Trung Quốc bất ngờ xuống nước trước thềm đàm phán thương mại với Mỹ

Trung Quốc đang có những động thái nhượng bộ thương mại với Mỹ trong bối cảnh hai bên chuẩn bị ngồi lại vào bàn đàm phán trực tiếp bằng cách đề nghị mua thêm nhiều hàng hóa nông sản và miễn thuế một số sản phẩm xuất khẩu Mỹ.

Trung Quốc bất ngờ nhượng bộ Mỹ trước khi hai bên bước vào vòng đàm phán thương mại tiếp theo tại Washington vào tháng 10 - Ảnh: Reuters

Trung Quốc bất ngờ nhượng bộ Mỹ trước khi hai bên bước vào vòng đàm phán thương mại tiếp theo tại Washington vào tháng 10 - Ảnh: Reuters

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn thạo tin cho biết các quan chức hàng đầu Trung Quốc đang thảo luận về nội dung bản thỏa thuận, trước khi phái đoàn nước này dẫn đầu bởi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đến Washington vào tháng 10 để gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.

Nguồn tin nói thêm rằng thỏa thuận này dựa trên một dự thảo mà hai bên đã đàm phán thành công vào tháng 4.

Bắc Kinh đã đề xuất mua thêm các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ để đổi lấy việc Washington tạm hoãn áp hàng loạt mức thuế với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời nới lỏng lệnh cấm đối với tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Ủy ban thuế quan và hải quan của Trung Quốc hôm 11.9 cũng công bố danh sách 16 loại sản phẩm từ Mỹ được miễn thuế khi nhập khẩu vào Trung Quốc. Việc miễn trừ thuế sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 10.9 và duy trì cho đến ngày 16.9.2020.

Theo SCMP, Trung Quốc cũng sẽ đồng ý mở cửa thị trường rộng hơn, bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ và cắt giảm thặng dư công nghiệp, tuy nhiên Bắc Kinh dường như vẫn đang chần chừ trước các vấn đề liên quan đến trợ cấp nhà nước, các chính sách công nghiệp và cải tổ các doanh nghiệp nhà nước.

Khi các cuộc đàm phán với Mỹ chuẩn bị được nối lại trong vài tuần nữa, các lãnh đạo Trung Quốc đang có nhiều động thái nhằm giành được sự ủng hộ từ cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã phát biểu trước các đại diện doanh nghiệp Mỹ hôm 10.9 rằng, Bắc Kinh muốn họ ủng hộ các giải pháp giải quyết xung đột thương mại với Mỹ. Ông Lý cũng cho biết Trung Quốc hoan nghênh đầu tư của các công ty Mỹ tại Trung Quốc, và khẳng định đất nước sẽ tiếp tục mở cửa và cải cách.

Trong cuộc riêng gặp khác với giám đốc điều hành Citigroup (của Mỹ), Phó Thủ tướng Lưu Hạc nói rằng ông phản đối chiến tranh thương mại và hy vọng cộng đồng doanh nghiệp Mỹ có thể giúp xây dựng mối quan hệ kinh tế và thương mại song phương ổn định và hợp tác.

Hồi tháng 5, cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đổ vỡ sau 10 vòng đàm phán, mặc dù hai bên đã nhất trí gần 90% nội dung thỏa thuận. Sau đó, Washington cáo buộc Bắc Kinh trở mặt, tự ý rút lại những cam kết trong dự thảo thỏa thuận, trong khi Trung Quốc cho rằng văn bản thỏa thuận đã đề cập tới những yêu cầu không thể chấp nhận được và làm tổn hại cho chủ quyền của nước này.

Vòng đàm phán tiếp theo được nối vào tháng 7 tại Thượng Hải nhưng không mang lại nhiều kết quả. Các nhà quan sát nhận định phía Mỹ muốn nối lại đàm phán dựa trên văn bản thỏa thuận trước đây, nhưng Trung Quốc vẫn quả quyết rằng, bất kỳ thỏa thuận nào trước tiên cũng phải bao gồm việc bỏ thuế quan.

Do Trung Quốc khăng khăng không đồng ý các quy tắc thương mại mà Mỹ đưa ra. Cuộc chiến thuế quan giữa hai nước lại tiếp tục leo thang. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó đã công bố đợt thuế mới áp vào hàng hóa Trung Quốc vào tháng 8. Bắc Kinh cũng trả đũa bằng việc áp thuế và ngừng mua nông sản từ Mỹ. Căng thẳng dâng cao khi ông Trump cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ bằng cách cố ý hạ giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu.

Nhận định về triển vọng của vòng đám phán tiếp theo giữa Mỹ và Trung Quốc, giới quan sát cho rằng trong bối cảnh hiện nay, một thỏa thuận mua hàng đơn giản giữa hai bên cũng khó có thể được đảm bảo.

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/trung-quoc-bat-ngo-xuong-nuoc-truoc-them-dam-phan-thuong-mai-voi-my-121070.html