Trung Quốc: Bê bối tàu sân bay

Dư luận cho rằng, việc cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu 712 thuộc Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC), ông Kim Đào, 54 tuổi, đang phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng có thể khiến cho kế hoạch xuất xưởng của 4 tàu sân bay nội địa vào năm 2030 phải thay đổi.

Bởi theo tờ South China Morning Post, mặc dù bị bắt từ tháng 9-2018, nhưng mãi tới ngày 27-12-2018, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương mới thông báo về việc này. Theo đó, ông Kim Đào sẽ bị xử lý nghiêm khắc vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và phạm tội gây tổn thất lớn cho lợi ích quốc gia.

Theo giới truyền thông, trước khi trở thành người đứng đầu Viện Nghiên cứu 712, ông Kim Đào từng ngồi ghế Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu 704 cũng của CSIC tại thành phố Thượng Hải tới 13 năm. Sau khi về làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu 712, ông Kim Đào chuyên nghiên cứu về động cơ đẩy điện tử và pin đặc biệt dành cho tàu sân bay.

Ông Kim Đào, người đứng đầu Viện Nghiên cứu 712 thuộc CSIC khi đương chức.

CSIC là một trong hai hãng đóng tàu chính của Trung Quốc, nên bê bối tại cơ quan này được dư luận và giới chuyên môn đặc biệt quan tâm. CSIC đảm trách việc phát triển tàu hải quân, trong đó có cả tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay, nên quyền hạn của người đứng đầu cơ quan này rất lớn.

Và sản phẩm đáng chú ý nhất của CSIC là Hệ thống động cơ điện tích hợp (IEPS) cho phép chuyển toàn bộ năng lượng từ động cơ thành điện để vũ khí công nghệ cao cũng như hệ thống phóng máy bay bằng điện từ (EMALS) sử dụng. Được biết, CSIC đã đóng xong tàu sân bay nội địa đầu tiên do Trung Quốc chế tạo (gọi là tàu Type 001A) tại xưởng đóng tàu của tỉnh Liêu Ninh.

Giới quân sự cho rằng, tàu Type 001A sẽ được bàn giao cho hải quân nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1-10-2019). Còn tàu sân bay thứ 2 (gọi là tàu Type 002) đang được gấp rút hoàn thiện. Theo tờ South China Morning Post, một trong những nguyên nhân khiến việc đóng tàu Type 002 bị chậm tiến độ bởi ngân sách bị cắt giảm.

Điều đáng nói là vụ bê bối của ông Kim Đào được công khai sau khi vụ bắt giữ cựu Tổng Giám đốc CSIC Tôn Ba (bị bắt từ tháng 6-2018), nhưng mới được đăng tải hôm 17-12-2018.

Theo đó, ông Tôn Ba bị khai trừ khỏi đảng, cách chức Tổng Giám đốc CSIC vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng, gây thiệt hại nặng nề đến lợi ích quốc gia, cũng như lợi dụng chức vụ để tham ô và nhận hối lộ. Theo tờ South China Morning Post, các nhà điều tra đang tập trung làm rõ xung quanh cáo buộc chuyển thông tin bí mật của tàu sân bay Liêu Ninh cho tình báo nước ngoài của ông Tôn Ba.

"Vụ việc của ông Tôn Ba phức tạp và liên quan đến nhiều bí mật quốc gia, nên nhà chức trách chỉ thông báo việc bắt giữ với cáo buộc tham nhũng", tờ South China Morning Post trích dẫn nguồn tin cung cấp. Gần 1 tháng trước (17-12-2018), Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương thông báo, ông Tôn Ba (phụ trách dự án tàu sân bay Liêu Ninh hơn 10 năm) bị cáo buộc nhận hối lộ, vi phạm kỷ luật đảng nghiêm trọng và gây thiệt hại tới lợi ích quốc gia.

Tờ South China Morning Post cho rằng, ông Tôn Ba nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với mức án tử hình, ít nhất cũng là tử hình hoãn thi hành án, vì đã cung cấp thông tin bí mật của tàu sân bay Liêu Ninh cho nước ngoài. Có tin nói rằng, tàu sân bay nội địa đầu tiên sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2020 và con tàu này được sản xuất dựa trên thiết kế của tàu sân bay Liêu Ninh.

Cựu Tổng Giám đốc CSIC Tôn Ba khi đương nhiệm.

Trước khi cách chức và khai trừ khỏi đảng đối với ông Tôn Ba, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương cũng đã khai đao với ông Bốc Kiến Kiệt, một nhà khoa học tàu ngầm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu số 718 thuộc CSIC.

Theo đó, ông Bốc Kiến Kiệt bị khai trừ đảng và bị điều tra hình sự với nhiều tội danh khác nhau. Theo giới truyền thông, ông Bốc Kiến Kiệt bị buộc tội vi phạm kỷ luật đảng, lấy quốc tịch Canada sai quy định, không báo cáo một số chuyện cá nhân, sai phạm trong kinh doanh, biển thủ và nhận hối lộ.

“Ông Bốc Kiến Kiệt đã vi phạm kỷ luật đảng, sở hữu quốc tịch Canada bất hợp pháp và không thông báo về vấn đề cá nhân”, trích thông báo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương. Theo tờ South China Morning Post, ông Bốc Kiến Kiệt từng làm việc trong lĩnh vực công nghệ đẩy không khí độc lập (AIP), cơ chế cho phép tàu ngầm thông thường hoạt động ở dưới nước được lâu hơn và phát ra ít tiếng ồn hơn tàu ngầm hạt nhân.

Còn theo Hebei Workers Daily, ông Bốc Kiến Kiệt từng có thời gian ở Canada (năm 1996) với tư cách học giả thỉnh giảng của Trường Đại học Tây Ontario và Đại học Queen. Dưới thời ông Bốc Kiến Kiệt nắm quyền, Viện Nghiên cứu số 718 là một trong những nhà cung cấp thiết bị tàu ngầm và chất hóa học nhạy cảm lớn nhất thế giới.

Mạnh Phong

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/trung-quoc-be-boi-tau-san-bay-528694/