Trung Quốc bí mật thuê đảo ở Thái Bình Dương: Đầy rủi ro!

Việc công ty Trung Quốc kiểm soát toàn bộ một hòn đảo với vị trí địa chính trị quan trọng quốc đảo đã làm dấy lên lo ngại về khả năng Bắc Kinh có thêm một chỗ đứng vững chắc trong kế hoạch mở rộng hiện diện quân sự của nước này.

Điều tra của hãng tin AFP mới đây tiết lộ tập đoàn quốc doanh Trung Quốc (TQ) China Sam Enterprise Group hồi tháng 9 đã bí mật đạt được thuê lại quyền phát triển cơ sở hạ tầng trên đảo Tulagi phía Nam Thái Bình Dương trong vòng 75 năm kèm theo điều khoản gia hạn.

Được biết đảo Tulagi thuộc đảo quốc Solomon, có vị trí địa chiến lược cực kỳ trọng yếu ở khu vực Thái Bình Dương khi từng là điểm chiến lược cho các hoạt động của hải quân Anh và sau đó là quân đội Nhật Bản trong Thế chiến II.

Tham vọng của Trung Quốc

Các nước lớn trong khu vực Thái Bình Dương, đặc biệt là Úc và Mỹ, từ lâu vẫn lo ngại về viễn cảnh TQ thiết lập thành công căn cứ hải quân tại Thái Bình Dương. Giới chức Mỹ nhìn nhận chuỗi đảo ở Nam Thái Bình Dương, trong đó có Tulagi, đóng vai trò quyết định thành bại khi đối trọng ảnh hưởng của TQ và bảo vệ các tuyến đường hàng hải quan trọng.

Tờ The Nikkei nhận định hợp tác quân sự sâu rộng hơn với các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương sẽ giúp cải thiện đáng kể năng lực của quân đội TQ trong việc giám sát các khu vực và biểu dương sức mạnh ở những nơi xa đất liền, đồng thời kiềm chế lực lượng quân sự Mỹ.

“Đặc điểm địa lý của khu vực khiến nơi đây là một địa điểm mang tính chiến lược. TQ đang mở rộng phạm vi tác chiến của mình ở Nam Thái Bình Dương. Bắc Kinh đang tìm kiếm những cảng và đường băng an toàn hệt như những cường quốc mới nổi trước đây” - chuyên gia về TQ Anne-Marie Brady thuộc ĐH Canterbury (New Zealand) nói.

Ông Anne-Marie Brady cảnh báo Bắc Kinh đang tìm mọi cách kiểm soát toàn bộ các con đường dẫn vào châu Á và nếu Bắc Kinh thành công, điều này sẽ gây khó khăn cho Mỹ trong việc tiến vào khu vực và thực hiện các chiến lược quân sự đề ra. Cũng theo thỏa thuận giữa hai bên, Tập đoàn China Sam đã được cấp phép tiến hành các hoạt động thăm dò tài nguyên trên đảo. Tulagi lâu nay bên cạnh vị trí địa lý quan trọng cũng là một nơi giàu tài nguyên thiên nhiên.

Trong khi đó, Giám đốc Viện Chính sách chiến lược Úc Peter Jennings lưu ý thỏa thuận với China Sam có thể dẫn tới khả năng Bắc Kinh mở căn cứ quân sự ngay sát Úc, đặc biệt là trong trường hợp Solomon không may bị vỡ nợ và phải gán nợ bằng các tài sản công như hải cảng, sân bay hay các vị trí chiến lược cho TQ.

Ngoại trưởng Solomon Jeremiah Manele (trái) và Ngoại trưởng TQ Vương Nghị bắt tay tại lễ thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước hôm 21-9. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Solomon Jeremiah Manele (trái) và Ngoại trưởng TQ Vương Nghị bắt tay tại lễ thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước hôm 21-9. Ảnh: AP

“Như thường lệ, các công ty quốc doanh TQ sẽ thuê một cảng hoặc sân bay nào đó rồi triển khai các dự án cơ sở hạ tầng trên danh nghĩa hỗ trợ du lịch hoặc ngư nghiệp. Nguy cơ ở đây là những dự án đó chỉ là đòn chiến lược đầu tiên. Đòn tiếp theo sẽ là sử dụng các công trình đó cho hai mục đích (quân sự và dân sự) hoặc một cảng quân sự hóa hoàn toàn” - ông Jennings giải thích.

Giám đốc chương trình Đảo Thái Bình Dương thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy, ông Jonathan Pryke, nhận xét việc TQ hứa hẹn thiết lập các đặc khu kinh tế tại những nước đang phát triển đang khao khát các khoản đầu tư từ nước ngoài không phải chuyện hiếm gặp.

“Điều lo ngại ở đây là những khu vực này có thể biến thành những khu vực phục vụ cho các hoạt động của TQ, sau đó phát triển theo thời gian và trở thành cơ sở quân sự vĩnh viễn. Đảo Tulagi của Solomon có chỗ neo đậu nước sâu phù hợp với chiến lược như vậy” - chuyên gia Pryke nhận định.

“Họ không thể tự dưng đến đây rồi thuê cả hòn đảo như vậy được. Ai cũng sợ TQ sẽ biến hòn đảo thành căn cứ quân sự. Nếu không làm thế thì họ thuê đảo làm gì?” - ông Michael Salini, một cư dân lâu năm trên đảo, bức xúc cho biết.

Đằng sau những khoản viện trợ của Bắc Kinh

Trả lời phỏng vấn báo chí, Thống đốc Stanley Maniteva, người đã ký thỏa thuận, lưu ý rằng luật pháp và quyền sở hữu đất đai sẽ được tôn trọng. Ông cũng khẳng định thỏa thuận vẫn chưa được hoàn tất. Tuy nhiên, cư dân Tulagi tuyên bố quyết định của chính quyền Solomon đi ngược lại nguyện vọng của đa số người dân.

Bên cạnh kiểm soát được một mắt xích trọng yếu ở mặt trận Thái Bình Dương, Bắc Kinh cũng nhân cơ hội để lôi kéo Solomon ngả hẳn vào quỹ đạo TQ. Theo đó, chỉ vài ngày trước khi thỏa thuận thuê lại Tulagi được ký kết, Solomon thông báo cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Đối với một đảo quốc nhỏ bé chỉ với 600.000 dân và nghị viện chỉ 50 thành viên, TQ không phải tốn quá nhiều công sức để thay đổi quan điểm và chính sách của các lãnh đạo ở đây.

Theo đài ABC News (Úc), sau khi trở về từ chuyến đi tới TQ hồi đầu tháng 10, Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare xác nhận TQ sẽ tặng khoản tài trợ trị giá 74 triệu USD để xây dựng một sân vận động mới. Trong một bài phát biểu vào tháng 2-2019, tổng thư ký của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) cũng bày tỏ sự vui mừng khi cho biết đã đến lúc bàn luận với Bắc Kinh về việc tiếp cận thị trường, công nghệ, tài chính và cơ sở hạ tầng của TQ.

“Điều khiến tôi lo ngại nhiều nhất là cách tiếp cận của Bắc Kinh về mặt chính trị và kinh tế tại khu vực Thái Bình Dương. Họ bôi trơn các thỏa thuận bằng cách đi “cửa sau” với lãnh đạo sở tại và khích lệ tham nhũng”, chuyên gia Jonathan Pryke chia sẻ đồng thời chỉ trích Bắc Kinh đang đẩy các vấn nạn như tham nhũng, bảo hộ mậu dịch đang làm trì trệ những quốc gia ở đây lên “một tầm cao mới”.

Phái đoàn Mỹ, TQ đối đầu trực diện ở Diễn đàn Hương Sơn 2019

Theo tờ South China Morning Post, Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 9 tại Bắc Kinh đã chính thức bắt đầu từ ngày 20-10 và sẽ kéo dài đến hết ngày 22-10. Với chủ đề chính là “Duy trì trật tự quốc tế và thúc đẩy hòa bình tại châu Á - Thái Bình Dương”, diễn đàn sẽ bao gồm bốn phiên toàn thể và tám phiên đặc biệt đồng thời.

Một thành viên giấu tên của phái đoàn TQ tiết lộ đoàn Mỹ sẽ bị chỉ trích nặng nề về các động thái mà Bắc Kinh cho là “thù địch” đối với vấn đề nhạy cảm như biểu tình Hong Kong. “Diễn đàn Hương Sơn là một nền tảng để các bên thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực. Tuy nhiên, các lãnh đạo quân đội TQ dự kiến sẽ dùng dịp này để phản đối Mỹ…” - vị này cho biết.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/trung-quoc-bi-mat-thue-dao-o-thai-binh-duong-day-rui-ro-865168.html