Trung Quốc - Australia: Sau 'khẩu chiến' sẽ là.... đại chiến?

Màn 'ăn miếng, trả miếng' giữa Trung Quốc và Australia bắt đầu từ việc Thượng nghị sỹ Concetta Fierravanti-Wells có bài viết rất nặng nề, chỉ trích Trung Quốc đang sử dụng chính sách ngoại giao 'bẫy nợ' tại các quốc đảo láng giềng của Australia.

Trong bài viết đăng trên tuần báo The Australia hôm 5/10, bà Fierravanti-Wells tuyên bố Trung Quốc đang lôi kéo các nước nghèo bằng các khoản cho vay ưu đãi bất chấp việc Bắc Kinh biết rằng các nước này không có khả năng trả nợ và sau đó tiến hành "bắt nợ" bằng các cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc tài nguyên thiên nhiên.

Thượng nghị sĩ Fierravanti-Wells

Theo bà Fierravanti-Wells đây là một chiến lược có vẻ bề ngoài "ít xấu xa" một cách lộ liễu như các hoạt động quân sự nhưng lại vô cùng hiệu quả.

Thượng nghị sỹ đảng Tự do Australia cho rằng dưới chính sách "bẫy nợ" của Trung Quốc, các quốc đảo tại khu vực Thái Bình Dương đang phải cắt giảm rất mạnh các khoản chi tiêu trong nước và các chương trình xã hội quan trọng hiện đang bị đe dọa. Về lâu dài, sự ổn định nội bộ của các quốc đảo láng giềng có thể bị ảnh hưởng và các nước này sẽ ngày càng có nhu cầu lớn hơn được giúp đỡ từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển nước ngoài của các nước như Australia. Điều đó có nghĩa là trong ngắn hạn, người nộp thuế Australia sẽ trở thành nguồn trợ cấp trả món nợ một cách hiệu quả cho Trung Quốc thay các quốc gia láng giềng.

Dẫn số liệu của Viện nghiên cứu chính sách Lowy của Australia, bà Fierravanti-Wells "tố cáo" Trung Quốc đang ồ ạt tài trợ xây dựng các "tòa nhà vô dụng” và "các con đường không đi đến đâu” tại các quốc đảo Thái Bình Dương. Trong giai đoạn 2006-2016, Trung Quốc đã đầu tư 2,3 tỷ USD cho các quốc đảo như Vanuatu, Tonga và quần đảo Solomon.

Ngay sau bài viết của bà Wells, Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia đã bác bỏ tất cả những cáo buộc cho rằng Bắc Kinh có "động cơ không trong sáng". Trong bài viết phản bác cũng đăng trên tờ The Australia, Đại sứ quán Trung Quốc đã chỉ trích bà Wells bằng những từ ngữ rất nặng nề: "Những lời cáo buộc vô lý và ngớ ngẩn, chứa đựng tâm lý 'Chiến tranh Lạnh', phản ánh sự thành kiến, kiêu ngạo và vô học của bà Thượng nghị sỹ".

Trang thông tin news.com.au trích dẫn tuyên bố của phía Trung Quốc khẳng định nước này mong muốn giúp đỡ các quốc gia Thái Bình Dương “không có mục đích chính trị đi kèm” và bất kỳ nỗ lực nào tìm cách cản trở các mục tiêu này đều sẽ “thất bại”.

Tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc viết: “ Không ai có thể giành được sự tôn trọng bằng cách bôi nhọ người khác. Cho dù sự giúp đỡ của Trung Quốc có mang lại hiệu quả hay không, và cho dù nó là một miếng bánh hay một cạm bẫy thì tiếng nói của người dân các quốc đảo này sẽ nói lên tất cả".

Cũng theo Đại sứ quán Trung Quốc, trong những năm qua, Trung Quốc đã hỗ trợ các quốc đảo trong phạm vi năng lực của mình và không có ràng buộc chính trị, dựa trên sự tôn trọng đầy đủ ý nguyện của chính phủ và nhân dân các nước Thái Bình Dương và xem xét đầy đủ các nhu cầu phát triển của các nước này. Trung Quốc cũng đã tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế hai bên cùng có lợi với các nước này. Tất cả vì mục đích thúc đẩy hiệu quả sự phát triển kinh tế và xã hội của các quốc đảo.

“Sự hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc đảo là minh bạch và cởi mở. Không ai có thể phủ nhận những kết quả tích cực đã đạt được nhờ sự hợp tác này với giả định hoặc trí tưởng tượng của họ. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm cản trở sự phát triển quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc đảo đều dẫn tới sự thất bại", Đại sứ quán Trung Quốc viết.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc và Australia tranh cãi nhau liên quan tới vấn đề các quốc đảo Thái Bình Dương. Đầu năm nay, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đồng loạt gọi Australia là “chúa tể kiêu ngạo”.

Trong khi đó, nỗi sợ hãi lớn nhất của các nghị sĩ Australia là Trung Quốc sẽ sử dụng đòn bẩy tài chính của mình để thực hiện các mục tiêu đen tối.

Viện Lowy cảnh báo Trung Quốc có khả năng sẽ sử dụng các khoản nợ như vậy để gây ảnh hưởng đến các quốc đảo Thái Bình Dương và chuyển đổi các khoản vay thành khoản cầm cố đối với cơ sở hạ tầng.

Chính sách cho vay của Trung Quốc "không phải là khoản vay mang lại lợi ích cho cả hai bên (Trung Quốc và quốc gia đi vay) mà đơn thuần chỉ có lợi cho Trung Quốc. Nó không chỉ giúp Bắc Kinh tiếp cận nguồn tài nguyên địa phương, thị trường mới và đẩy mạnh sự hiện diện mà còn có thể ép buộc các quốc gia đi vay phải "cống nạp" cho Bắc Kinh những cơ sở hạ tầng địa phương khi các nước này không thể trả nợ".

Lương Minh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/trung-quoc-australia-sau-khau-chien-se-la-dai-chien-post279740.info