Trung Quốc 2020 - Năm của những thảm họa và dị tượng

Ngay khi đại dịch Covid-19 còn chưa qua khỏi, Trung Quốc tiếp tục phải vật lộn với hàng loạt thảm họa khác, với gần 50 triệu dân phải hứng chịu nhiều loại thảm họa tự nhiên chỉ trong nửa đầu năm.

Khởi đầu đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 được phát hiện đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019 và sau đó bùng phát mạnh khiến chính phủ nước này phải phong tỏa thành phố Vũ Hán và sau đó là cả tỉnh Hồ Bắc.

Phun thuốc khử trùng ở đường phố Vũ Hán.

Phun thuốc khử trùng ở đường phố Vũ Hán.

Theo số liệu công bố của Bắc Kinh, cho đến nay có tổng cộng 84.895 người dân Trung Quốc bị nhiễm Covid-19, trong đó 4.634 người đã tử vong. Không chỉ gây thiệt hại về y tế, đại dịch còn khiến Trung Quốc thiệt hại lớn về kinh tế và quan hệ quốc tế. Nó như một thảm họa mở đầu cho một năm đầy khó khăn của Trung Quốc.

Lũ lớn chưa từng có

Kể từ đầu tháng 6-2020, lũ lụt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu vực rộng lớn ở miền Nam Trung Quốc, chủ yếu xung quanh lưu vực sông Dương Tử và các nhánh của nó. Chỉ riêng trong tháng 7, thảm họa lũ lụt đã ảnh hưởng tới 38,173 triệu người, 56 người chết và mất tích và 2,996 triệu người phải tái định cư khẩn cấp; 27.000 ngôi nhà bị sập và 240.000 ngôi nhà bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau; diện tích cây trồng bị ảnh hưởng là 388,7 nghìn ha, thiệt hại kinh tế trực tiếp 109,74 tỷ NDT (15,8 tỷ USD).

Ngập lụt nghiêm trọng ở huyện Tòng Giang, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc hồi tháng 6. Ảnh: Tân Hoa xã.

So với cùng kỳ trong 5 năm qua, số người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và tái định cư khẩn cấp trong tháng 7-2020 đã tăng lần lượt 62,5% và 88,6%. Tính đến ngày 13-8, lũ lụt đã ảnh hưởng đến 63,46 triệu người và gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế 178,96 tỷ NDT (25,8 tỷ USD), cao hơn 15,5% so với mức trung bình 2019; 219 người đã chết hoặc mất tích, và 54.000 ngôi nhà bị sập.

Bộ Tài nguyên nước cho biết tổng cộng 443 con sông trên toàn quốc đã bị ngập lụt, trong đó có 33 con sông bị ngập đến mức cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Theo thống kê của Cục Di sản Văn hóa Quốc gia (NCHA), 76 di tích văn hóa trọng điểm cấp quốc gia và 187 di sản văn hóa cấp tỉnh bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau.

Các khu vực bị ảnh hưởng bao gồm Quảng Tây, Quý Châu, Tứ Xuyên, Hồ Bắc và Trùng Khánh. Các khu vực này bao gồm thượng lưu và trung lưu sông Dương Tử và các phụ lưu của nó. Với nhiều mưa hơn, lũ lụt bắt đầu kéo dài đến các vùng thấp hơn của lưu vực sông Dương Tử như An Huy, Giang Tây và Chiết Giang. Hồ Nam, Phúc Kiến và Vân Nam cũng bị ảnh hưởng.

Hạn hán ảnh hưởng 2,79 triệu người

Trong khi đó, tháng 7-2020, tại khu vực phía Bắc, hạn hán nghiêm trọng đã xảy ra ở Nội Mông, Liêu Ninh, Hắc Long Giang, Thiểm Tây, Tân Cương và các nơi khác. Theo thống kê, hạn hán đã khiến 2,79 triệu người bị ảnh hưởng và diện tích đất trồng bị thiệt hại gần 12 triệu ha. Những nơi này không xuất hiện bất kỳ cơn bão nào, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1949 (thành lập đất nước Trung Quốc) trở lại đây. Do vậy, các khu vực này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán. Nhiều tỉnh, thành Trung Quốc có nhiệt độ cao bất thường như Phúc Kiến, Hải Nam, Quảng Đông và Quảng Tây.

Hạn hán ảnh hưởng 2,79 triệu người.

Theo một cuộc điều tra của South China Morning Post, nông dân Trung Quốc đã mất tới một nửa sản lượng ngũ cốc của họ do ảnh hưởng của hạn hán, lũ lụt và Covid-19. Sản lượng ngũ cốc giảm có nguy cơ làm đảo lộn chuỗi cung ứng lương thực: gạo, lúa mì và ngô là những thành phần thiết yếu trong chế độ ăn quốc gia. Những thiệt hại này cũng gây nguy hiểm cho các kế hoạch của chính phủ về khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất lương thực mà Bắc Kinh đã theo đuổi khi đối mặt với cuộc chiến thương mại với Mỹ và những trở ngại đối với thương mại quốc tế do coronavirus gây ra.

Động đất, mưa đá, cháy rừng và giông lốc

Cũng trong tháng 7, tổng cộng có 20 trận động đất có cường độ 4.0 hoặc cao hơn đã xảy ra ở Trung Quốc đại lục, số trận động đất cấp 4 và 5 cao hơn đáng kể so với cùng kỳ trong những năm trước đây.

Mưa đá hình coronavirus ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Đặc biệt, ngày 12-7 đã xảy ra một trận động đất mạnh 5,1 độ richter ở Đường Sơn, Hà Bắc, nhưng không gây thiệt hại về người. Ngày 23-7 xảy ra trận động đất mạnh 6,6 độ richter ở Nyima, Tây Tạng, đây là trận động đất có cường độ lớn nhất ở Trung Quốc đại lục trong năm 2020. Tuy nhiên, tâm chấn nằm ở khu vực dân cư thưa thớt và chỉ gây thiệt hại cho hơn 50 cơ sở hạ tầng.

Ngày 12-8, danh thắng Lạc Sơn Đại Phật, tượng Phật lớn nhất thế giới được tạc vào vách núi ở Tứ Xuyên, phải đóng cửa sau khi mưa lớn làm nước sông dâng ngập một phần chân tượng.

Trong tháng 7 có 10 đợt thời tiết đối lưu mạnh mẽ trên toàn Trung Quốc. 20 tỉnh và khu vực Tân Cương đã hứng chịu thảm họa gió và mưa đá ở các mức độ khác nhau. Các thành phố phía bắc bao gồm Bắc Kinh và Bảo Định ở tỉnh Hà Bắc lân cận đã phải hứng chịu những trận mưa đá dữ dội vào ngày 1 và 5-7. Trước đó, vào cuối tháng 6, một cơn mưa đá ở Bắc Kinh kéo dài liên tục 7 giờ, trút xuống những cục mưa đá có hình dạng giống như một con coronavirus. Thiệt hại kinh tế trực tiếp của Hà Bắc, Sơn Tây, Nội Mông, Thiểm Tây và Tân Cương khoảng 2,4 tỷ NDT.

Ngoài ra, trong tháng 7 đã có 106 vụ cháy rừng trên khắp Trung Quốc, các vụ cháy chủ yếu xảy ra ở vùng núi Mông Cổ và Hắc Long Giang. So với mức trung bình của cùng kỳ trong 5 năm qua, số vụ cháy rừng tăng 48 vụ, tăng 84%.

Tuyết rơi giữa mùa hè

Một hiện tượng thời tiết bất thường đã xảy ra ở quận Đông Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 28-7 và đã được người dân quay video lại. Theo người dân, những bông tuyết trắng đã rơi xuống khu vực này trong một ngày hè nóng nực. Cư dân ở Dongcheng cho biết sự kiện bắt đầu vào khoảng 15:20 và kéo dài 5-6 phút. Một người dân tên là ông Li đã quay video về sự kiện thời tiết không giải thích được và đăng nó lên mạng xã hội.

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã dẫn lời các chuyên gia, cho biết đó thực sự là mưa đá nhỏ, có xu hướng xuất hiện trong đối lưu mạnh vào mùa hè.

Dịch châu chấu

Bầy châu chấu đã hủy hoại mùa màng ở nhiều tỉnh nông nghiệp kể từ tháng 6. Tại Tuyền Châu, một huyện nông nghiệp phía Nam thành phố Quế Lâm, chỉ trong 10 ngày châu chấu đã xâm chiếm và dọn sạch những cánh đồng ngô, ngũ cốc, cùng các vườn cây cam, cây liễu được trồng dọc theo bờ sông để ngăn chặn lũ lụt. Zhao, một nông dân địa phương, cho biết: “Ngay cả những chiếc lá cũng không còn”.

Châu chấu tàn phá hoa màu cây cối.

Đầu tháng 6, đàn châu chấu tấn công tỉnh Hồ Nam, lan tràn khắp các sân vườn của người dân, khiến cư dân phải trốn ở nhà và đóng chặt cửa sổ. Đợt châu chấu này đã khiến hơn 80.000 người phải sơ tán. Nhà chức trách địa phương đã sử dụng các biện pháp hóa chất và sinh học, bao gồm cả phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị bay không người lái, trên diện tích 34.640 ha, nhằm ngăn chặn sự lây lan châu chấu.

Ngày 4-8, chính quyền tỉnh Vân Nam, miền Nam Trung Quốc, cho biết địa phương này đang hứng chịu làn sóng châu chấu tấn công thứ hai trong năm nay. Tính đến ngày 2-8, châu chấu đã xâm hại khoảng 10.389 ha đất của tỉnh này. Theo các quan chức phụ trách công tác kiểm soát côn trùng của tỉnh, tổng cộng 9 châu thuộc 4 quận và thành phố của Vân Nam đang chịu ảnh hưởng của nạn châu chấu, trong đó có thành phố Phổ Nhĩ và quận tự trị Xishuangbanna. Đợt bùng phát này là do làn sóng di cư của châu chấu khi thời tiết tốt lên cùng với nhiệt độ thích hợp.

Giới chuyên gia cho biết tuy số lượng châu chấu xâm nhập vào Trung Quốc đang giảm dần, song vẫn còn một lượng lớn châu chấu đang phân bổ trên diện rộng.

Dịch hạch
Ngày 7-8, chính quyền khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc đã phong tỏa một ngôi làng sau khi một người dân tại đây chết vì bệnh dịch hạch. Đây là ca bệnh dịch hạch thứ hai và là ca tử vong đầu tiên do bệnh dịch hạch mà Trung Quốc ghi nhận trong năm nay.

Một phụ nữ đi ngang qua một quảng trường ở thành phố Bao Đầu, khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc.

Chính quyền đã tiến hành phong tỏa ngôi làng này và cách ly những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Cơ quan y tế thành phố Bao Đầu cho biết có 35 người - gồm 9 người có tiếp xúc gần với trường hợp đã tử vong và 26 người có tiếp xúc gần với 9 người này - đã được cách ly. Thành phố Bao Đầu cũng đã phát cảnh báo cấp 3 (trên thang 4 cấp với cấp 1 là cao nhất) nhằm phòng ngừa và kiểm soát dịch hạch. Cảnh báo này sẽ có hiệu lực tới cuối năm 2020.

Hồi tháng 11-2019, Trung Quốc từng ghi nhận 4 ca mắc bệnh dịch hạch đến từ khu tự trị Nội Mông. Bệnh dịch hạch (thể hạch, thể phổi...) được biết đến là "cái chết đen" vào thời Trung Cổ. Đây là một loại bệnh lây nhiễm cao và thường gây chết chóc. Các ca mắc bệnh dịch hạch không phải là hiếm ở Trung Quốc, nhưng việc bùng phát thành dịch ngày càng trở nên hiếm hoi. Từ năm 2009-2018, Trung Quốc ghi nhận 26 ca nhiễm và 11 ca tử vong do dịch hạch.

Vinh Trang

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/trung-quoc-2020-nam-cua-nhung-tham-hoa-va-di-tuong-83371.html