Trừng phạt Huawei, Mỹ triệt tiêu kinh tế Thâm Quyến

Huawei từng được coi là 'đầu rồng' của Thâm Quyến và việc bị Mỹ trừng phạt đã khiến nền kinh tế của tỉnh này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mỹ đã phát động cuộc chiến thương mại nhằm vào các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc mà đa số đều tập trung đặt nhà máy ở Thâm Quyến. Thành phố này được gọi là một đứa “con cưng” cho sự phát triển kinh tế Trung Quốc.

Thâm Quyến đã trở thành "con cưng" của kinh tế Trung Quốc.

Thâm Quyến đã trở thành "con cưng" của kinh tế Trung Quốc.

Huawei đã là một phần quan trọng của nền kinh tế thành phố, sẽ trở thành một gã khổng lồ thiết bị viễn thông toàn cầu và là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc.

Tuy nhiên, lệnh cấm vận của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ đẩy Huawei Technologies tới bờ vực sụp đổ mà còn giáng cú đòn nặng vào nền kinh tế thành phố Thâm Quyến.

Yuehai - quận phía tây của Thâm Quyến, nơi "đóng đô" của công ty mạng xã hội Tencent, nhà sản xuất viễn thông ZTE và nhà sản xuất thiết bị không người lái DJI, người dân địa phương nói đùa rằng nó giống như cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với thành phố, hoặc thậm chí là với chính quận này.

Trong 40 năm qua, Thâm Quyến đã chuyển mình từ một làng chài buồn tẻ nằm ngay bên kia đối diện với Hong Kong thành một đô thị hơn 12 triệu dân, nơi lĩnh vực công nghệ cao chiếm hơn một phần ba GDP thành phố.

Với tầm quan trọng của lĩnh vực này, nhiều người đang bắt đầu lo lắng về tác động mà cuộc chiến thương mại có thể gây ra, theo South China Morning Post.

Bắc Kinh có những kế hoạch lớn cho thành phố và đã quy hoạch nơi đây là trung tâm chính cho sự đổi mới và sáng tạo trong kế hoạch Đại châu thổ - một dự án được thiết kế để tạo ra khu vực kinh tế cạnh tranh với các khu vực San Francisco (Mỹ) và vịnh Tokyo (Nhật Bản), bằng cách liên kết các thành phố phía nam Quảng Đông với Hong Kong và Macau.

Song đối mặt với việc bị tăng thuế xuất khẩu sang Mỹ và cuộc tấn công liên tục nhằm vào Huawei - nhân tố then chốt trong mạng 5G của Trung Quốc - các cơ quan, quan chức chính quyền và các công ty công nghệ đang trù tính cho một tương lai bất định.

Một nhà nghiên cứu chính sách làm việc cho chính quyền Thâm Quyến, nói với SCMP rằng, chìa khóa của Thâm Quyến là Huawei.

"Huawei là công ty quan trọng nhất đứng đầu chuỗi giá trị, là người dẫn dắt và trung tâm của ngành. Đó là đầu rồng của chúng tôi" - nhà nghiên cứu cho biết.

Trong một báo cáo hiếm hoi được công bố bởi cục thống kê Thâm Quyến năm 2016, Huawei là công ty đóng góp lớn nhất cho GDP của thành phố, chiếm 7% tổng GDP, tương đương 143 tỷ nhân dân tệ (20,6 tỷ USD).

Khoản này gần bằng với tổng giá trị đóng góp của những cái tên còn lại trong danh sách 20 doanh nghiệp đóng góp hàng đầu cho GDP của thành phố, bao gồm những "người chơi lớn" như ZTE, Tencent, nhà sản xuất chip Foxconn và nhà sản xuất xe BYD.

Huawei và các công ty con của nó có quy mô nhân sự lớn nhất thành phố, với khoảng 80.000 người làm việc tại trụ sở ở Thâm Quyến và hơn 3.000 người làm việc tại một cơ sở nghiên cứu và phát triển mới ở thành phố Đông Quản gần đó.

Các nhà nghiên cứu chính sách cho biết chính quyền thành phố "phải làm tất cả những gì có thể" để giúp các công ty công nghệ này trong hoàn cảnh hiện nay.

Song giờ đây, khi Washington đã cấm Huawei nhập khẩu linh kiện từ Mỹ và đóng băng công ty khỏi mạng 5G nước này do lo ngại an ninh quốc gia, cũng như kêu gọi các đồng minh tiếp bước, chính quyền địa phương không còn nhiều lựa chọn.

"Bạn biết chìa khóa (cho các vấn đề của Huawei) không phải nằm ở Thâm Quyến. Vấn đề nằm ở Washington. Thâm Quyến không thể giúp giải quyết sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và thị trường nước ngoài" - nhà nghiên cứu này nói.

Huawei hiện vẫn là ưu tiên chính của chính quyền địa phương.

"Trong khi chúng tôi sẽ để mắt đến những người khác, chúng tôi chắc chắn sẽ tập trung nỗ lực vào việc giúp Huawei" - nhà nghiên cứu cho biết.

Liu Kaiming, Giám đốc Viện Quan sát Đương thời ở Thâm Quyến (chuyên theo dõi tình trạng các nhà sản xuất Trung Quốc), cho hay các lệnh trừng phạt làm suy yếu Huawei sẽ tạo ra hiệu ứng tiêu cực lên toàn chuỗi cung ứng đồ điện tử của Trung Quốc.

Ông nhất trí rằng các vấn đề của Huawei sẽ có tác động sâu rộng lên nền kinh tế quốc dân của Trung Quốc, và là chỉ dấu cho sự chấm dứt kỷ nguyên các công ty Trung Quốc được chấp nhận làm nhân tố chính trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Logic của sự hợp tác trên đã bị đứt gãy và việc chia tách đã bắt đầu, ông Liu nói. Ông này dự báo rằng một số công ty Trung Quốc với vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm nhiều hãng đặt trụ sở ở Thâm Quyến, bây giờ sẽ khăn gói ra đi.

Ông Liu nhận định tiếp: “Các công ty điện tử sở hữu vốn nước ngoài này thực sự là khu vực cao cấp trong ngành sản xuất điện tử có định hướng xuất khẩu hiện nay của Trung Quốc... Việc các hãng này chuyển trụ sở không đem lại ích lợi gì cho sự đổi mới công nghệ của Trung Quốc”.

Một nguồn tin thân cận với sở khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Đông cho biết chính quyền tỉnh đã thành lập một lực lượng đặc biệt, làm việc với các cơ quan liên quan từ Quảng Châu, Thâm Quyến và Đông Quản.

Đội ngũ này đã gặp các công ty công nghệ đã, hoặc có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc cạnh tranh thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc để thảo luận về tác động có thể xảy ra với hoạt động kinh doanh.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trung-phat-huawei-my-triet-tieu-kinh-te-tham-quyen-3418253/