Trung Quốc: 1 năm 16 đội bóng giải thể, đất nước tỷ dân chỉ có 150 cầu thủ U19

Bóng đá Trung Quốc đang chứng kiến các đội bóng biến mất, trong khi lực lượng cầu thủ có xu hướng ngày một ít đi.

16 đội giải thể trong mùa COVID-19

Tháng 6/2020, sau khi đội bóng quê hương Thiên Tân Thiên Hải bị giải thể, hậu vệ Trương Thành được CLB Giang Tô chiêu mộ. Anh đá 7 trận cho đội bóng mới, giành chức vô địch Chinese Super League (CSL) vào tháng 11.

Chưa đầy 108 ngày sau khi đăng quang, CLB Giang Tô bị xóa sổ khỏi bản đồ bóng đá Trung Quốc. Trong vòng chưa đến một năm, Trương Thành hai lần rơi vào cảnh thất nghiệp vì đội bóng chủ quản giải tán. Anh cùng các đồng đội vừa gặp lại nhau sau kỳ nghỉ Tết, nhưng lần này là để thu dọn đồ đạc.

CLB Thiên Tân Thiên Hải từng chiêu mộ Alexandre Pato.

CLB Thiên Tân Thiên Hải từng chiêu mộ Alexandre Pato.

Có hàng trăm cầu thủ chuyên nghiệp Trung Quốc bỗng chốc mất việc giống như Trương Thành. Có tới 16 đội bóng thuộc ba giải hạng cao nhất phải giải thể hoặc tạm dừng hoạt động trong năm 2020. Đây là một con số rất lớn, nếu so với tổng số 45 đội bóng biến mất khỏi bản đồ bóng đá Trung Quốc trong vòng 20 năm qua.

Trong số 16 đội giải tán năm 2020, có 11 CLB trước khi chính thức dừng hoạt động đã bị cấm tham dự mùa giải vì không đáp ứng yêu cầu về tài chính. Đến năm 2021, cùng ngày CLB Giang Tô giải thể, đội Thiên Tân Tân Môn Hổ cũng bị loại khỏi mùa giải CSL vì lý do này.

Chưa chính thức giải thể, nhưng sự tồn tại của đội bóng Thiên Tân có lẽ chỉ còn tính bằng ngày. Theo báo chí Trung Quốc, CLB này đã trả đủ lương cho các cầu thủ, nhưng lại không nộp báo cáo theo quy định cho Hiệp hội bóng đá (CFA).

Cuộc chơi không có lãi

Bóng đá Trung Quốc mang vẻ ngoài hào nhoáng trong những năm gần đây, với việc các đội bóng chi tiêu mạnh tay và đưa về những ngôi sao của bóng đá thế giới. Tuy nhiên, đó chỉ là quả bóng được bơm lên bằng tiền bởi trên thực tế, đa số các CLB của CSL đều chịu cảnh thua lỗ.

Các CLB Trung Quốc rút khỏi cuộc chơi vì không đảm bảo được về tài chính.

Trung bình một đội bóng dự giải CSL tiêu khoảng 50-60 triệu USD/năm. Theo quy định giới hạn chi phí mới được CFA ban hành gần đây, một CLB không được chi tiêu quá 600 triệu tệ (khoảng 90 triệu USD) mỗi năm, có nghĩa là trước đó đã có những trường hợp chi tiêu nhiều hơn con số này.

Quảng Châu Hằng Đại (Guangzhou Evergrande) là một ví dụ. Tổng chi phí hoạt động của đội bóng từng hai lần vô địch AFC Champipons League trong năm 2019 lên tới gần nửa tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu của họ chỉ bằng khoảng một phần ba.

Quảng Châu Hằng Đại là đội bóng có doanh thu cao nhất trong các CLB chuyên nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, hơn 70% nguồn thu của đội bóng này là các hợp đồng tài trợ và quảng cáo được ký với các công ty thuộc cùng tập đoàn. Truyền thông Trung Quốc gọi đây là tiền từ tay trái chuyển sang tay phải.

Nguồn thu từ hoạt động bóng đá, bao gồm tiền bán vé, đồ lưu niệm và tiền thưởng, tiền bản quyền truyền hình từ các giải đấu cộng lại đạt khoảng 27 triệu USD, chỉ chiếm khoảng 22% tổng doanh thu của CLB.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 khuếch đại những tổn thương về kinh tế mà đa số các đội bóng Trung Quốc phải chịu đựng mỗi năm. Không khán giả, không thu được tiền vé. Nguồn thu lớn nhất từ bản quyền truyền hình tạm thời bị cắt đứt đẩy các đội bóng đến bờ vực phá sản.

Không có đến 150 cầu thủ U19

Không chỉ các đội bóng biến mất, bóng đá Trung Quốc còn đối mặt với hiện trạng lo ngại hơn. Lực lượng cầu thủ trẻ của nước này cũng đang có xu hướng giảm.

Các đội trẻ Trung Quốc không có thành tích tốt trong nhiều năm.

Trong đợt tập trung của đội tuyển U19 Trung Quốc ở Thượng Hải năm ngoái, HLV trưởng Lưu Điện Thu phàn nàn rằng ông có quá ít sự lựa chọn khi tuyển quân. Số lượng cầu thủ thuộc lứa U19 của tất cả các CLB cộng lại chưa đến 150 người, tính cả những cầu thủ chưa có hợp đồng chuyên nghiệp.

Đó là con số quá ít ỏi đối với một quốc gia có dân số 1,4 tỷ người và đặt tham vọng vô địch World Cup vào năm 2050. Chiến lược bóng đá trẻ từ nền tảng của Trung Quốc từng được kỳ vọng rất lớn, nhưng có vẻ chưa đi đúng hướng.

Năm 2009, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh bóng đá học đường. Hoạt động này phát triển mạnh với rất nhiều cơ sở huấn luyện bóng đá lứa tuổi học sinh. Tuy nhiên, giữa bóng đá phong trào và chuyên nghiệp vẫn có một bức tường khó vượt qua.

Theo Sina, bóng đá học đường vẫn chỉ được xem là hoạt động ngoại khóa ở Trung Quốc. Các bậc cha mẹ không muốn con mình theo nghiệp bóng đá, và bản thân những đứa trẻ cũng lựa chọn con đường học hành thay vì trở thành cầu thủ từ lứa tuổi thiếu niên.

Bóng đá Trung Quốc đã và đang đối mặt với cơn khủng hoảng lứa kế cận, đến mức phải áp dụng những điều luật tiêu cực như ép các đội dùng cầu thủ U23. Tình trạng này có thể sẽ càng tồi tệ hơn, khi một quốc gia 1,4 tỷ dân mà đội tuyển U19 lại chỉ có danh sách 142 cái tên để lựa chọn.

Minh Ngọc

Nguồn VTC: https://vtc.vn/trung-quoc-1-nam-16-doi-bong-giai-the-dat-nuoc-ty-dan-chi-co-150-cau-thu-u19-ar599191.html