Trung Quốc âm thầm quân sự hóa thương cảng hải ngoại

Trung Quốc được cho đang trong giai đoạn chuẩn bị tạo ra kiến trúc cần thiết nhằm quân sự hóa các cảng thương mại ở nước ngoài, làm dấy lên lo ngại trong giới lãnh đạo chính trị nhiều nước.

Cảng nước ngoài trong chiến lược quốc gia

Cảng Gwadar của Pakistan do Trung Quốc đổ vốn xây dựng. Ảnh: The Diplomat

Cảng Gwadar của Pakistan do Trung Quốc đổ vốn xây dựng. Ảnh: The Diplomat

Theo tờ The Diplomat, vị thủ tướng tương lai của Samoa (đảo quốc Nam Thái Bình Dương) là bà Fiame Naomi Mata’afa hồi tháng 5 đã tuyên bố hủy bỏ dự án phát triển cảng trị giá 100 triệu USD do Trung Quốc hậu thuẫn ở Vịnh Vaiusu. Bà bày tỏ lo ngại về việc Chính phủ Samoa chìm trong “bẫy nợ” của Trung Quốc và xem số tiền đầu tư cho dự án phát triển cảng này là “quá mức”. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Bắc Kinh đang cùng Samoa đánh giá tính khả thi của dự án, qua đó nhấn mạnh Trung Quốc sẽ “hỗ trợ hết khả năng mà không có bất kỳ ràng buộc chính trị nào”.

Tuyên bố của ông Triệu được xem là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm phản bác lại các cáo buộc cho rằng vai trò ngày càng tăng của nước này trong các dự án phát triển cảng thương mại chỉ là vỏ bọc cho các tham vọng khác của Bắc Kinh. Theo giới quan sát, việc Trung Quốc đẩy mạnh mua lại các cảng ở nước ngoài chủ yếu là nhằm thực thi chiến lược kết hợp quân sự với dân sự, tận dụng năng lực thương mại tại các cảng và có thể phát triển cho mục đích quân sự.

Theo Luật Giao thông Quốc phòng Trung Quốc năm 2016, các tổ chức như doanh nghiệp nhà nước phải hỗ trợ Quốc vụ viện và Quân ủy Trung ương trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài. Luật quy định, các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc hậu thuẫn ở nước ngoài phải được thiết kế sao cho đáp ứng các tiêu chuẩn quân sự. Do đó, các cảng thương mại do các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc sở hữu hoặc vận hành đều có thể được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động quân sự của Bắc Kinh.

Tham vọng nhiều khó khăn

Cảng Gwadar ở Pakistan là minh chứng cho những khó khăn mà Trung Quốc đang phải đối mặt trong nỗ lực phô trương sức mạnh thông qua kiểm soát các cảng thương mại. Gwadar chính thức trở thành dự án hàng đầu của Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) vào năm 2015 và được giao Công ty Cổ phần Cảng Hải ngoại Trung Quốc (COPHC) quản lý trong vòng 40 năm vào năm 2017. Theo các điều kiện của thỏa thuận, COPHC kiểm soát các hoạt động của cảng trong suốt thời gian thuê và Trung Quốc xem Gwadar là một liên doanh thương mại, không dùng cho mục đích quân sự và có kế hoạch biến nó thành trung tâm trung chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế trong khu vực.

Tuy nhiên, COPHC đã cố gắng phát triển Gwadar theo hướng có thể hỗ trợ nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo ra các cảng có giá trị chiến lược lẫn thương mại. Có điều, bất chấp nhiều điều kiện được tạo ra cho mục đích kết hợp quân - dân sự, cảng Gwadar cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

Theo giới chuyên gia, bên cạnh những hạn chế về cơ sở hạ tầng mà nhiều cảng vẫn gặp phải, việc sử dụng các cảng thương mại cho các loại hình hoạt động quân sự còn phụ thuộc vào mối quan hệ giữa Bắc Kinh với nước sở tại. Ngoài sự lành mạnh tổng thể của mối quan hệ về kinh tế, chính trị và an ninh, việc Trung Quốc muốn dùng các cảng thương mại để phục vụ mục đích quân sự đòi hỏi Bắc Kinh phải thật sự khéo léo về ngoại giao để vừa gìn giữ mối quan hệ với nước sở tại vừa tránh được sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Vì thế, một học giả của Học viện Khoa học Quân sự thuộc quân đội Trung Quốc khuyên rằng ngoại giao quân sự không nên quá lộ liễu trong quá trình xây dựng các cứ điểm chiến lược. Theo bà này, khi thúc đẩy ngoại giao quân sự, Trung Quốc phải quan tâm đến phương pháp và nhịp độ. Bà cảnh báo Bắc Kinh không nên thúc ép để đạt được mục tiêu, mà thay vào đó là đàm phán với quốc gia mục tiêu và đạt tiến triển từ từ. “Gần như bất cứ hành động nào của Trung Quốc ở hải ngoại đều thu hút sự chú ý của các nước lớn và sự chú ý này có thể làm leo thang sự cạnh tranh và phản kháng”, vị học giả nhấn mạnh.

Với sự chung tay của các doanh nghiệp nhà nước khổng lồ như Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc, Công ty Vận tải biển Trung Quốc (COSCO) hay Công ty Xây dựng cảng Trung Quốc China Merchants Group, Bắc Kinh kể từ năm 2010 đã đổ hơn 20 tỉ USD vào các cảng thương mại ở nước ngoài. Trong khi COSCO đầu tư phát triển 61 bến cảng trên khắp thế giới, China Merchants quản lý 36 cảng ở 18 quốc gia.

TRÍ VĂN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/trung-quoc-am-tham-quan-su-hoa-thuong-cang-hai-ngoai-a134094.html