dân 36 tuổi đến từ huyện Mạnh Hải thuộc tỉnh Vân Nam cho biết.

“Nhưng chúng lớn hơn những con sâu khác. Tôi chưa bao giờ thấy loại sâu này trước đây”. Sinh vật mà Yan không thể gọi tên là sâu keo mùa thu hay sâu keo hại ngô có danh pháp khoa học là Spodoptera frugiperda, một loài bướm đêm trong họ Noctuidae. Sâu keo mùa thu tấn công mùa màng phía nam Trung Quốc có “nguyên quán từ Myanmar” đã gây ra dịch hại phá hoại một khu vực sâu hơn 3.000 km (1.865 dặm) kể từ khi thâm nhập qua biên giới cách đây 7 tháng.

Hiện chúng đã có mặt ở 21 tỉnh và khu vực ở Trung Quốc, tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sản lượng ngũ cốc. Chỉ riêng ở Vân Nam, nơi đầu tiên ở Trung Quốc bị sâu bệnh tấn công, khoảng 86.000 ha đã bị ảnh hưởng vào giữa tháng 6, bao gồm ngô, mía, lúa miến và gừng. Sâu keo mùa thu được phát hiện đầu tiên ở châu Mỹ, đã lan khắp châu Phi và châu Á kể từ năm 2016. Khi hóa thân thành bướm, chúng bay xa đến 100 km một đêm. Chúng khó có thể bị xóa sổ và việc kiểm soát chúng vừa tốn kém, vừa khó khăn.

Người nông dân bi quan

Điều này đặt ra một thách thức ghê gớm ở Trung Quốc, nơi khoảng 90% sản lượng cây trồng đến từ các trang trại nhỏ dưới một ha và chủ đất là các nông dân thiếu kiến thức cũng như công cụ cơ bản để khắc phục sâu bệnh. Vào tháng 5, Bắc Kinh đã phát động một chiến dịch diệt côn trùng có hại tiêu tốn nhiều triệu nhân dân tệ.

Tại Vân Nam, chính quyền đã thiết lập 3.500 địa điểm giám sát tại các phòng nông nghiệp địa phương và tiến hành kiểm tra thực địa thường xuyên. Chính quyền địa phương cũng đã cung cấp tài liệu cho nông dân và các đại lý thuốc trừ sâu về nhận dạng và phòng chống sâu keo mùa thu.

Nhưng việc trả tiền mua thuốc trừ sâu với số lượng cần thiết đã khiến nhiều nông dân không thể kham nổi. Hơn nữa, việc dùng thuốc trừ sâu đối phó với sâu keo mùa thu đòi hỏi những kỹ thuật phức tạp và đôi khi việc dùng không đúng liều lượng, không đúng giai đoạn hay dùng trộn với các loại thuốc trừ sâu khác lại khiến sâu keo mùa thu nhờn thuốc.

Điều đó đồng nghĩa với việc ném tiền trừ sâu qua cửa sổ. “Bạn không thể nào giết chết nổi chúng đâu”, Yan Hannen, một nông dân 44 tuổi, đến từ làng Nuodong gần đó nói. “Tôi đã làm đồng được 20 năm nhưng chưa bao giờ thấy con sâu nào thế này”, Yan rất thất vọng khi đã phun thuốc trừ sâu nhiều lần cho vụ ngô, nhưng sản lượng giảm gần một nửa. “Cán bộ bảo tôi dùng một thùng nhưng tôi phun hẳn ba thùng. Vậy mà vẫn không ăn thua. Có thể làm gì bây giờ?”.

Chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị để giới thiệu ngắn gọn cho nông dân về dịch hại và dân làng đã cải thiện cách tiếp cận sử dụng thuốc trừ sâu, Yan Xiangwa, một quan chức làng ở Nuodong cho biết. Có thể nói, đối với những người nông dân đã chiến đấu với hạn hán nghiêm trọng trong năm nay, mối đe dọa mới nhất đã khiến toàn bộ sinh kế của họ càng điêu linh.

Dân làng có xu hướng từ bỏ việc phun thuốc bảo vệ thực vật do chi phí cao, chính quyền tỉnh Vân Nam cho biết trong một báo cáo hồi tháng trước. Báo cáo nói thêm rằng nguồn nhân lực địa phương để giúp người dân bảo vệ mùa màng cũng thiếu hụt nghiêm trọng. Yu Xianger, một nông dân khác ở Nuodong, đã phun thuốc trừ sâu trên cánh đồng ngô rộng 0,13 ha của mình mà không có kết quả gì. Chán nản với đồng ruộng, Yu đang suy nghĩ về việc lên thành phố tìm kiếm việc làm.

“Bọn sâu đã tàn phá mùa màng ngô của tôi trong năm nay. Và ở lại, tôi không thể làm gì khác”, Yu nói. Các chuyên gia nói rằng cuộc chiến chống lại sâu keo mùa thu là khó khăn vì chúng rất cứng đầu. Giỏi trong việc ẩn nấp, loài vật gây hại này rất khó phát hiện vào ban ngày và chúng chỉ hoạt động mạnh về ban đêm khi di chuyển hay tấn công thực vật.

Những người nông dân địa phương ở đây vốn không có thói quen sử dụng nhiều thuốc trừ sâu trước đó và sẽ không mua thuốc trừ sâu cho đến khi họ nhìn thấy chúng. Điều đó có nghĩa là họ đã bỏ lỡ thời điểm tốt nhất để giết chúng, một chuyên gia về thực vật ở Vân Nam cho biết. Dân làng thường phản ứng chậm với sự xuất hiện của sâu keo mùa thu, một phần do họ không nhận được cảnh báo mang tính hệ thống của các ban ngành.

Hiện giờ chính quyền cho biết đang triển khai hệ thống này. Chẳng hạn, Văn phòng nông nghiệp Vân Nam cho biết họ đã thiết lập hệ thống hơn 30.000 đơn vị cảnh báo như vậy trong tỉnh và liên tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị chống lại sâu bệnh, liên quan đến hóa chất và thiên địch. Trong khi một số ngôi làng đang vật lộn với sâu bệnh, chính quyền nói rằng tỉnh hầu như đã quản lý vấn đề này.

Chính quyền nói thiệt hại đã được kiểm soát một cách hiệu quả tại Vân Nam, với tổng thiệt hại mùa vụ ngô chỉ giới hạn trong phạm vi 5%. Đồng thời, sản lượng thóc mùa hè năm nay tại Vân Nam đã tăng 16.200 tấn so với năm trước.

Nói tóm lại, sâu dịch phá hoại mùa màng phía nam Trung Quốc là có thật, chính quyền địa phương tỏ ra lạc quan trong việc kiểm soát tình hình nhưng người nông dân lại đang vô cùng bi quan. Sâu dịch sẽ làm Trung Quốc chịu thêm gánh nặng trong lúc giá thực phẩm đang tăng vọt do Bắc Kinh vừa đình chỉ nhập khẩu nông sản Mỹ.

Minh khuê

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/trung-quoc-bi-thien-dich-hoanh-hanh-khien-nguoi-nong-dan-khoc-rong-d104581.html