Trúng nhiều dự án lớn nhưng lại hạn chế... năng lực (!)

Công ty TNHH MTV Kỹ thuật công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam (Công ty Vina Encorp) trúng thầu 2 dự án lớn ở Trà Vinh, gồm: dự án nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt tỉnh Trà Vinh và dự án xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác TP Trà Vinh.

Sau nhiều năm triển khai đến nay, 2 dự án đều chậm tiến độ vì nhà thầu gặp khó khăn tài chính, nhân lực.

Dự án nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt tỉnh Trà Vinh, có tổng vốn đầu tư gần 80 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối năm 2018. Tuy nhiên đến nay dự án chậm tiến độ, quyết định đầu tư hết hiệu lực. Theo báo cáo của đoàn kiểm tra UBND tỉnh Trà Vinh, nhà thầu không đảm bảo thời gian thực hiện dự án do nguồn lực tài chính không đáp ứng được yêu cầu.

Dự án xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác TP Trà Vinh cũng xảy ra tình trạng tương tự ở gói thầu số 4. Theo hợp đồng đã ký kết với Sở TN&MT, đến tháng 6/2020, nhà thầu phải kết thúc gói thầu nhưng nay quá hạn 5 tháng chỉ đốt được 12% khối lượng của 120.000 tấn rác cần xử lý.

Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Trà Vinh cho biết dự án xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác TP Trà Vinh có hai hợp phần với tổng kinh phí xử lý và chôn rác là 79 tỷ đồng. Hợp phần 1 thực hiện đốt rác trên bề mặt với khối lượng khoảng 120.000 tấn (tương đương 60%), với kinh phí 49,5 tỷ đồng.

Hợp phần 2 chôn lấp rác phần chân bãi khoảng 80.000 tấn (tương đương 40% lượng rác cần xử lý). Năm 2017, Sở TN&MT ký hợp đồng với Công ty Vina Encorp triển khai gói thầu số 4 với tổng kinh phí 49,5 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6-2020 là kết thúc hợp đồng nhưng qua kiểm tra tiến độ thực hiện của gói thầu không đảm bảo, nhà thầu bị xử phạt 37 triệu đồng vì vi phạm hợp đồng.

Dự án nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt tỉnh Trà Vinh bị chậm tiến độ.

Dự án nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt tỉnh Trà Vinh bị chậm tiến độ.

Theo kết quả của đoàn kiểm tra, tiến độ triển khai gói thầu chậm. Nguồn lực tài chính của nhà thầu hạn chế, nhân lực gặp nhiều khó khăn. Nhà thầu thay đổi hệ thống xử lý đốt rác bằng 11 lò đốt hiệu Sankyo - Nafci không phù hợp với việc đốt rác cũ nên không hiệu quả kinh tế dẫn đến điều chỉnh phương án kéo dài thời gian. Sở TN&MT là chủ đầu tư, đánh giá, lựa chọn công nghệ, thiết bị lò đốt rác không phù hợp với việc đốt rác cũ.

Theo giải trình của Giám đốc Sở TN&MT, nhà thầu đầu tư lắp đặt hệ thống 11 lò Sankyo - Nafci thay thế cho hệ thống lò SH7-1000 để tiến hành đốt rác cũ phù hợp hơn nhưng lại làm phát sinh nhiều nguồn khí thải. Mỗi lò một ống khói nên chi phí thu và phân tích mẫu rất cao, đồng thời việc đấu nối chung một ống khói gây khó khăn cân bằng áp suất.

Việc cân chỉnh phải tốn nhiều thời gian, kinh phí dẫn đến chi phí xử lý rác thải cũ cao hơn chi phí xử lý rác thải mới, tăng số lượng công nhân vận hành, tăng thêm chi phí điện dẫn đến đơn giá xử lý cao hơn đơn giá được phê duyệt. “Đây là vấn đề nhà thầu không lường trước được khi đưa hệ thống 11 lò này vận hành”, Giám đốc Sở TN&MT giải trình.

Tại buổi làm việc với PV Báo CAND, ông Trần Văn Hùng nhìn nhận thời điểm lập dự án vào năm 2017, Sở TN&MT, nhà thầu chưa đánh giá được hết các nội dung và cũng không đo lường được hết mức độ khó khăn, tính chất, thành phần rác thải tại bãi rác đã tồn tại từ năm 1992. Sở lần đầu tiên được giao nhiệm vụ thực hiện nên chưa có kinh nghiệm, dẫn đến gặp khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Kết quả đến nay, nhà thầu chỉ đốt được 16.000 tấn rác, tương đương hơn 12% trong tổng số 120.000 tấn rác cần phải xử lý, rất chậm so với mục tiêu đề ra.

Theo ông Trần Văn Hùng, đến thời điểm này dự án rõ ràng đã có sơ suất. Công ty Vina Encorp có triển khai các hạng mục công trình đầu tư xây dựng nhà xưởng, xây dựng lắp đặt lò đốt, có vận hành thử nghiệm đốt rác nhưng tiến độ thực hiện chậm, hạn chế về vốn. Giải pháp thì chưa hợp lý, dự án chậm trễ. Tỉnh Trà Vinh dự kiến đưa 30.000 tấn rác sang đốt tại nhà máy ở TP Cần Thơ, theo cơ sở đề xuất của Công ty VinaEncorp nhưng cũng không thực hiện được.

Trong báo cáo giải trình do Giám đốc Sở TN&MT gửi UBND tỉnh Trà Vinh cũng nêu rõ trách nhiệm của nhà thầu. Quá trình thực hiện, nhà thầu (giám đốc) không sâu sát với quá trình triển khai thực hiện, thường ủy nhiệm cho cấp dưới, thiếu kiểm tra đôn đốc. Nhà thầu cùng lúc thực hiện hai dự án lớn của tỉnh, đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung, chưa sâu sát, kinh phí còn hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng, thi công lắp đặt nhà xưởng, máy móc, thiết bị.

“Nhà thầu đã nhiều lần cam kết với Sở TN&MT nhưng không thực hiện đúng. Quá trình thực hiện chưa đáp ứng những nội dung hướng dẫn, yêu cầu của sở. Chậm báo cáo tiến độ, báo cáo không cụ thể, chi tiết dẫn đến tiến độ thực hiện gói thầu triển khai còn chậm, ảnh hưởng đến toàn dự án”, ông Trần Văn Hùng nêu trong báo cáo. Dù vậy, Sở TN&MT tiếp tục gia hạn thời gian cho nhà thầu thực hiện gói thầu thêm 12 tháng, đến tháng 6/2021. Giải thích về việc nhà thầu cùng lúc triển khai hai dự án nhưng không có đủ nguồn lực triển khai, dẫn đến chậm tiến độ, Giám đốc Sở TN&MT cho rằng đây là thực trạng tỉnh đang gặp khó khăn.

Như Anh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/trung-nhieu-du-an-lon-nhung-lai-han-che-nang-luc-622420/