Trung Quốc-Ấn Độ: Xóa sổ 'tiếng sấm' ở biên giới khi 'tên đã trên dây, đạn đã lên nòng'?

Tình hình dọc biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục căng thẳng, quân đội hai nước một lần nữa ở vào tình trạng 'gươm tuốt vỏ, nỏ giương dây'. Liệu có nguy cơ xung đột leo thang?

Từ tháng 6 đến tháng 8/2017, lực lượng biên phòng Trung Quốc và Ấn Độ từng có một cuộc đối đầu quân sự ở khu vực Doklam. Vào thời điểm đó, giới học giả hai nước lạc quan dự đoán rằng cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc một cách hòa bình, bởi vì họ tin rằng cả hai nước đều muốn “dĩ hòa vi quý”.

Thứ nhất, là hai quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới hiện nay, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là phát triển hòa bình. Thứ hai, khi xảy ra một cuộc chiến giữa hai cường quốc thì bên nào cũng sẽ có tổn thất, nếu Trung-Ấn xung đột vũ trang, điều đó sẽ chỉ giúp cho các nước khác “trai cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi”. Thứ ba, hòa bình thế giới và ổn định khu vực không thể tách rời khỏi hợp tác hữu nghị Trung-Ấn.

Với xung đột biên giới gia tăng, Trung Quốc-Ấn Độ đang ở giữa lằn ranh hòa bình và chiến tranh.

Với xung đột biên giới gia tăng, Trung Quốc-Ấn Độ đang ở giữa lằn ranh hòa bình và chiến tranh.

Ba năm trôi qua kể từ cuộc đối đầu ở Doklam, căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc một lần nữa "dậy sóng". Theo báo Liên hợp buổi sáng của Singapore có chi nhánh ở Hong Kong, trước tình hình biên giới giữa hai nước hiện nay, giới học giả của cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không còn tự tin như trước hay dám đảm bảo rằng xung đột nhất định sẽ không leo thang. Nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang hiện nay vẫn rất lớn, hai bên đang ở vào tình thế “tên đã trên dây, đạn đã lên nòng”, hết sức căng thẳng.

Nguồn cơn từ đại dịch

Trước hết, đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã làm xáo trộn tình hình quốc tế, khiến tư tưởng chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ ở mỗi quốc gia trỗi dậy. Trong lịch sử, vô số cuộc chiến xảy ra với nguồn cơn là đại dịch và đại dịch lần này càng làm sâu sắc thêm mối hiềm khích của các nước BRICS.

Đến nay, Ấn Độ, Brazil, Nga và Nam Phi đã lần lượt xếp thứ 2, 3, 4 và 8 - tức đều đứng trong tốp 10 các quốc gia có nhiều ca nhiễm Covid-19 trên thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc - quốc gia bị dư luận bên ngoài coi là “thủ phạm” gây ra đại dịch - đã đi đầu trong việc loại bỏ dịch bệnh. Điều này khó tránh khỏi gây ra hiềm khích, dẫn tới sự ganh ghét, căm giận từ các nước khác.

Đặc biệt, dịch bệnh tại Ấn Độ gần như mất kiểm soát và không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục trầm trọng hơn, khiến cho nền kinh tế đang suy yếu này rơi vào thảm cảnh. Tâm lý chống Trung Quốc ở nước này lên cao chưa từng có, xung đột biên giới với Trung Quốc có thể sẽ chuyển hướng xung đột trong nước.

Mối hận cũ thù mới

Thứ hai, lực lượng bộ đội biên phòng Ấn Độ đang canh cánh trong lòng mối hận cũ thù mới với quân đội Trung Quốc, luôn chờ cơ hội trả đũa. Biên giới giữa hai nước dài 3.500 km, một phần tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết.

Năm 1962, giữa hai nước nổ ra chiến tranh biên giới, kết quả là Trung Quốc thắng trận và chủ động ngừng chiến, mặc dù Ấn Độ cũng tuyên bố ra bên ngoài là họ giành phần thắng nhưng bên trong lại coi đây là thất bại.

Kết luận này có thể được xác nhận trong Báo cáo của Henderson Brooks, vốn từng là báo cáo tối mật bị niêm phong về chiến tranh biên giới Trung-Ấn 1962.

Trong những thập kỷ sau đó, mặc dù có những xích mích ở biên giới Trung-Ấn, tình hình về cơ bản có thể kiểm soát. Tuy nhiên, vào tháng 6 năm nay, các vụ đụng độ nghiêm trọng đã nổ ra giữa quân đội hai nước ở khu vực Thung lũng Galwan, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, trong khi Trung Quốc đến nay vẫn chưa công khai tiết lộ thương vong cụ thể của phía mình.

Vào tháng 9, lực lượng vũ trang Trung Quốc và Ấn Độ lại cáo buộc nhau “nổ súng” cảnh cáo. Đây là vụ sử dụng súng đầu tiên trong nhiều thập kỷ, và đó là một tín hiệu cực kỳ nguy hiểm.

Sự trỗi dậy của trào lưu dân tộc chủ nghĩa

Thứ ba, trào lưu dân tộc chủ nghĩa mãnh liệt ở hai nước đã khiến chính phủ và quân đội hai bên đều khó có thể chủ động nhượng bộ, chỉ có cách duy nhất là tiếp tục thể hiện sức mạnh. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã có cuộc hội đàm, nhưng điều đáng tiếc là hai bên đã đổ lỗi cho nhau và không chịu thỏa hiệp, khiến đàm phán rơi vào bế tắc.

Trung Quốc tuyên bố “một tấc đất của lãnh thổ cũng không thể mất đi”, trong khi Ấn Độ lại kiên trì “sẽ không thỏa hiệp về vấn đề chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ”.

Trên thực tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vững tin vào “dĩ hòa vi quý”, vì họ luôn dốc sức thúc đẩy việc chung sống hòa bình giữa hai nước. Tại hai cuộc gặp không chính thức ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 4/2018 và tại Chennai (Ấn Độ) vào tháng 10/2019, cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh cam kết duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực biên giới.

Tuy nhiên, đứng trước vấn đề chủ quyền lãnh thổ và tính đến vấn đề “bộ mặt” của lãnh đạo cường quốc, dự báo tình hình đã không còn nằm trong sự kiểm soát hoàn toàn của hai nhà lãnh đạo. Trước đó, ông Modi đã công khai cho phép lực lượng tiền tuyến ở biên giới Ấn Độ tự chủ động quyết định việc khai hỏa.

Khoảng cách lớn trong nhận thức

Cuối cùng, “tình hữu nghị giữa hai nước nằm ở sự gần gũi của nhân dân hai nước”, tuy nhiên cả Trung Quốc và Ấn Độ vẫn có một khoảng cách nhận thức rất lớn. Hai nước là láng giềng gần gũi, đều là hai nền văn hiến lâu đời, với giao lưu đã trải qua hơn 2.000 năm thăng trầm, nên không thể nói là giữa họ lạ lẫm gì nhau, nhưng dường như cũng khó có thể nói là đã hiểu rõ về nhau.

Đến nay, hai bên vẫn tồn tại những hiểu lầm, nghi kỵ, giễu cợt, thậm chí là sự thù hận lẫn nhau.

Giao lưu nhân dân giữa hai nước chỉ ở mức rất thấp, trong những năm gần đây, số lượt qua lại của người dân hai nước mới vượt qua mốc 1 triệu lượt, chỉ chiếm khoảng 0,036% tổng dân số hai nước.

Hai nước không hài lòng với nhau về vấn đề quân sự, dư luận Trung Quốc thường cho rằng “quân đội Ấn Độ chịu không nổi một đòn”, trong khi giới truyền thông Ấn Độ lại khoe rằng “hoàn toàn có thể đánh bại Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA)”.

Đứng trước vấn đề chủ quyền lãnh thổ và tính đến vấn đề “bộ mặt” của lãnh đạo cường quốc, dự báo tình hình đã không còn nằm trong sự kiểm soát hoàn toàn của hai nhà lãnh đạo... (Báo Liên hợp buổi sáng)

Chủ tịch Tập Cận Bình từng nói với ông Modi rằng Trung Quốc và Ấn Độ nên là “rồng voi cùng múa” thay vì “rồng voi đấu nhau”, đây là ý nguyện tốt đẹp.

Tuy nhiên, hiện nay quân đội hai nước đang triển khai binh lính, xe tăng, pháo binh và máy bay chiến đấu trên quy mô lớn ở khu vực biên giới, nguy cơ “lau súng cướp cò” có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Mặc dù Ngoại trưởng Trung Quốc và Ấn Độ gần đây đã đạt được đồng thuận 5 điểm tại Moscow để hạ nhiệt căng thẳng, nhưng “tiếng sấm” ở biên giới hai nước sẽ không bị xóa sổ chỉ đơn giản như vậy.

Giới học giả Trung Quốc cho rằng tất cả đều không muốn chứng kiến chiến tranh, vì chiến tranh tàn khốc, nhưng có lúc “đánh nhau xong mới thành bằng hữu”, lẽ nào cần thiết phải có một “trận đánh nhỏ” vừa phải để những cái đầu “nóng nảy” của hai bên phục hồi lý trí để trân trọng hòa bình hơn?

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-an-do-xoa-so-tieng-sam-o-bien-gioi-khi-ten-da-tren-day-dan-da-len-nong-124243.html