Trung Quốc bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ để mua chiến cơ Nga?

Trung Quốc được cho là đang xem xét các thương vụ mua bán chiến cơ tiên tiến của Nga, phớt lờ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Hãng thông tấn Tass của Nga dẫn nguồn tin từ Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga cho biết họ đang chờ đợi phản hồi của Trung Quốc về đề nghị mua vũ khí hiện đại và thiết bị quân sự tiên tiến được sản xuất tại Nga, bao gồm các lô chiến cơ Su-35. Năm 2015, Bắc Kinh mua tới 24 chiếc chiến cơ loại này trong các thương vụ có tổng trị giá lên tới 2,5 tỷ USD.

Tờ Weihutang của Trung Quốc cho rằng đợt mua sắm Su-35 lần 2 này có thể sẽ giúp hiện đại hóa hạm đội già cỗi của không quân Trung Quốc.

 Một biệt đội Su-35 của Nga. (Ảnh: Izvestia)

Một biệt đội Su-35 của Nga. (Ảnh: Izvestia)

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Trung Quốc Fu Qianshao nhận định Bắc Kinh còn lý do khác để chấp nhận lời mời gọi từ phía Nga.

"Các đợt mua bán mới sẽ đảm bảo nhiều phụ tùng thay thế và cải thiện công tác hỗ trợ hậu cần cho biên đội Su-35 hiện có. Ngoài ra, nó có thể mang theo các yếu tố chính trị và kinh tế, thể hiện quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga vào thời điểm mối quan hệ của cả 2 với Mỹ đang xấu đi", ông này nhận xét.

Su-35 là mẫu tiêm kích thế hệ 4++ hiện đại nhất của Nga, có vận tốc cực đại đạt 2.500km/h, tầm hoạt động 3.600 km và có thể mang tối đa 8 tấn vũ khí trong phạm vi 1.600km. Được trang bị một khẩu pháo 30mm, Su-35 đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tác chiến đa nhiệm trên không, mặt đất và chống hạm.

Nga tuyên bố Su-35 vượt trội hơn chiến đấu cơ thế hệ thứ tư của phương Tây, vượt mặt cả F-16 của Mỹ, Rafaele của Pháp và thậm chí là tiêm kích đánh chặn Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh.

Tuy nhiên, nếu thông qua thương vụ mua bán Su-35 lần này, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục bị Mỹ trừng phạt như trường hợp của Cục Phát triển Thiết bị Trung Quốc (EDD) thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Tháng 9/2018, EDD bị Mỹ trừng phạt vì thương vụ mua 10 máy bay chiến đấu Su-35 vào năm 2017 và các thiết bị liên quan tới hệ thống phòng không S-400 của Nga. Lệnh trừng phạt này chiếu theo Đạo luật chống đối thủ Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt (CAASTA), trong đó ngăn chặn một quốc gia, tổ chức hay công ty thuộc bên thứ ba giao dịch hoặc có liên đới với các cá nhân, tổ chức hay công ty Nga bị liệt vào danh sách đen.

Các cá nhân và tổ chức bị đưa vào danh sách đen không bị trừng phạt ngay lập tức, nhưng bất kỳ ai có giao dịch với những cá nhân hoặc tổ chức này sẽ phải chịu trách nhiệm dưới đạo luật CAASTA.

Song Hy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/trung-quoc-bat-chap-lenh-trung-phat-cua-my-de-mua-chien-co-nga-d484652.html